Những khu vực xa xôi của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Dù là sản phẩm dầu gội đầu Sunsilk của Unilever hay nước làm mềm vải Downy của Procter & Gamble, cửa hàng của chị Thao chỉ bán những gói nhỏ giá khoảng 500 đồng Việt Nam/gói.
Chị lãi 50 đồng/gói, dù thấp nhưng công việc kinh doanh tại cửa hàng nhỏ của chị có thể nói khá tốt. Cửa hàng nằm trong một bản làng xa xôi thuộc tỉnh Sơn La khu vực Tây Bắc Việt Nam.
Chị cho biết: “Phần lớn người tiêu dùng ở đây đều là nông dân nghèo vì vậy mỗi lần họ chỉ mua 1 gói.”
Tuy nhiên, các công ty, tập đoàn đa quốc gia kinh doanh trong nhiều ngành nghề, từ hàng tiêu dùng cho đến bảo hiểm, từ Unilever, Procter & Gamble cho đến Manulife đang đặt mục tiêu thâu tóm thị trường đang phát triển nhanh này.
Dù số người sống ở nông thôn chiếm khoảng 70% trong tổng số dân 87 triệu người, họ chỉ đóng góp khoảng 30% doanh thu của thị trường bán lẻ (theo số liệu của Nielsen). Người ở nông thôn không có nhiều tiền để chi tiêu và các công ty rất khó để tiếp cận họ.
Thế nhưng theo trưởng bộ phận quan hệ doanh nghiệp của Unilever Việt Nam, thu nhập khả dụng của người Việt Nam đang tăng lên và cơ sở hạ tầng tốt lên mỗi ngày.
Ông cho biết thêm doanh thu bán hàng của Unilever trong thập kỷ qua tăng với tốc độ khoảng 18,5%/năm và đến năm 2010 lên mức 700 triệu USD. Thị trường nông thôn đóng góp khoảng một nửa vào doanh thu của công ty.
Vào tháng 4/2011, công ty Kohlberg Kravis Roberts của Mỹ đã đồng ý trả 159 triệu USD để mua lại 10% cổ phần của Masan một phần bởi lý do doanh số bán hàng tại thị trường nông thôn Việt Nam của công ty này tăng cao.
Tuy nhiên việc tiếp cận khách hàng tại các vùng nông thôn Việt Nam không hề dễ dàng. Chỉ 3 thành phố có trên 1 triệu dân, lĩnh vực nông thôn tại các miền quê chủ yếu bị “thống trị” bởi các cửa hàng kinh doanh hộ gia đình.
Một quản lý cao cấp tại Unilever khẳng định nếu muốn tiếp cận khách hàng Việt Nam, nước có tỷ lệ sở hữu tivi cao nhất châu Á, cần phải quan tâm đến quảng cáo trên truyền hình
Giá cả cũng hết sức quan trọng. Trong khi Unilever và Procter & Gamble bán sản phẩm trong các gói nhỏ, giá thấp thì công ty Phạm Nguyên mang đến người tiêu dùng sản phẩm bánh kẹo giá rẻ.
Việc bán sản phẩm rượu, dầu gội đầu và bánh kẹo đã khó khăn nhưng tại một đất nước mà chỉ chưa đầy 1/5 người dân có tài khoản ngân hàng và lợi nhuận của ngành bảo hiểm không đầy 1% GDP, việc bán dịch vụ tài chính còn khó khăn hơn nhiều.
Manulife, hiện đang quản lý lượng tài sản khoảng 307 triệu USD sau khi hoạt động tại Việt Nam khoảng 12 năm, đã kiếm được hơn nửa doanh thu từ thị trường ngoài các thành phố lớn.
CEO của Manulife cho biết công ty đang cố gắng phát triển thị trường nông thôn bằng cách tung ra sản phẩm bảo hiểm vi mô, dù không mang lại nhiều lợi nhuận ở hiện tại, nhưng đặt nền móng tăng trưởng tốt cho tương lai.
Đình Hảo
Theo FT
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com