Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sức hấp dẫn của 'con đường thời trang Nguyễn Trãi'

Mặc dù các trung tâm mua sắm cao cấp tại trung tâm TP HCM đã chính thức đi vào hoạt động, cung ứng cho thị trường thêm nhiều lựa chọn về mặt bằng bán lẻ, nhưng nhu cầu thuê mặt bằng ở đường Nguyễn Trãi, Q1 để kinh doanh thời trang vẫn không ngừng tăng cao.

Phố thời trang

Nói về sự đắc địa, đường Nguyễn Trãi không chỉ cận kề với ngã sáu Phù Đổng vô cùng sầm uất mà còn tiếp giáp với các trục đường khác như Cách Mạng Tháng Tám, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng… tạo thành một khu liên hoàn, rất thuận lợi về giao thông. Kế tiếp, nằm ngay trung tâm Q.1, chỉ một khúc ngắn của đường này - đoạn từ Q.1 đến tiếp giáp với Q.5 - đã cận kề rất nhiều khách sạn, trong đó có vài khách sạn quốc tế, phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong và ngoài nước.

Một đại diện phụ trách marketing thuộc công ty Mai Son (công ty phân phối các nhãn thời trang quốc tế tại Việt Nam như Mango, Charles & Keith, La Senza, Accessorize, Versace, Versus, Bebe, Just Cavalli, Pedro, Maison Golf, Jimmy Choo… và hiện có 4 cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi) cho biết, trong khi giới trẻ có xu hướng mua sắm kết hợp với nhu cầu vui chơi giải trí tại các trung tâm thương mại cao cấp thì nhóm người tiêu dùng có độ tuổi 35 - 59 vẫn duy trì thói quen mua sắm truyền thống, chọn lựa hàng hóa tại các cửa hàng có diện tích lớn, nằm ở các khu vực trung tâm và thuận lợi về giao thông. Đây chính là lý do vì sao doanh số của các cửa hàng thời trang nằm trong chuỗi phân phối của Mai Son trên đường Nguyễn Trãi cao hơn so với các cửa hàng nằm trong khu thương mại cao cấp như Vincom hay Saigon Center.

Ngoài những nhân tố nội sinh tạo nên sức hấp dẫn của “con đường thời trang Nguyễn Trãi” thì những yếu tố khác thuộc về môi trường kinh doanh tổng thể của TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước - cũng là yếu tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn của thị trường mặt bằng bán lẻ tại đây. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của công ty Savills Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa cao được coi là một động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ. Theo thống kê, trong năm 2009, khoảng 83,2% dân số TP HCM sống tại khu vực nội đô, trong khi chỉ có khoảng 16,8% sống tại khu vực ngoại ô. Nếu như trong 5 tháng đầu năm nay GDP của TP HCM chỉ tăng xấp xỉ 11%, thì trong cùng thời gian này tỷ lệ tăng trưởng bán lẻ tại đây lại tăng tới gần 34,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Q.1, mật độ dân số trên một mét vuông diện tích bán lẻ là 1,46 người/m2, khiến mặt bằng kinh doanh ở những con đường mua sắm như Nguyễn Trãi trở nên đắt đỏ và khó kiếm. Anh H., một giám đốc phân phối nhiều nhãn hiệu thời trang quốc tế tại TP HCM cho biết, công ty anh có một đội ngũ chuyên đảm nhận công việc săn lùng vị trí đẹp trên các phố kinh doanh hàng thời trang có tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng... để thuê mặt bằng, nhưng hơn một tháng nay vẫn chưa tìm được chỗ vừa ý.

Trường kỳ tốn kém

Một nhà thiết kế có tên tuổi trong làng thời trang cũng đưa ra nhận định: “Đường Nguyễn Trãi quá tốt để đầu tư xây dựng thương hiệu, bởi từ lâu khu này đã nổi tiếng là con đường mua sắm với sự hào nhoáng và xa hoa”. Nhiều nhãn hiệu thời trang nội địa như B-Blue, Nino Maxx, Valenciani… đã không đặt vấn đề lợi nhuận khi thiết lập cửa hàng tại con đường này. Đại diện của một nhãn hiệu thời trang đã tạo lập được tên tuổi trên con đường này phân tích: “Mở cửa hàng thời trang ở trục đường này, đoạn gần với trung tâm thương mại Zen Plaza, chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn đối tượng khách hàng có nhu cầu mua sắm. Tuy vậy, về lâu dài thì phải xem xét lại. Lý do thứ nhất là chi phí thuê mặt bằng ở đường này quá đắt đỏ, tối thiểu là 50 USD/m2; giá bình quân các mặt tiền đẹp từ 100 USD/m2. Thứ hai, tính cạnh tranh giữa các nhãn thời trang cùng tọa lạc trên một trục đường rất cao, nếu không mạnh về vốn thì dễ chết yểu”.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều thương hiệu thời trang nhỏ lẻ sau một thời gian cố bám trụ đã phải rút khỏi con đường này, nhường mặt bằng cho những thương hiệu thời trang quốc tế có bề dày lịch sử và tiềm lực về kinh tế. Bà T., chủ một nhãn hàng thời trang trong nước, lý giải việc bà đóng cửa hàng kinh doanh giày dép tại con đường này vào năm ngoái là do lượng khách đến mua sắm khá tốt, nhưng chi phí quá cao nên không thể đạt mức lợi nhuận như mong muốn. Bà này cho rằng, so với cửa hàng thời trang cùng nhãn hiệu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai thì không đáng để đầu tư ở đường Nguyễn Trãi.

Theo ông Trương An Dương, Trưởng bộ phận nghiên cứu TP HCM của công ty Savills Việt Nam, xu hướng chung là các nhãn hiệu quốc tế thường chọn các con phố mua bán chính như Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Trãi để đặt các cửa hàng chính (flagship store) khi mới đặt chân vào thị trường để gây sự chú ý vì mật độ lưu thông của các con đường này cao hơn hẳn các trung tâm thương mại. Sau đó, khi đã có chỗ đứng, các thương hiệu sẽ thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại để khẳng định vị thế và dựa vào dữ liệu mà họ đã thu thập được trước đó để quảng bá cửa hàng mới đến các khách hàng sẵn có.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhãn hiệu thời trang trong nước lẫn quốc tế đều tìm địa điểm tốt trên trục đường Nguyễn Trãi, Q1 để mở cửa hàng bán lẻ.

Nguyễn Trãi là một con đường nhỏ, nhưng hai chiều, từ lâu đã có bề dày về kinh doanh các nhãn hàng hiệu nổi tiếng. Trước đây, khi TPHCM chưa có các trung tâm mua sắm như Diamond, Parkson…, thì nơi đây đã nổi tiếng với “hàng hiệu xách tay”. Cho dù giờ đây đã có nhiều trung tâm bán lẻ xuất hiện, nhu cầu và thói quen mua sắm của số đông bạn trẻ dường như chưa thay đổi hẳn. Họ vẫn có nhu cầu chen chúc nhau đi dọc các cửa hàng mặt phố, tận hưởng không khí náo nhiệt trên một trục đường nhỏ với nhiều cửa hàng, hơn là vào các trung tâm thương mại hào nhoáng. Ngoài ra, giá cả của sản phẩm bán trong các cửa hàng mặt phố trên đường Nguyễn Trãi ít nhiều thấp hơn các sản phẩm cùng thương hiệu trong các trung tâm thương mại. Lý giải cho điều này, một chủ cửa hàng cho biết: “Những hàng hóa này là hàng xách tay nên chỉ có vài cái. Do quá ít nên không phải đóng thuế và không chịu các chi phí quản lý, quảng cáo, nhân viên… như qua các công ty phân phối”.

Các chủ nhà trên trục đường này dường như thấy rất rõ nhu cầu từ phía khách mua hàng và khách thuê nên giá cả mặt bằng kinh doanh nơi đây không ngừng tăng lên. Các nhà bán lẻ cũng đành chấp nhận mức giá cao chót vót nhằm có mặt bằng đẹp, đồng thời vẫn phải chấp nhận rủi ro có thể bị lấy lại mặt bằng trước thời hạn hay dịch vụ bảo trì kém chuyên nghiệp. Nhưng dù có nhiều rủi ro như vậy, con phố này vẫn tiếp tục là đích ngắm của nhiều nhà bán lẻ thời trang!

(Theo Nguyên Kha // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Báo cáo đánh giá về cạnh tranh còn “hiền” quá?
  • Đường Lê Quý Đôn, Q3, TP HCM: Thiên đường kinh doanh nhà hàng?
  • Đâu là lợi thế của hàng Việt?
  • Amazon lãi ròng quý 3 vượt dự báo
  • Những 'lần đầu tiên' của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
  • eBay: lợi nhuận quý III tăng vượt dự báo
  • Các hãng hàng không Mỹ với báo cáo lợi nhuận quý ấn tượng
  • Thị trường phần mềm diệt virus: Cạnh tranh gia tăng, khách hàng hưởng lợi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com