Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siêu thị và thị trường tự do: Cuộc đấu ngầm khốc liệt

Trước làn sóng khuyến mãi hàng tiêu dùng của các siêu thị, trên thị trường tự do cũng đang diễn ra cuộc đua giá thấp bằng cách chiết khấu trực tiếp cho người tiêu dùng.

Không ít sản phẩm được bán với giá chiết khấu thấp hơn mức khuyến mại ở siêu thị. Cuộc đấu ngầm này diễn ra giữa lúc mà sức mua đang được cho là quá yếu.

Mua hàng khuyến mại ở siêu thị nhưng khách hàng vẫn soi giá rất kỹ.  Ảnh: MH
 
Chiết khấu cao, so giá tại chỗ

Tại các siêu thị đang có rất nhiều chương trình khuyến mại như: “Bán lẻ rẻ như bán buôn”; “Wah! Chất lượng giá rẻ”; “Giá rẻ cho mọi nhà”; “Thứ 6 cuồng nhiệt”… Với những chương trình khuyến mại này, các siêu thị đã hút được lượng lớn khách hàng. Không muốn kém cạnh, trên thị trường tự do cũng đang mở cuộc đua giá thấp bằng cách chiết khấu trực tiếp cho khách hàng.
 
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ đại lý tạp hóa Lê Hằng (phố Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Với các mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, xà phòng giặt, xà phòng tắm, hạt nêm, mì chính, đường kính, sữa tươi, sữa công thức, nước mắm, bánh, kẹo, đồ uống… bán ở các siêu thị chỉ khi có chương trình khuyến mại khách hàng mới được mua với giá thấp (thấp hơn mức giá in trên vỏ bao bì). Còn với cửa hàng của tôi, khách hàng luôn được mua với mức giá thấp hơn giá bao bì. Thậm chí, nhiều sản phẩm được bán với giá khuyến mại tại siêu thị vẫn cao hơn mức giá tôi bán chiết khấu cho khách hàng. Trong khi đó, mức chiết khấu này được tôi thực hiện cho khách hàng trong suốt cả năm”.

Chị Hằng đưa ra một số sản phẩm so sánh giá khuyến mại ở siêu thị và giá hàng chị chiết khấu cho khách: “Bỉm Pamper cỡ XL 28 miếng giá bao bì là 117.000 đồng/bịch nhưng tôi chiết khấu cho khách 9.000 đồng, giá bán là 108.000 đồng/bịch, trong khi ở siêu thị giá bán đã khuyến mại là 112.000 đồng/bịch; Nước tẩy đa năng Cif loại 250ml, giá bán đã khuyến mại ở siêu thị là 21.000 đồng/chai trong khi tôi bán 18.000 đồng/chai; nước rửa bát Sunlight 4kg ở siêu thị vừa khuyến mại, vừa tặng giá bán còn 81.300 đồng/can trong khi tôi chỉ bán là 80.000 đồng/can...”.
 
Nguồn hàng được cam kết

Khi chúng tôi băn khoăn về nguồn hàng, các chủ đại lý, cửa hàng đều khẳng định nguồn hàng của họ đều là hàng chính hãng. Bà Trần Thị Thủy, chủ đại lý bánh kẹo đồ uống khu Học viện Hành chính đường K3, thị trấn Cầu Diễn, Hà Nội khẳng định: “Đại lý của tôi chủ yếu bán cho khách quen và cả gia đình tôi sống nhờ đại lý này nên làm ăn trước hết phải uy tín, chất lượng. Tôi đặt hàng từ các công ty, nhà máy chính hãng. Hiện nay, người tiêu dùng rất thông thái, không ai có thể qua mặt hay lừa gạt được họ. Một lần thất tín vạn lần bất tin, bán sản phẩm không an toàn là mình tự hại mình. Còn chúng tôi chiết khấu được là do giảm lãi để bán giá thấp cho khách chứ không phải là do hàng không đảm bảo chất lượng”.   
 
Chị Trần Thị Lan, chủ cửa hàng ở phố Phan Chu Trinh, Hà Nội cũng cho biết, không một sản phẩm nào chị bán nguyên giá bao bì cho khách mà cứ khách mua 100.000 đồng thì chị thường chiết khấu từ 5.000 - 11.000 đồng tùy sản phẩm. Và tất nhiên khi khách mua hàng, các chủ cửa hàng, đại lý đều dành ra ít phút để so sánh giá, giúp khách hàng tự so sánh giá sản phẩm giữa cửa hàng của họ với các siêu thị. Khi đó, tự khách hàng sẽ nhận ra rằng mua ở đâu thì họ vẫn có được sản phẩm như ý nhưng có giá tốt nhất.
 
Bằng chứng của sức mua kém

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng vừa qua liên tục sụt giảm đã cho thấy sức mua của người dân hiện quá kém, khiến nhiều mặt hàng không bán được nên buộc phải giảm giá, khuyến mãi. Việc giá xăng liên tục giảm trong thời gian vừa qua cũng góp phần tích cực kích thích vào việc hạ giá hàng hóa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này có thể nói nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thì cho  rằng: “Việc giảm giá hay chiết khấu trực tiếp cho khách hàng trên thị trường tự do chứng tỏ rằng những người kinh doanh, buôn bán lẻ hiện nay rất khôn ngoan. Họ ứng phó tình huống rất linh hoạt, nhà nghề. Ở thời điểm này, ai tạo được uy tín với khách hàng thì người đó thắng. Sức mua kém nên việc chia khó với khách hàng là điều hết sức cần thiết và sống còn của các doanh nghiệp”.

Muốn mua sắm vì nhu cầu sử dụng nhiều nhưng mặt bằng giá cao quá là một lý do khiến người tiêu dùng vẫn ngại mở hầu bao. Nhiều người dân khi được hỏi cho rằng, giá cả phải chăng sẽ kích thích họ tiêu dùng nhiều hơn. Song vì nhiều lý do khác nhau, mặc dù hàng tồn đọng nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chịu chia sẻ với người mua, mà chủ yếu chọn cách đi đường vòng bán hàng. Kèm theo đó là thái độ mập mờ, thiếu minh bạch, chộp giật vẫn diễn ra khiến người tiêu dùng dè chừng, mất niềm tin.
 
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước, sau 38 tháng tăng liên tục. Mức giảm của CPI cả nước tháng này so với tháng trước không nhiều bất ngờ sau khi Hà Nội và TPHCM, chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% rổ CPI của cả nước, đã công bố CPI giảm đáng kể. Ngoài ra, ở những tháng trước đó bất chấp việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu như gas, xăng dầu... CPI của cả nước cũng chỉ tăng nhẹ.
 
(Theo giadinh)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com