(Ảnh minh họa) |
Được sinh ra cách đây hơn 30 năm, tuy làm việc chăm chỉ nhưng tôi vẫn còn là một thương hiệu mang giá trị thấp. Thực tế là tôi đang tồn tại nhưng trong lòng vẫn luôn trăn trở một điều. Đó là việc tìm ra và dấn thân vào một con đường để có một ngày trở thành cái tên có thể làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trên thế giới về hàng “made in Vietnam”.
Điều đáng buồn của tôi!
Một sự ngộ nhận đáng buồn là cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn thường gọi tôi là anh quảng cáo, anh tiếp thị hay là chị logo. Thiết nghĩ nếu tôi chỉ đơn giản là một chị logo xinh đẹp thì trên thế giới này có hàng vạn thương hiệu như Apple rồi còn gì.
Thật sự thì tôi hoàn toàn không phải là các anh, chị kể trên. Tôi là hình ảnh đọng lại trong “bộ nhớ” của con người từ những thông tin và trải nghiệm thực tế. Tôi chính là dấu ấn trong tâm tưởng của người tiêu dùng, nhân viên, đối tác và cộng đồng xã hội. Khi là một dấu ấn đậm tích cực, tôi có khả năng mang lại cho họ những lợi ích cảm xúc vượt trên công năng sản phẩm như là sự đảm bảo, sự thỏa mãn, sự tự hào hay một sự vinh thăng.
Ngược lại, nếu tôi là một dấu ấn mờ nhạt thì tôi chẳng có gì để thu hút họ ngoài cái giá rẻ. Giá rẻ là đặc thù của nhiều thương hiệu nhỏ có cùng hoàn cảnh như tôi, chỉ cần chi phí đầu vào tăng một chút là có nguy cơ bị “nốc ao” khỏi cuộc chơi. Tôi tự nghĩ rằng dẫu có cần cù thì kiếp nghèo sẽ vẫn mãi là nghèo nếu như ta không có một sự thay đổi mang tính đột phá. Không bằng lòng với hiện tại, tôi luôn tự vấn mình phải làm gì đó để đổi vận, ít ra thì cũng là cho thế hệ sau.
Hành trình đi tìm một con đường
Chia sẻ với nỗi trăn trở và khát vọng của tôi, một vị cao nhân chỉ dạy rằng trước hết tôi cần tìm ra một con đường hợp với xu thế để dấn thân và tạo nên một dấu ấn riêng. Đó nên là một con đường mà tôi đam mê theo đuổi, kiên trì tích lũy và tiến đến làm chủ năng lực lõi của mình, để không ai có thể làm tốt hơn mình trong lĩnh vực của mình. Nên nhìn đó là một chuyến hải trình dài, có thể xuất phát từ việc làm gia công cho một anh nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm rồi tìm lối đi riêng.
Ông nói tiếp rằng đừng nghĩ đến những thứ cao siêu mà hãy quan sát người tiêu dùng, xem họ đang cần thứ gì, có thể là các vật dụng rất bình thường ở xung quanh ta như một cái thẻ nhớ (USB) của anh Kingston, con chuột vi tính của anh Logitech hay đơn giản chỉ là một bộ linh kiện giúp tiết kiệm xăng xe máy của anh thợ máy ở Vĩnh Long. Và thế là tôi luôn tự hỏi mình thực sự mê làm cái gì nhất, thế mạnh của tôi nằm ở chỗ nào và nên hoạt động trong lĩnh vực gì.
Tuy là một thứ vô hình nhưng xét về khía cạnh con người, vị cao nhân lại bảo rằng: một thương hiệu nên “sống” cho có “đạo” để tích “đạt” trong dài hạn. Cụ thể là phải sống đàng hoàng tử tế với đội ngũ nhân sự, khách hàng và môi trường xung quanh mình. Cũng như nhiều thương hiệu Việt Nam khác, tôi gặp vô vàn khó khăn lẫn cám dỗ buộc phải rời xa con đường chính đạo, từ chuyện “đi đêm” để trúng thầu cho đến việc “quên mất” xử lý chất thải. Làm sao tôi có thể tồn tại và cạnh tranh với các đối thủ “biết làm ăn” như thế chứ đừng nói đến sống cho có “đạo” và trở thành một tên tuổi lớn. (Lại đổ cho “tại” và “bị”!). Dù sao thì cũng an ủi bởi tôi biết đây không chỉ là nỗi trăn trở của riêng mình.
Tôi làm gì để ghi dấu ấn?
Bộ não của con người hoạt động như một chiếc hộp chứa thông tin có giới hạn. Chiếc hộp này thường chỉ thu nhận những cái mới, cái hay hơn, cái khác lạ hơn. Chúng sẵn sàng bỏ qua những thông tin na ná nhau trong một thế giới với quá nhiều sự chọn lựa. Có người bảo với tôi rằng “dội bom” nhiều lần trên các phương tiện truyền thông rồi cũng “chui vào” tâm trí của khách hàng nhưng khổ nỗi các sân chơi đó chủ yếu dành cho các tên tuổi lớn mà thôi.
Trong một thế giới mở và bùng nổ thông tin như hiện nay thì không dễ dàng gì thu hút được sự quan tâm chứ đừng nói đến niềm tin của khách hàng. Internet có thể là một công cụ hữu ích để tạo sân chơi riêng cho một thương hiệu “bé họng” như tôi và rồi nghiệm ra rằng thực chất vấn đề là nằm ở sự khác biệt, độc đáo của tôi. Rủi thay, nghĩ ra một cái gì khác biệt trong một môi trường luôn bị “bao bọc” bởi những định kiến lỗi thời, đã ăn sâu bám rễ vào tư duy của con người ta thì thật không dễ dàng chút nào. Do vậy mà nhiều ý tưởng “mới, khác, hơn, lạ” thường bị gọi là “dị” và thường bị “triệt” ngay từ trong trứng.
Không thể phủ nhận, đây chính là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng tâm lý bị động sợ sai, sợ trách nhiệm và sống theo lối an phận của không ít người trong giới trẻ và hệ quả là nó làm kìm hãm, triệt tiêu động lực sáng tạo và đường hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như xã hội. Tôi chắc rằng mình rất cần những nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám ra quyết định mạo hiểm dựa trên nền tảng của sự hiểu biết thì mới có thể kéo “cả đoàn tàu” vượt qua căn bệnh “ì” mãn tính trầm trọng này.
Dẫu sống trong một môi trường có nhiều lực cản nhưng tôi vẫn hy vọng có một ngày nó sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Và tôi cũng đã khám phá ra rằng phía sau những thương hiệu lớn trên thế giới, sự khác biệt không chỉ nằm ở một cái tên, logo hay bao bì mà còn ở đặc trưng của sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, thông điệp cùng với danh tiếng được tích lũy. Nhưng đó chỉ là phần nổi mà thôi, phần chìm của tảng băng lại nằm ở lý do tồn tại, khát vọng của tôi trên cõi đời này.
Nó liên quan đến chữ “đạo lý” trong cái nghề kinh doanh, chữ “nhân” trong bản thân nhà sáng lập, chữ “kế thừa” ở cái tên của một quốc gia và chữ “độc đáo” ở vùng đất mà một thương hiệu được nuôi dưỡng. Ngoài ra, sự khác biệt còn nằm ở những sáng kiến, đổi mới trong sản phẩm, dịch vụ hay không gian bán hàng cùng cách mà tôi tạo lập các mối quan hệ cảm xúc với khách hàng của mình.
Chính phần chìm với vai trò dẫn dắt hướng đi và phần nổi thể hiện sự khác biệt này tạo nên một “tảng băng khác biệt”, giúp tôi định hình nên bản sắc riêng của mình qua quá trình tương tác với khách hàng. Nhờ hiểu rõ mình là ai (phần chìm) mà tôi có thể liên tục vận động và tiến hóa (phần nổi) cùng với nhu cầu và cảm xúc của con người theo một cách riêng mà không bị lạc lối trong một thế giới luôn biến động và tràn ngập sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Đó chính là con đường mà tôi sẽ phải tìm ra và dấn thân trong dài hạn.
Ai phê chuẩn giá trị của tôi?
Việc tạo ra một dấu ấn riêng không phải ai cũng làm được bởi rất khó. Mặc dù sự hiện diện ở ngoài chợ hay siêu thị là cực kỳ quan trọng nhưng ở đây tôi đang tham gia vào một “cuộc chiến” trong tâm tưởng của khách hàng. Nếu thắng, tôi không những tạo ra lợi nhuận cao, cơ hội tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh bền vững mà tôi còn là một tài sản lớn của doanh nghiệp.
Một câu hỏi thường đặt ra là ai có thể đánh giá được giá trị vô hình của tôi? Đó chính là khách hàng, những người trả tiền để mua và ủng hộ tôi, họ có tiếng nói quyết định chứ không phải là những giải thưởng tự phong. Giá trị của tôi chỉ có thể là giá trị thật khi nó được đánh giá dựa trên việc bầu chọn một cách minh bạch và công khai bởi người tiêu dùng.
Tâm sự đến đây, hẳn các bạn thấy rằng vận mệnh của một thương hiệu như tôi trước hết phụ thuộc vào việc chọn lựa một con đường đi đúng, nó không thể tách rời với chiến lược phát triển doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh. Và tôi cũng nghiệm ra rằng nếu ông chủ của tôi không có khát vọng và thiếu kiên định trong việc tạo ra một môi trường văn hóa hỗ trợ cho thương hiệu thì sẽ không bao giờ giúp tôi định hình nên bản sắc của chính mình.
Không có hoặc thiếu bản sắc, tôi như một cánh bèo trôi dạt trên sông, mặc cho dòng “thị trường” đưa đẩy. Bất chợt, nghe đâu đó câu hát quen thuộc “Tìm một con đường, tìm một lối đi…” trong một buổi chiều mưa Sài Gòn và tôi - một thương hiệu Việt Nam có hoài bão lại tiếp tục mơ về cái ngày đáng tự hào ấy trong đời.
Nemo Consulting sẽ nhận tư vấn miễn phí xoay quanh vấn đề thương hiệu cho doanh nghiệp vào mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần tại B’office, số 4 Phùng Khắc Khoan, quận 1 (vui lòng đăng ký trước theo số điện thoại 35078210 để sắp lịch hẹn). |
_________________________
(*)Giám đốc Nemo Consulting
(Theo Lê Chí Công (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com