Ngày 15/1, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã tổ chức Diễn đàn "Toàn cảnh phân phối - bán lẻ Việt Nam năm 2011". Theo đánh giá chung, năm 2010 vừa qua, kinh tế thế giới và trong nước vẫn chịu nhiều hậu quả và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng thị trường Việt Nam vẫn sôi động, có tốc độ tăng trưởng gần 25%.
Sôi động năm 2010
Tại Diễn đàn, TS Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký AVR khẳng định: Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn đầu tư. Theo đó, Việt Nam từ chỗ giữ vị trí số 1 năm 2008 đã xuống vị trí số 6 năm 2009 và số 14 năm 2010.
Qua nghiên cứu tình hình bán lẻ năm 2010, AVR nhận thấy, năm qua, các ‘đại gia’ nước ngoài chưa đổ bộ rầm rộ vào Việt Nam bởi họ còn có nhiều quan ngại. Họ cho rằng thị trường Việt Nam vẫn ở dạng tiềm năng với đa số dân vẫn ở mức nhóm thu nhập thấp… và quy mô thị trường – mặc dù có tăng trưởng ngoạn mục song vẫn ở mức khá khiêm tốn so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, mức độ tập trung trong ngành phân phối bản lẻ của Việt Nam còn chưa cao, cơ sở hạ tầng để phát triển ngành bán lẻ còn cổ lỗ, yếu kém…
Trong năm 2010, chúng ta vẫn còn mắc những căn bệnh trầm kha cần phải khắc phục, đó là thiếu chiến lược phát triển cho thị trường bán lẻ ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và doanh nghiệp; Tính chuyên nghiệp của lực lượng các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực thích hợp chưa cao.
Mặc dù vậy, trong năm 2010, cộng đồng doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã có những nỗ lực lớn và những thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, sau 4 năm gia nhập WTO, thị trường đã khởi sắc và ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trong kinh tế đất nước, nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và bán lẻ là lĩnh vực thu hút đầu tư nhất trên thị trường nội địa với việc bước đầu hình thành thị trường bán lẻ thời hội nhập với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình bán lẻ hiện đại… Các doanh nghiệp phân phối – bán lẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua suy thoái, làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất – tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Tăng trưởng mạnh năm 2011
Nói về xu hướng phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2011, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, năm 2011 chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức lớn như chuyển dịch ngành phân phối - bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng.
Theo bà Loan, năm nay, thị trường bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được người tiêu dùng ưa thích nhiều hơn và là kênh tiêu dùng ngày càng quan trọng. Trong năm 2011, chúng ta sẽ có một số thay đổi đáng kể. Cụ thể, siêu thị lớn phát triển tới mức cao nhất trong năm 2011- 2012 và chậm dần tại các đô thị lớn. Các hình thức siêu thị nhỏ hơn ngày càng phổ biến và kết hợp. Hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa chuyên các sản phẩm trung – cao cấp với những phát triển mới sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng.
Kênh bán lẻ truyền thống cũng tiếp tục được thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh với các quy hoạch mạng lưới chợ; quy hoạch bán buôn, bán lẻ… Tuy nhiên, hình thức mua sắm tại chợ hoặc các cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến năm 2015 do vẫn có một vị thế và sức hút rất riêng so với những mô hình bán lẻ khác.
Năm 2011, thị trường bán lẻ khu vực nông thôn Việt Nam sẽ khởi sắc do thị trường nông thôn rộng lớn, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn ngày càng tăng cao. Đặc biệt là do tác động của cuộc vận động “Ưu tiên dùng hàng Việt” đã ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin tiêu dùng của người nông thôn.
Ngoài ra, việc kết hợp bán lẻ truyền thống và hiện đại tại cùng một điểm bằng cách cải tạo các chợ truyền thống tại các khu đô thị lớn như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ… tại Hà Nội cũng sẽ phát triển mạnh trong năm 2011.
Năm 2011 cũng là năm ghi nhận sự hình thành và cạnh tranh mạnh mẽ của các nhãn hiệu bán lẻ như CoopMart, BigC, HaproMart, Fivimart… Đặc biệt, kênh bán lẻ qua mạng trực tuyến sẽ khởi sắc trong năm 2011.
Để có thể đón bắt các xu hướng trên, các nhà bán lẻ cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hôm nay sẽ còn không phù hợp trong tương lai. Các nhà bán lẻ cũng cần nhận thức rõ tác động mạnh của công nghệ thông tin, thương mại điện tử… và quan hệ gắn kết giữa bán lẻ - truyền thông đại chúng – viễn thông; Những vấn đề muôn thủa như nghiên cứu và chăm sóc khách hàng…, và những vấn đề mới nhưng hết sức hiệu quả như chính sách hải quan, khu vực miễn thuế, kho ngoại quan… Đặc biệt, các nhà bán lẻ cần khắc phục các căn bệnh cố hữu của thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com