Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của ngành viễn thông Việt Nam năm 2009 ước đạt trên 150.000 tỷ đồng, tăng hơn 62% so với năm 2008. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam dù phát triển nhanh, có lúc ở giai đoạn “nóng” nhưng chưa bền vững.
Nguyên nhân các doanh nghiệp sử dụng tài nguyên viễn thông chưa hiệu quả; khuyến mại tràn lan gây cạnh tranh về giá; việc dùng chung hạ tầng chưa tốt; khó khăn trong phát triển hạ tầng cơ sở…
“Ảo” cả di động và cố định
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam năm 2009 là 107,5 triệu, đạt mật độ 126,4 máy/100 dân, trong đó di động chiếm 85,7%.
Năm 2009, khá nhiều chuyên gia viễn thông dự đoán phát triển thuê bao di động sẽ bắt đầu chững lại, thay vào đó là việc ra đời hàng loạt dịch vụ giá trị gia tăng, nhưng thực tế các mạng vẫn đua nhau phát triển thuê bao với nhiều chiêu khuyến mại gây "sốc".
Đến thời điểm này, các mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone đều có cỡ vài chục triệu thuê bao; doanh nghiệp mới là Vietnamobile và Beeline cũng đã vượt ngưỡng 1 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, số liệu thuê bao thực sự đang phát sinh cước của các mạng vẫn nằm “trong vòng bí mật”.
Nếu như tổng số điện thoại di động của Việt Nam là hơn 92 triệu thì các mạng cho rằng chỉ có 50% thuê bao là có nhu cầu sử dụng thực, còn lại là “ảo”, tức là tranh thủ các chương trình khuyến mại để mua sim, dùng hết tiền rồi bỏ. Tình trạng một người sở hữu nhiều sim và mua sim dễ như “mớ rau, con cá” đang là thách thức lớn của ngành.
Trước đây, trong giới viễn thông chỉ hay nhắc tới thuê bao di động “ảo” thì nay còn “ảo” trong cả dịch vụ cố định do sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) bức xúc nói hậu quả của thuê bao “ảo” đã gây nên sự lãng phí lớn về đầu tư, lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Ví dụ: SPT đưa một gói cước dùng dịch vụ cố định có giá trị khuyến mại là 1 triệu đồng với thời gian sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm.
Theo SPT, để ra một gói cước này, doanh nghiệp phải đầu tư tới 500 USD/thuê bao, trong khi đó hàng tháng doanh nghiệp chỉ thu được trung bình từ 80.000 tới 90.000 đồng/thuê bao.
“Với số tiền ít ỏi này, doanh nghiệp còn phải trả phí kết nối, như vậy phải mất bao nhiêu năm mới lấy lại số tiền đầu tư?”, đại diện này đặt vấn đề.
Cán bộ của SPT còn nêu có doanh nghiệp còn có hình thức khuyến mại hấp dẫn hơn, khách hàng sẽ bỏ dịch vụ của SPT để chuyển sang dùng dịch vụ của doanh nghiệp khác.
Bài toán cho thuê bao ảo vì thế vẫn chưa tìm được lời giải.
Nan giải về hạ tầng
Mới đây, các doanh nghiệp viễn thông lại tiếp tục “tố” ngành điện lực về việc tăng giá thuê cột điện để treo cáp thông tin. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phải “kêu cứu” cơ quan chức năng can thiệp yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng cắt cáp viễn thông.
Theo VNPT, EVN tăng giá cho thuê treo cáp thông tin trên cột điện từ 3,98 đến 8,08 lần so với trước khiến cho chi phí của doanh nghiệp này tăng rất cao.
Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu EVN và VNPT ngồi lại đàm phán với nhau về giá cho thuê cột treo cáp.
Cũng liên quan tới vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần FPT cho biết, trong năm 2009, FPT đã triển khai dịch vụ cố định tại 17 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên FPT cũng gặp khó khăn về phát triển hạ tầng do EVN tăng giá thuê cột; có những khu vực ngành điện không cho doanh nghiệp kéo cáp nên tỷ lệ rời mạng của FPT trong năm qua khá cao là 72%. doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến chỉ đạo kịp thời để tạo điều kiện cho việc xây dựng hạ tầng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, trước những bất cập này, Viettel đã có kế hoạch dựng cột riêng với lượng cột là 300.000. Hiện Viettel đã xây xong 250.000 cột với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Hùng, sự chủ động này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí từ 3-4 lần so với giá thuê, nếu Viettel lại cho doanh nghiệp khác thuê và dùng chung thì giá sẽ chỉ còn bằng 1/10.
Tuy nhiên, đại diện Viettel cho rằng vấn đề không chỉ là tiền mà quan trọng là công sức và thời gian. Để có một dự án trồng cột cho một đoạn tuyến 5km, doanh nghiệp phải mất gần 2 tháng.
“Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông nên can thiệp vấn đề này, không để tình trạng độc quyền xảy ra”, ông Hùng kiến nghị.
Không chỉ doanh nghiệp mới mà ngay cả các mạng lớn cũng đều phản ánh những khó khăn khi xây dựng mạng lưới.
Theo các doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có văn bản chính thức về việc “Trạm thu phát sóng có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân hay không?” để người dân không cản trở doanh nghiệp khi xây lắp cột; có văn bản thống nhất tới các sở, tỉnh, thành để Thông tư liên tịch số 12 giữa Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông về cấp phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động được thực hiện thông suốt.
Rà soát để vơi dần khó khăn
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng thừa nhận do thị trường viễn thông phát triển nhanh nên việc quản lý nhà nước còn chưa theo kịp. Nhiều vấn đề phát sinh nhưng theo Thứ trưởng Thắng đó là tất yếu của sự phát triển.
Để quản lý cho kịp với sự phát triển, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã chỉ đạo trong tháng 1/2010 phải thành lập Hiệp hội viễn thông để các doanh nghiệp có tiếng nói chuyên sâu bên cạnh Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng điều chỉnh chủ trương chính sách quản lý của Nhà nước sao cho hợp lý.
Ngoài ra, Bộ sẽ nâng cấp Vụ Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông thành Cục Viễn thông để chủ động hơn trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan tới giá thuê cột điện, Bộ trưởng đã chỉ đạo các thứ trưởng có kế hoạch làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để có khung giá hợp lý; rà soát lại Thông tư 12 về xây dựng BTS để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp./.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com