Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chữ Tín trong kinh doanh vàng: Trông người mà ngẫm đến ta

Ngành chế tác, kinh doanh vàng trang sức có bề dày lịch sử lâu đời và những manh mối trong nghề có thể là bài học quý cả trong kinh doanh lẫn đối nhân xử thế.

Hồi giữa năm 2009, nữ trang Trung Quốc rầm rộ đổ bộ vào TPHCM, có khi còn có đại diện của chính nhà sản xuất đi kèm. Chủ nhiều tiệm vàng tại TPHCM xác nhận, họ thậm chí không cần đặt cọc, chỉ cần giao mẫu và đặt hàng, khoảng 2 tuần sau hàng sẽ được chuyển đến tận nơi.

 Bí quyết tạo dựng thương hiệu, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng của các công ty kinh doanh vàng là công bố đúng tuổi, đúng giá vàng - tinkinhte.com
Bí quyết tạo dựng thương hiệu, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng của các công ty kinh doanh vàng là công bố đúng tuổi, đúng giá vàng.

Tinh xảo và rẻ 

Ở bất kỳ một chợ vàng chính nào của TPHCM như An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1) hay chợ Thiếc (quận 11)…, người ta cũng có thể tìm được nữ trang Trung Quốc với đủ loại tuổi vàng từ 10 - 18K. Theo chủ một tiệm vàng lớn ở chợ Thiếc, giá bán sỉ của các loại hàng Trung Quốc luôn thấp hơn từ 2 đến 3 USD/g so với giá vàng cùng tuổi của các công ty nữ trang trong nước. “Người Trung Quốc rất hay là họ nghĩ ra những chiếc máy thay thế được các công đoạn thủ công rất hiệu quả. Có lẽ nhờ vậy mà nữ trang Trung Quốc được chào bán giá sỉ chỉ cao hơn giá vàng nguyên liệu 5 - 7%, trong khi thông thường tiền công chế tác hàng trong nước chiếm 10%, có khi lên tới 20% nếu là hàng cao cấp, chế tác khó” - chị nhận xét.

Xét về thiết kế mẫu mã, nữ trang Trung Quốc cũng không hề kém: các loại bông tai, dây chuyền, lắc thường là vàng trắng hoặc vàng màu, có đủ mẫu bóng hoặc mờ, đa dạng và thời trang, dễ bán. Chính vì vậy, có nhiều món nữ trang được giới thiệu là vàng trắng Italy và bán với giá… Italy (thường đắt gấp rưỡi vàng trắng cùng tuổi khác) thực ra vẫn là đồ “Made in China”. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, do đa phần là nhập khẩu tiểu ngạch nên nữ trang Trung Quốc không phải chịu thuế nhập khẩu vàng nữ trang (từ 30 - 40%), tạo ra áp lực cạnh tranh không lành mạnh với hàng nội.

Nhà kinh doanh này nói thêm, cần phân biệt hàng nữ trang tuổi thấp và hàng thiếu tuổi. Nữ trang vàng tuổi thấp làm bằng vàng 10, 12, 14K và được công bố rõ ràng với giá tương ứng. Chẳng hạn, giá nữ trang vàng 10K chỉ bằng khoảng 60% so với nữ trang vàng 18K. Loại nữ trang vàng tuổi thấp (với những mẫu mã thanh mảnh hơn, trọng lượng vừa phải hơn) đang có xu hướng rộ lên như một giải pháp khôn ngoan trong thời kỳ thắt chặt chi tiêu để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Vừa qua, PNJ tung ra thị trường rất nhiều sản phẩm nữ trang vàng 14K. Dòng sản phẩm vàng trắng 10K của công ty này cũng đã được chế tác với rất nhiều mẫu mã, xuất sang nhiều nước châu Âu. Vàng trắng 10K của SJC cũng bán rất chạy, có thời kỳ cao điểm khách hàng mua sỉ phải đặt trước 2 tuần mới có hàng. 

... Đúng tuổi, đúng giá

Đáng tiếc là đến nay cảnh “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn còn khá phổi biến trên thị trường vàng trang sức.

Tuy tạo ra một cục diện thị trường mới, nhưng chuyện nữ trang Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường cũng không có gì là quá lạ, nếu hiểu rõ truyền thống kinh doanh của người Trung Quốc. Điều khá bất ngờ là ở chỗ, trên các sản phẩm này đều đóng rõ tuổi vàng và cực kỳ chính xác. Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), ông Đỗ Công Chính cho biết, SJC từng tham gia kiểm định một lô hàng 15 kg nữ trang Trung Quốc nhập tiểu ngạch bị cơ quan chức năng thu giữ. Kết quả rất đáng nói: nữ trang trong lô hàng này đều có tuổi vàng đúng 18K như đóng dấu. Đây được coi là một trong những bí quyết tạo dựng thương hiệu, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Bí quyết thật đơn giản, nhưng không dễ theo!

Gạt sang bên câu chuyện trốn thuế, phải nói rằng cung cách giữ “chữ Tín vàng” của nhà kinh doanh kim hoàn Trung Quốc là rất đáng học tập. Đáng tiếc là đến nay, cảnh “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn còn khá phổ biến trên thị trường vàng trang sức nội. Thế nên mới có chuyện khi đem bán lại đồ trang sức thì chỉ có thể bán lại ở chính tiệm đã mua, nếu không muốn bị lỗ. Vàng càng tăng “phi mã” như thời gian qua thì tình trạng ăn bớt tuổi vàng càng phổ biến, càng khiến người tiêu dùng “ít tin” vào hàng nội.

Được biết, câu lạc bộ Giám đốc Vàng bạc đá quý thuộc Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM (SJA) đã ra lời “hiệu triệu” các doanh nghiệp thành viên không bán nữ trang ngoại nhập trôi nổi và cam kết làm vàng đúng tuổi, bán đúng giá. Hy vọng lời hiệu triệu này được hưởng ứng và dần dần trở thành một nét văn hóa của doanh nghiệp, dù rằng thực ra, “chữ Tín vàng” này - với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - đã được nhiều doanh nghiệp Việt xưa thấm thía.

Những người cao tuổi cho biết, ngày xưa cứ loại vàng có đóng dấu Kim Thành là được người giao dịch tuyệt đối tin tưởng, không cần thử lại. Ông Bùi Công Bội - con trai nhà tư sản chuyên kinh doanh đồ kim hoàn Bùi Hưng Gia, chủ cửa hiệu kim hoàn Sư tử nổi tiếng ở Hà Nội (sau này ông Gia đã trở thành đại biểu Quốc hội ngay từ khóa đầu tiên) cho biết, dù bận rộn đến đâu, thậm chí có thể giao phó hầu hết các công việc khác cho người thân, nhưng ông Gia luôn thu xếp tự tay “ngả vàng” để đảm bảo độ tuổi của vàng nguyên liệu. Những lô hàng ông Gia gửi đi năm châu bốn biển hầu như không bị trả lại bao giờ…

(Theo Viết Nguyên // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Những gia sư kiếm hàng triệu đô
  • Ngành in đối đầu với thế giới ảo
  • Doanh nhân nói chuyện phong thủy
  • 3 bí quyết thành tỷ phú
  • Canh bạc lớn của Tổng giám đốc Prudential
  • Hướng tới chiến lược cạnh tranh động
  • Bài học sặc tiền của một đại gia tài chính
  • Thời trang Việt Nam : Cần sự đầu tư bài bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com