Nhớ đến những ngày “điên rồ” ấy, Phạm Ngọc Thanh chia sẻ, anh từng bị bố mẹ, anh em, bạn bè phản đối gay gắt vì không chọn con đường học vấn.
Hiệu cắt tóc của Phạm Ngọc Thanh |
Hà Nội những năm 2000, gia đình Thanh vẫn nghèo đến mức không thể sắm cho anh cây kéo tốt, cái đầu ma-nơ-canh. Đồ nghề khởi nghiệp của Thanh là cái cột trụ lan can trong nhà. “Tóc” được anh chàng này “thiết kế” từ những sợi dây ni lông xé nhỏ. Cứ thế, anh chàng ham tóc, ham cắt này ngày ngày xé dây ni lông, bện bện, cắt cắt, tạo kiểu. Thậm chí, anh chàng này từng tập cắt cả trên…lông gà, lông vịt!
“Rồi hồi đó, tôi cũng có cái sĩ diện của thằng con trai chứ. Có ai lại đi ca ngợi, thần tượng một thằng cắt tóc! Thế nên khi tôi treo cái biển ở vỉa hè, bon bạn tôi cười nghiêng ngả. Nhiều đứa còn chọc ghẹo. Mà gặp con gái thì xấu hổ lắm!” (lại cười).
Pha một chút tự kiêu, chàng trai sinh năm 1986 này kể lại chuyện cái biển: “Hồi đó cứ tan học là tôi lại treo cái biển ở góc phố. Thực ra nó là một mảnh gỗ chỉ đủ viết hai chữ “cắt tóc” theo chiều dọc, còn hai chữ “nghệ thuật” viết tắt là “NT”. Cũng oai như cóc!” (cười nghiêng ngả).
Cái hồi đó mà Phạm Ngọc Thanh kể mới cách đây 7, 8 năm. Anh chàng được mệnh danh kiêu căng này kể lại, người thầy đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này là một người bạn dạy anh cách cắt kiểu tóc lá. Từ người thầy đầu tiên này, anh nhận ra là chỉ có tự học mới giỏi!
Thế nên Phạm Ngọc Thanh có kiểu học cắt tóc không giống ai. Anh không học từ bất kỳ người nào vì cho rằng, nếu làm theo họ, anh sẽ lặp lại cách cắt của họ- những cách cắt phổ biến không mang lại cho khách hàng một mái tóc tự nhiên, ít cần phải chăm sóc mà vẫn đẹp. Vì thế, anh tự mày mò để tìm ra cách làm riêng.
Cho đến bây giờ, tiếng Anh vẫn là thứ Phạm Ngọc Thanh phải đầu tư học nhưng từ trước tới nay, anh chàng này đã dùng Internet để tìm kiếm trên các trang web nước ngoài cách dạy cắt tóc. Tự tra từ điển, dịch từng từ, từng câu rồi ghi chép lại, rồi thực hành, rồi rút ra kinh nghiệm…. Suốt mấy năm ròng, Thanh Monaco say sưa với cây kéo, những lọn tóc giả, những bó dây ni lông hơn bất cứ thứ gì. Về sau, khi biết các kiểu cắt, những mái tóc của các bạn trai, bạn gái đều được Thanh “chém” nhiệt tình.
Theo Phạm Ngọc Thanh, không phải nghề “học” mới cần sự học hành bài bản, học từ gốc mà nghề tóc của anh cũng phải như vậy. Nếu chỉ học theo lối bắt chước, không am hiểu tận gốc về tóc, về màu sắc, kiểu mẫu tóc … thì người thợ không thể sáng tạo. Thay vì chỉ học lấy vài kiểu cắt, vài cách pha màu, uốn nhuộm rồi mở cửa hàng, Phạm Ngọc Thanh đã tự viết cho mình những cuốn “giáo trình” bài bản về từng chi tiết nhỏ trong nghề.
Lý giải cho cái thói “chảnh” không cắt quá 6 đầu/ngày này, Phạm Ngọc Thanh cho biết: “Cắt tóc cần sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì phải có thời gian. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc trong nghề nghiệp.”
Ẩn đằng sau quy định 6 đầu/ngày này là dự định về một Monaco Academy, một nơi ứng dụng phong cách làm việc hoàn toàn mới và đầy vẻ mạo hiểm của anh. Anh thu tiền dựa trên mức độ hài lòng của khách. Nếu khách hoàn toàn hài lòng, anh sẽ thu theo giá quy định và khách được quyền “miễn trả công” nếu họ không hài lòng với chất lượng dịch vụ của cửa hàng.
“Nghe có vẻ mạo hiểm nhưng tôi tin rằng khi người ta được phục vụ tốt, hoàn toàn hài lòng thì họ rất khó không chi trả tiền công cho mình. Nếu có người như vậy thì tôi cũng … không chấp! (Cười to)…Tôi chưa thấy có gì không suôn sẻ vì từ khi áp dụng cách này, chưa có vấn đề gì xảy ra cả. Như thế, các tay kéo ở cửa hàng tôi chỉ có một cách là làm cho khách hoàn toàn hài lòng!”.
Thanh cho rằng, đã qua rồi cái thời một số ít người giỏi nghề nên muốn phục vụ khách hàng thế nào cũng được. Dần dần, mặt bằng tay nghề sẽ ngang nhau, nơi nào phục vụ tốt, nơi đó sẽ làm ăn tốt.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com