Mercedes - Benz được xem là một liên doanh thường xuyên lắp ráp những sản phẩm mới tại VN |
Phải thừa nhận một điều rằng, vài năm trở lại đây, thị trường ôtô Việt Nam bắt đầu có sự tiếp cận tương đối giống với thị trường ôtô của những nước phát triển. Nhưng thực tế đang tồn tại những nghịch lý chẳng giống ai...
Bắt buộc phải theo
Theo ở đây được hiểu là chạy đua về việc ra mắt các mẫu xe mới. Nghĩa là ở các thị trường lớn, tiên tiến có mẫu xe gì thì rất nhanh sau đó, các mẫu xe đó được giới thiệu hoặc lắp ráp tại Việt Nam. Không theo không được - một chuyên gia chuyên nghiên cứu về thị trường ôtô và tâm lý của người tiêu dùng khẳng định - Nếu các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp (liên doanh) không chú trọng về điều này trong thời gian qua thì bây giờ thị phần của họ vẫn không thể duy trì ở mức độ hiện nay so với xe nhập khẩu.
Xét ở nhiều khía cạnh cho thấy, nguồn gốc của việc các liên doanh tăng mạnh việc ra mắt các sản phẩm mới, giúp cho khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn có xuất phát điểm từ chính các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc. Hay nói cách khác, nếu không có lực lượng là các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc (mà đa phần là những mẫu xe mới ra lò của các thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Châu âu, Châu Mỹ...) thì còn lâu hoặc chưa chắc các liên doanh sẽ mặn mà với việc giới thiệu hoặc lắp ráp các mẫu xe mới như hiện nay. Cái lợi mà người tiêu dùng Việt Nam được hưởng chính là nhờ sức ép cạnh tranh từ các dòng xe nhập khẩu, do các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc mang lại.
Một khía cạnh nữa cũng không kém phần quan trọng, mang một đặc trưng riêng của thị trường Việt Nam là “không mấy tiếc tiền” để tậu những mẫu xe mới, xe độc. Vì vậy, trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng phát như hiện nay, hễ ở đâu có sự xuất hiện của các mẫu xe mới, xe độc là khách hàng Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng. Và khâu tiếp theo là đặt hàng. Vì vậy, việc cố gắng duy trì hoặc nhanh chóng giới thiệu hay lắp ráp các mẫu xe mới hoặc xe độc là điều bắt buộc đối với các liên doanh trong bối cảnh hiện nay. Bản thân nhiều liên doanh hiện nay không chỉ chú trọng việc lắp ráp mà còn đẩy mạnh việc nhập khẩu. Nhập mẫu nào, lắp ráp mẫu nào? Làm cách nào để duy trì được sự phát triển của cả hai mảng này? Làm cách nào để cạnh tranh được với xe nhập khẩu?... Đến thời điểm này, liên doanh được xem là thành công nhất trong những vấn đề nêu trên có lẽ là Mercedes – Benz Việt Nam, tiếp theo mới đến Toyota và Ford Việt Nam. Các liên doanh khác hầu như chưa làm được gì nhiều.
Cách làm của những liên doanh thành công nêu trên cũng không nằm ngoài việc chú trọng hơn đến việc giới thiệu, tuyên truyền từ rất sớm những mẫu xe mới, có khi còn trước cả 1-2 năm so với ngày giới thiệu chính thức. Và chính vì được giới thiệu trước, tuyên truyền tốt nên khi những mẫu xe này xuất hiện thì đều trong tình trạng bán rất chạy, lượng khách hàng tăng nhanh chóng. Nói chung là được lợi nhiều đường, “vừa được tiếng, vừa được miếng”. Nói như một khách hàng là thị trường ôtô Việt Nam không quá khó tính hoặc không thể khó tính, và vì vậy, cơ hội với các liên doanh luôn lớn, vấn đề là họ có chú tâm vào thị trường này hay không và có thực sự quan tâm đến khách hàng hay không. Mercedes hay Ford Việt Nam đã làm rất tốt về những vấn đề này và đã gặt hái nhiều thành công trên một số mẫu xe trong thời gian qua.
Vẫn chờ đợi về giá
Trong năm nay và đầu năm sau, hàng loạt mẫu xe mới được lắp ráp tại Việt Nam ra đời. Trước mắt là Altis mới của Toyota Việt Nam, Fiesta của Ford Việt Nam, Avante của Hyundai Thành Công... và hàng loạt những mẫu xe mới được nhập khẩu. Tuy nhiên, giá của những mẫu xe này, nếu so sánh với các thị trường trong khu vực thì vẫn cao hơn khoảng hai lần.
Có lẽ không chỉ khách hàng mới quan tâm nhiều đến giá mà ngay chính các doanh nghiệp cũng luôn đau đầu về vấn đề này (chỉ ở góc độ nói chung). Việc nhiều liên doanh vừa nhập khẩu, vừa lắp ráp là một bước đi khôn ngoan nhằm hướng khách hàng vào những yếu tố quan trọng là những mẫu xe mới, có giá thấp hơn so với xe nhập khẩu (khi lắp ráp trong nước) và xa hơn là những vấn đề liên quan đến hệ thống bảo hành, bảo trì, hệ thống dịch vụ.
Việc các liên doanh tung ra nhiều sản phẩm mới, được lắp ráp tại Việt Nam chỉ là một yếu tố nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh. Còn về giá ? Rất khó và sẽ không ai dám khẳng định vào thời điểm nào giá xe trong nước sẽ ngang với khu vực. Các liên doanh thì vẫn liên tục khẳng định rằng giá xe tại Việt Nam cao là do thuế (chiếm khoảng ½ trị giá mỗi chiếc xe bán ra).
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com