Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường ĐTDĐ 2010: Sôi động nhờ giá rẻ

Thị trường điện thoại di động năm 2010 sôi động nhờ các dòng sản phẩm đa tính năng giá rẻ, dù tăng trưởng chậm.

Mặc dù thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) năm 2010 tăng trưởng không như kỳ vọng, nhưng nhờ sự xuất hiện của nhiều mẫu điện thoại cao cấp hay kết nối wifi giá rẻ đã giúp cho thị trường sôi động hơn.

Bức tranh tổng thể

Ban đầu, giới kinh doanh và giới nghiên cứu dự đoán thị trường ĐTDĐ năm 2010 sẽ tăng trưởng 40%, nhưng trong thực tế thì thị trường chỉ tăng khoảng 30%. Tuy mức tăng này vẫn cao hơn mức tăng 25% năm 2009 nhưng kém xa so với những năm trước khi thị trường từng tăng 70-100%.

Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường, số lượng ĐTDĐ bán trên cả nước trong tháng 11-2010 đạt hơn 1,03 triệu máy, tăng khoảng 28% so với 804.825 máy của tháng 11-2009. Tính đến tháng 11-2010, số lượng ĐTDĐ bán trên cả nước đạt khoảng 11,3 triệu chiếc. Nhờ mức giá trung bình của các dòng ĐTDĐ tăng nên doanh thu của năm 2010 tăng đến 40% so với năm 2009.

Trong đó, thị trường lớn nhất của cả nước là TPHCM đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, với số lượng máy bán ra trong tháng 11-2010 là 268.190 máy, tăng khoảng 18% so với 227.284 máy của năm 2009. Thị trường này đang có xu hướng bão hòa trong những năm qua. Năm ngoái, doanh số bán tại thị trường TPHCM gần như không tăng so với năm 2009.

Tuy không tăng trưởng nhanh nhưng TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước với thị phần dao động từ 26-29% về số lượng bán ra. Trong khi đó, Hà Nội tiếp tục là thị trường lớn thứ hai với thị phần chiếm khoảng 16-18% số lượng bán ra.

Khi thị trường tăng trưởng chậm, nhiều người nghĩ đến vai trò của hệ thống bán lẻ tăng lên, nhưng trong thực tế thì ngược lại. Cách đây hai năm, các chuỗi bán lẻ chiếm đến 36% thị phần tính theo số lượng, thì đến tháng 11-2010, các chuỗi bán lẻ chỉ chiếm 30% thị phần tính theo số lượng. Không những thế, thị phần tính theo giá trị doanh thu của các hệ thống bán lẻ đã giảm từ 35%, vào tháng 11-2009, xuống còn 31% vào tháng 11-2010. Như vậy, trong suốt một năm qua, thị phần tính theo số lượng của các hệ thống bán lẻ không tăng, dù nhiều hệ thống bán lẻ ĐTDĐ lớn vẫn khai trương nhiều điểm mới hay thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng. Ngược lại với hệ thống bán lẻ, các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường.

Sôi động nhờ đa tính năng

Tương tự những năm trước, năm 2010, phân khúc ĐTDĐ có giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng vẫn chiếm ưu thế với thị phần dao động từ 25-30%. Nếu tính chung các dòng ĐTDĐ có giá từ 1 triệu đồng trở xuống thì tổng thị phần xấp xỉ 45%. Nếu tính phân khúc có giá dưới 2 triệu đồng thì tổng thị phần xấp xỉ 70%, nhưng tính theo giá trị thì phân khúc giá dưới 2 triệu đồng chỉ chiếm 34%.

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, phân khúc có mức giá từ 6 triệu đồng trở lên đã có thị phần tính theo số lượng bán tăng từ 4% lên 6%, thị phần tính theo giá trị tăng từ 22% lên 27%. Hay phân khúc có giá trên 10 triệu đồng cũng tăng thị phần tính theo số lượng từ 1% lên 2%, thị phần tính theo giá trị tăng từ 9% lên 13%.

Nếu phân theo tính năng, thị phần ĐTDĐ có tính năng nghe nhạc MP3 đã tăng liên tục trong hai năm qua, nhất là trong năm 2010. Nếu thị phần của ĐTDĐ có tính năng nghe nhạc MP3 chỉ chiếm 50%, tính theo số lượng, vào tháng 11-2008 thì con số này vào tháng 11-2009 là 62% và đến tháng 11-2010 đã đạt 79%. Mức độ phổ biến của ĐTDĐ có tính năng nghe nhạc đã gần đuổi kịp ĐTDĐ màn hình màu với 85% thị phần vào tháng 11-2010. Các dòng ĐTDĐ có kết nối bluetooth cũng đã gia tăng thị phần, tính theo số lượng, từ 55% lên 60%. ĐTDĐ có tính năng chụp hình cũng tăng từ 60% lên 67%, ĐTDĐ có hai camera có thị phần 9% trong tổng số máy bán ra.

Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo giới kinh doanh ĐTDĐ, các mẫu điện thoại có kết nối wifi cũng đang có số lượng bán và thị phần tăng nhanh. Đó là nhờ những mẫu điện thoại này ngày càng có mức giá phải chăng hơn. Các thương hiệu mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây như Wellcom, F-mobile, K-Touch cũng đã cho ra mắt các dòng sản phẩm có kết nối wifi. Tuy nhiên, nổi trội nhất trong năm qua chính là sự xuất hiện của Nokia C3, có bàn phím QWERTY, kết nối wifi với giá dưới 2,8 triệu đồng. Trong khi đó, để cạnh tranh, các hãng khác như Samsung, LG cũng đã đưa ra các dòng điện thoại có kết nối wifi với giá bán dưới 3 triệu đồng.

2010 qua cũng là một năm sôi động ở phân khúc điện thoại di động có giá trên 6 triệu đồng khi hàng loạt sản phẩm trong phân khúc này đã xuất hiện. Chính nhờ sự cạnh tranh mạnh mẽ ở hai phân khúc này, thị trường ĐTDĐ đã sôi động hơn trong khi tổng thị trường đang tăng trưởng chậm.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Sức mạnh “bất khả chiến bại” về giá của iPad 2
  • Chúng ta đã giàu lên như thế nào : Bí mật của thương hiệu Đức
  • “Twitter không muốn dựa hơi ai”
  • “Bé” Android bất ngờ hạ gục đại thụ RIM ở Mỹ
  • Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang “hụt hơi”?
  • Chúng ta đã giàu lên như thế nào: Các bà sơ ở Florence chạy máy in
  • Thuật toán mới của Google hại doanh nghiệp SEO
  • Thị trường viễn thông: Khốc liệt cuộc chiến giá cước nội mạng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com