Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngày tàn của một đế chế (I)

General Motors Corp (GM) – hãng xe hàng trăm năm tuổi, trong đó có 77 năm liền ngự trị ở ngôi vị số 1 thế giới trong ngành công nghiệp ô tô và mới chỉ để tuột ngôi vào năm 2008 – đã phá sản. Một công ty GM mới đã hình thành khi Tòa án Liên bang Mỹ chấp thuận kế hoạch bán tài sản của GM.

(Ảnh: ceoworld)

GM là nhà sản xuất ô tô của Mỹ có trụ sở ở Detroit, Michigan. Tập đoàn này sản xuất xe hơi và xe tải ở 34 quốc gia với tổng số nhân công vào khoảng 244.500 người, tiêu thụ và thiết lập dịch vụ liên quan tới xe cộ ở 140 nước. Năm 2008, 8,35 triệu xe hơi và xe tải của GM được bán trên phạm vi toàn cầu dưới các thương hiệu Buick, Cadillac, Chevrolet, GMC, GM Daewoo, Opel, Vauxhall, Holden, Pontiac, Hummer, Saab, Saturn và Wuling. 

Cuối năm 2008, GM cùng với một đại gia ô tô khác của Mỹ là Chrysler, đã nhận các khoản vay từ chính phủ Mỹ, Canada và Ontario để tránh phá sản - kết quả sự sụt giảm kéo dài trong tiêu thụ liên quan tới suy thoái, giá dầu kỷ lục, chi phí chăm sóc y tế và lương hưu, sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất ô tô khác trên thế giới.

Ngày 20/2/2009, chi nhánh Saab của GM đệ trình kế hoạch tái cơ cấu lên một toà án Thuỵ Điển sau khi bị chính phủ nước này từ chối cho vay tiền. Ngày 27/42009, giữa lúc sa vào hàng loạt vấn đề tài chính và nỗ lực tái cơ cấu, GM tuyên bố từng bước bỏ thương hiệu Pontiac vào cuối năm 2010 và tập trung vào bốn thương hiệu của hãng ở Bắc Mỹ: Chevrolet, Cadillac, Buick, và GMC.

Ngày 24/4/2009, GM nhận 15,4 tỉ USD vay từ Bộ Ngân khố Mỹ trong Chương trình Hỗ trợ các Tài sản xấu (TARP). GMAC, một công ty tài chính do GM nắm giữ 49% nhận 5 tỉ USD vay từ chương trình tương tự. General Motors Canada, do GM sở hữu 100% nhận được cam kết cho vay 3 tỉ đô la Canada từ chính phủ Canada và Ontario.

Ngày 1/6/2009, General Motors đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 tại một toà án liên bang ở Manhattan, New York với kế hoạch tái tổ chức một công ty mới, quy mô nhỏ hơn để nâng tính cạnh tranh trong vòng vài tháng. Đứng về góc độ tổng tài sản, đây là vụ phá sản lớn thứ tư trong lịch sử nước Mỹ, tiếp theo Lehman Brothers Holdings Inc., Washington Mutual và WorldCom Inc.

Kế hoạch tái cấu trúc của GM đã vấp phải hơn 850 đơn chống đối chủ yếu từ cổ đông gửi đến Tòa. Tuy nhiên những đơn chống đối đó đã vô hiệu khi Tòa án liên bang Mỹ chấp thuận kế hoạch bán các tài sản của người khổng lồ nước Mỹ vào tối 5/7. Theo đó, phần tài sản sinh lợi nhất của GM bao gồm nhà máy và các thương hiệu làm ăn hiệu quả sẽ được bán cho công ty GM mới do Chính phủ Mỹ điều hành.

Ngày 6/7, phát biểu trước báo giới, đại diện GM nói hoạt động kinh doanh của GM mới được mong đợi sẽ vận hành tức thì và hoàn toàn có tính cạnh tranh với các công ty xe hơi khác. Nhân công GM hiện thời đang được tuyển lựa vào công ty mới. Các công ty con của GM ở ngoài nước Mỹ sẽ về tay công ty mới và được mong đợi sẽ hoạt động bình thường, không bị gián đoạn.

Đế chế vinh quang

William "Billy" Durant sáng lập ra thương hiệu General Motors (GM) vào năm 1908 tại thành phố Flint, bang Michigan (Mỹ). Ngay từ những ngày đầu, Durant muốn tập hợp các nhà sản xuất xe hơi riêng lẻ về một mối, thay vì cạnh tranh với nhau trên thị trường. Trong đó, mỗi thành viên sẽ đảm nhiệm những khâu nhất định. Với ý tưởng này, Durant tăng quy mô GM lên gấp đôi vào năm 1908 bằng cách mua lại Công ty Oldsmobile. Sau đó, ông tiếp tục mua Cadillac, Cartercar, Elmore, Ewing và Oakland vào năm 1909, rồi Welch và Rainier vào những năm 1910.

Doanh số bán hàng của General Motor cho năm tài chính trọn vẹn đầu tiên của công ty kết thúc vào ngày 31/12/1909 với tổng số xe con và xe tải bán được là 25.000 chiếc, chiếm 19% tổng doanh số của cả nước Mỹ. Mạng lưới bán hàng thu được tổng cộng 29.030.000$ và tổng số nhân viên trong thời gian sản xuất đỉnh điểm là hơn 14.000 nguời hầu hết ở Michigan.

Do quá mải mê đi thu mua các công ty khác, GM gánh khoản nợ khổng lồ 1 triệu USD. Năm 1910, Durant bị một nhóm các ngân hàng "truất ngôi". Nhưng không hề nản chí, ông đứng ra đồng sáng lập thương hiệu Chevrolet và dần mua lại từng cổ phần trong GM. Đến năm 1916, ông thừa đủ quyền lực để quay lại làm Chủ tịch General Motors.

General Motors bắt đầu kế hoạch bành trướng ra quốc tế bằng nhà máy tại Đan Mạch năm 1923. Hai năm sau đó, GM thâu tóm Vauxhall Motors và mua lượng cổ phần lớn tại nhà máy ô tô Opel vào 1929. Đến tận ngày nay, Vauxhall và Opel vẫn là hai con bài "đinh" của GM tại thị trường châu Âu. Cũng trong thời kỳ này, GM xây dựng nhà máy tại Argentina, Pháp và Trung Quốc.

Thành công của những công ty cổ phần ô tô trẻ không phải là một định mệnh. Chẳng có sự đảm bảo nào cho một chỗ đứng trên thị trường và cũng chẳng có gì chắc chắn sẽ thu về lợi nhuận. Trong gần 1000 công ty đã cố gắng sản xuất và bán ô tô những năm đầu thế kỉ 20, đến năm 1927, chỉ còn chưa đầy 200 trong số này sống sót trong nền công nghiệp ô tô và cung cấp xe thương mại cho thị trường.

Hầu hết những công ty ấy, trong đó có nhà sản xuất ô tô trẻ tuổi GM, đều yếu về mọi mặt, và các hoạt động của họ chưa có sự phối hợp. Rất nhiều công ty ở trong tình cảnh nợ nần. Và tình hình chỉ trở nên sáng sủa hơn vào những năm 20 khi một mô hình quản lí mới ra đời và một mô hình sản xuất mới xuất hiện, đó là thời kì GM bắt đầu trở nên thịnh vượng.

Chìa khóa thành công của GM không phải ở việc sản xuất xe, mà chính là ở phương pháp bán sản phẩm – công ty cung cấp cho khách hàng một danh sách các thương hiệu, kiểu dáng và màu sắc để họ có thể lựa chọn. Cuộc cách mạng về phương pháp bán hàng và mô hình quản lí không phải là cách duy nhất để GM thay đổi nền công nghiệp ô tô thế giới. Hãng này đã đưa ra hàng loạt những phát minh quan trọng, bao gồm hệ thống truyền động, hệ thống lái, hệ thống phanh và động cơ phun nhiên liệu. GM là một trong những tập đoàn lớn nhất của nước Mỹ và là nhà tuyển dụng lao động lớn nhất thế giới.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới, GM chuyển đổi một số dây chuyền sang sản xuất máy bay, xe tăng và xe tải phục vụ quân đồng minh. Những năm 1950, GM đã có nhiều bước phát triển đáng kể. Năm 1954 đánh dấu chiếc xe hơi thứ 50 triệu của hãng.

Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà sản xuất nhỏ châu Âu, GM cố gắng đáp trả bằng việc tung mẫu xe Chevrolet Corvair năm 1960. Tuy nhiên, dư luận lo ngại về độ an toàn của chiếc xe mới. Đặc biệt sau khi luật sư Ralph Nader, được mệnh danh là nhà đấu tranh cho quyền lợi người tiêu dùng, xuất bản cuốn sách "Unsafe at Any Speed", Mỹ đã mở một cuộc điều tra quy mô về chất lượng của chiếc xe. Tình hình căng thẳng đến mức năm 1969, GM phải điều trần trước Quốc hội. Hậu quả là trong năm đó, số phận của chiếc Chevrolet Corvair đi đến hồi kết.

Rồi lần đầu tiên kể từ khi thành lập, GM gặp thua lỗ hồi những năm 1980 và cũng đã suýt rơi xuống vực phá sản vào năm 1991. Hồi đó GM thua lỗ 4,45 tỷ USD. Thời khó khăn bắt đầu từ đó và âm ỉ kéo dài song GM vẫn trụ vững trong nhiều hoàn cảnh và duy trì được ngôi vị số 1 thế giới trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu.

Bước sang thập niên 90, năm 1995, doanh số xe con và xe tải của GM trên toàn thế giới đạt 8,3 triệu chiếc, với tổng thu nhập 6,9 tỉ USD và tổng số nhân viên trong mạng lưới toàn cầu của công ty là 714.000 người.

General Motor có 284 cơ sở trên 35 bang và 158 thành phố Hoa Kỳ. Thêm vào đó là GM của Canada với các cơ sở tại 21 địa phương, GM de Mexico với các cơ sở tại 5 địa phương, và sự phân bố của các cơ sở trên 49 quốc gia khác trên toàn thế giới.

41 quốc gia ngoài Bắc Mĩ có sự hiện diện của các chi nhánh của GM, doanh số của hãng chiếm khoảng 17% tổng số xe bán ra trên toàn thế giới. Số xe sản xuất từ các cơ sở ngoài Bắc Mỹ chiếm 1/3 tổng doanh số của toàn bộ tập đoàn. Và sản phẩm của GM (tất cả các chủng loại) được bán trên 170 quốc gia trên toàn thế giới.

Cuối thập niên 90, kinh tế Mỹ tăng trưởng, GM và Ford sở hữu thị phần lớn trong công nghiệp ô tô nhờ các khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán các xe tải nhẹ và xe thể thao.

Năm 2003, lợi nhuận ròng của GM là 3,8 tỷ USD trên tổng doanh thu bán hàng là 186 tỷ USD. Có cảm tưởng như không gì có thể đe dọa được vị thế của tập đoàn này trên các thị trường của Mỹ cũng như trên thế giới.

Bắt đầu ngày tàn

Tuy nhiên, hầu như không có ai để ý tới những dấu hiệu đáng lo ngại đầu tiên khi mức lợi nhuận so với doanh số của GM thực ra là quá thấp - chỉ từ 0,9% đến 2,1% - nếu so với các hãng ô tô của Nhật và châu Âu. Ngay từ năm 2003, tỷ lệ sản phẩm của GM ngay trên thị trường chính là nước Mỹ đã bắt đầu sụt giảm, trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn những mẫu xe của Nhật có nhiều lợi thế mang tính kinh tế hơn.

Hai đại gia của xứ sở mặt trời mọc là Toyota và Honda từ lâu đã tập trung vào việc nghiên cứu và thử nghiệm các “động cơ lai”, có thể hoạt động nhờ các nguồn năng lượng khác nhau như khí đốt, điện… hiện đang được nhìn nhận như một “sự chọn lựa của tương lai”. Tất nhiên là GM ngay từ đầu những năm 1990 cũng đã thử nghiệm những mẫu xe của tương lai này - đầu tiên là mẫu Impact và sau đó là phiên bản siêu tiết kiệm Chevrolet Volt - nhưng đáng tiếc lại không được giới lãnh đạo chú trọng đúng mức.

Việc chế tạo các mẫu thử nghiệm của Impact với nhãn hiệu EV1 đã bị đình chỉ vào năm 2003, còn Volt chỉ mới được nhắc tới vào năm 2006. Khi đó, con “át chủ bài” của ông chủ GM, Wagoner, lại hoàn toàn khác: Tập trung vào loại xe đường trường trên nhiều địa hình, cũng như xe tải nhẹ - những kiểu mẫu đem lại cho GM tới một nửa lợi nhuận, đặc biệt là tại các thị trường nước ngoài.

Ban đầu, Toyota đã phải hứng chịu những thua lỗ với việc tung phiên bản Prius với động cơ lai ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên chỉ hai năm sau, những tổn thất này đã được đền bù một cách xứng đáng. Đến khi GM bắt đầu “sực tỉnh” thì người Nhật và châu Âu đã vượt qua khá xa. Đến thời điểm giá xăng dầu tăng lên chóng mặt, giai đoạn khó khăn của GM thực sự bắt đầu.

Năm 2005, số xe của tập đoàn bán được trên thị trường Bắc Mỹ đã thấp hơn 80% so với dự đoán. Chỉ một năm sau, tạp chí Fortune - 5 năm trước từng xếp Wagoner vào danh sách các giám đốc điều hành xuất sắc nhất - sau khi phân tích sự tình của GM đã đi đến kết luận: Tập đoàn này đang trên đà phá sản.

Khó khăn trở nên trầm trọng khi GM bị thua lỗ tới 8,6 tỷ USD trong năm 2005 và mất danh hiệu nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới vào tay Toyota năm 2007. Cũng trong năm 2007, thua lỗ của GM lên tới 38,7 tỷ USD.

Giá dầu lên tới đỉnh điểm vào mùa hè năm 2008 đã phá hỏng hoàn toàn những vị thế của GM. Tập đoàn đã phải vội vàng rao bán với giá 4 tỷ USD một số chi nhánh, kể cả nhà máy sản xuất loại xe Hummer.

Ngoài cơn sốt giá dầu, ngay sau đó là đà suy giảm kinh tế, là hai đòn mạnh liên tiếp giáng xuống GM cũng như các nhà sản xuất ô tô khác. Tính đến tháng 10/2008, GM cùng hai đối thủ Chrysler và Ford đều bị cuốn vào cuộc chiến khốc liệt để duy trì sự tồn tại. Cổ phiếu của 3 hãng không ngừng lao dốc trên sàn phố Wall. Các nhà đầu tư không còn tin vào khả năng phục hồi của ba người khổng lồ ngành xe hơi Mỹ. Chính quyền Bush từ chối chi 10 tỷ USD tiền cứu trợ mặc dù GM đã tuyên bố họ có thể bị phá sản nếu không được chi viện.

Sau khi thắng cử, Tổng thống Barack Obama bắt đầu nỗ lực cứu ba nhà sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, nguồn viện trợ 17 tỷ USD của chính quyền đi kèm với một loạt yêu cầu cải tổ khác, mà lúc này đã trở nên khó khả thi.

(Theo Kỳ Thư tổng hợp // VietNamNet)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Ngày tàn của một đế chế (phần II)
  • Chữ Tín trong kinh doanh vàng: Trông người mà ngẫm đến ta
  • Những gia sư kiếm hàng triệu đô
  • Ngành in đối đầu với thế giới ảo
  • Doanh nhân nói chuyện phong thủy
  • 3 bí quyết thành tỷ phú
  • Canh bạc lớn của Tổng giám đốc Prudential
  • Hướng tới chiến lược cạnh tranh động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com