Mười năm trước Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi A. Annan đánh giá “sự nổi lên của thương mại điện tử đã căn bản thay đổi bộ mặt kinh tế. Với các nước đang phát triển, cuộc cách mạng số cung cấp cơ hội chưa từng có cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển”. Nay với tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng, việc áp dụng thương mại điện tử không còn là điều tùy chọn mà là phương tiện sống còn của nhiều doanh nghiệp. Trong những thử thách nơi các nước đang phát triển – cũng là những thị trường mới nổi, thì vai trò tiên phong của chính phủ trong việc ứng dụng thương mại điện tử dưới các luật lệ do chính mình đặt ra mang yếu tố quyết định.
Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho doanh nghiệp các nước đang phát triển củng cố thị trường nội địa và tiếp cận các thị trường nước ngoài, nhưng đồng thời đem hàng hóa và dịch vụ từ nơi khác đến, đặc biệt là từ các nước đã phát triển vốn có nhiều kinh nghiệm và tài lực. Trong bối cảnh này thương mại điện tử trở thành phương tiện cạnh tranh hữu hiệu vừa nhanh vừa ít tốn kém. Người ta nhận ra cuộc chiến thương mại diễn ra không chỉ giữa công ty với công ty mà còn giữa nhà nước với nhà nước. Một nền thương mại điện tử phát triển và lành mạnh sẽ là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của mỗi quốc gia.
Nhận diện các lợi ích và thách thức
Các chính phủ nay chú ý đến việc phát triển thương mại điện tử nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì ở đó sử dụng tới 60-70% lực lượng lao động của xã hội. Chính các doanh nghiệp thuộc nhóm này có khả năng tiếp nhận công nghệ mới nhanh hơn các công ty lớn, có cơ hội cạnh tranh tốt hơn và có nhu cầu phát triển để tồn tại.
Cách đây 10 năm người ta nói đến những điểm hạn chế của thương mại điện tử gồm vấn đề an ninh, mức độ rủi ro, trình độ khai thác, mô hình kinh doanh, rào cản văn hóa, sự hạn hẹp về đối tượng, gian lận thương mại...nhưng quan trọng nhất là chính sách chưa đồng bộ, chưa có được những chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, ngày nay người ta nhận diện nhu cầu phát triển thương mại điện tử dưới những thách thức khác. Trước hết là năng lực tiếp nhận của mỗi doanh nghiệp, thứ hai là vai trò tiên phong của chính phủ trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực công, cuối cùng là kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử hợp lý cho mỗi doanh nghiệp dựa trên những điểm đặc thù. Cả ba thách thức này phải được phân tích đến nơi đến chốn nhằm đạt được kết quả tốt nhất và nhanh nhất.
Ngày nay các chính phủ nhận ra rằng phát huy thương mại điện tử là nhu cầu của mỗi quốc gia nhằm góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững và sự ổn định của thị trường chống lại các biến động giá đột ngột do thiếu thông tin hoặc bị đầu cơ. |
Không phải tất cả các doanh nghiệp hay ngành kinh tế có cùng năng lực tiếp nhận thương mại điện tử giống nhau vào cùng thời điểm và với cùng phương cách như nhau. Cũng không phải các yếu tố tâm lý mơ hồ có tác động mạnh lên sự chọn lựa giải pháp này mà là những phân tích định tính và định lượng liên quan đến vị trí đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Người ta nhận ra rằng các ngành có mối quan hệ mật thiết với thông tin và công nghệ thông tin có điều kiện triển khai thương mại điện tử dễ dàng hơn. Đó là các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giáo dục, tư vấn và nhất là dịch vụ công từ hành chính đến thuế vụ, từ đấu thầu đến mua sắm công. Trong lĩnh vực sản xuất, các nhà máy công nghiệp nặng và các nhà sản xuất hàng hóa dễ vỡ hay dễ thay đổi giá lại tập trung thương mại điện tử vào dây chuyền tiếp liệu và hệ thống phân phối, song song với việc sẵn sàng điều chỉnh chất lượng và kiểu dáng đáp ứng nhu cầu cạnh tranh.
Năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp Các yếu tố chi phối năng lực tiếp nhận thương mại điện tử ở mỗi công ty gồm tính đặc thù của doanh nghiệp, tập quán kinh doanh và kinh nghiệm hoạt động tạo thành nhóm nhân tố nội sinh. Trong khi các nhân tố ngoại sinh gồm những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh và hạ tầng cơ sở ở mỗi nước cùng các vấn đề cạnh tranh nội địa cũng như quốc tế. Tính đặc thù doanh nghiệp rất quan trọng. Trước hết, quy mô lớn hay nhỏ của doanh nghiệp xác định các hạng mục và tầm mức đầu tư nhằm triển khai thành công chiến lược kinh doanh. Thứ hai, đặc tính sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ xác định trọng điểm và thứ tự đầu tư sao cho hiệu quả đạt được vừa nhanh vừa bền vững. Thứ ba là cơ cấu tổ chức công ty, với hộ gia đình hay doanh nghiệp nhỏ thì việc chọn lựa và tiếp nhận thương mại điện tử có thể thực hiện ngay, nhưng các công ty lớn có nhiều nhà máy và chi nhánh sẽ phải tái cấu trúc sao cho hệ thống liên lạc và tự động hóa được trơn tru. Gần đây người ta xếp khả năng tiếp thị như một đặc thù của doanh nghiệp do tầm mức quan trọng của nó, đặc biệt khi phải phối hợp phương pháp 7C vào nền tảng 4P song song với việc tổ chức sự kiện và chương trình khuyến mãi. Trong khi đó, với thị trường lao động rộng mở, vấn đề chuyên viên công nghệ thông tin không còn nam giải. Bốn điểm đặc thù còn lại của doanh nghiệp thuộc về lĩnh vực hoạt động, bao gồm đặc trưng địa lý của thị trường mở rộng, mức độ lệ thuộc vào thành phần thứ ba, chiến lược cạnh tranh của chính doanh nghiệp và mối liên quan giữa doanh nghiệp với các nhà trung gian bán lẻ. Tùy theo mức độ độc lập đối với thành phần thứ ba gồm các nhà cung cấp tiếp liệu, sản phẩm, dịch vụ hay kỹ thuật mà tiến trình phát triển thương mại điện tử của doanh nghiệp bị chi phối ít hay nhiều. Mặt khác, phương cách mua bán của các nhà trung gian bán lẻ cũng đặt thành vấn đề trước khi doanh nghiệp chọn hình thức thương mại điện tử phù hợp để vừa giữ được thị trường truyền thống vừa phát triển thêm thị trường mới. Cái khó của doanh nghiệp muốn phát triển thương mại điện tử là những thói quen cố hữu, có khi là tự mãn vì thành tích hoạt động tốt trước đó, có khi là sự không đồng thuận của vài thành viên trong ban điều hành, các nhân viên và đôi lúc cả nhà trung gian bán lẻ. Tính bảo thủ thường xuất hiện nơi các công ty có cơ cấu tổ chức phức tạp và vì vậy những công ty nhỏ dễ nắm bắt cơ hội đầu tư cho thương mại điện tử để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Trong những nhân tố ngoại sinh thì môi trường kinh doanh ở mỗi nước hay mỗi địa phương – bao gồm luật lệ, thói quen kinh doanh và tập quán văn hóa – cần được nghiên cứu kỹ. Mặt khác mức độ thuận lợi hay khó khăn của môi trường kinh doanh cũng đặt ra nhu cầu đầu tư cho thương mại điện tử đúng cách và đúng lúc cho doanh nghiệp. Vai trò tiên phong của chính phủ Nền tảng của môi trường kinh doanh là tập quán văn hóa, thói quen mua bán và luật lệ nhà nước. Trước đây người ta nói đến luật lệ nhà nước như là nhân tố quan trọng, hoặc khuyến khích thúc đẩy hoặc hạn chế kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử tại các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển. Nhưng ngày nay các chính phủ nhận ra rằng phát huy thương mại điện tử là nhu cầu của mỗi quốc gia nhằm góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững và sự ổn định của thị trường chống lại các biến động giá đột ngột do thiếu thông tin hoặc bị đầu cơ. Thách thức hiện tại là liệu các chính phủ có ứng dụng thương mại điện tử dưới những luật lệ do mình đặt ra hay không, và nhờ đó điều chỉnh kịp thời để đáp ứng yêu cầu của môi trường kinh doanh. Sự thách thức này căn bản dựa trên ba luận điểm: chính phủ là người mua sắm lớn nhất, là nhà cung cấp dịch vụ nhiều nhất và là người có quyền thay đổi các luật lệ thương mại. Trong thập kỷ trước các chính phủ Romania, Philippines, Chile, Nga… đã đi đầu trong vai trò ứng dụng thương mại điện tử. Một số chính phủ khác tập trung vào cải cách hành chính để thực hiện chính phủ điện tử song song với việc thúc đẩy thương mại điện tử . Thành công nhất trong các nước lân cận Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở đó mọi việc mua sắm công và các dịch vụ công đều được thực hiện trực tuyến. Chữ ký số không chỉ được khuyến khích mà còn là quy định trong mọi giao dịch nhà nước. Người ta nhận ra các chính phủ đi tiên phong trong thương mại điện tử có năng lực kiềm chế lạm phát tốt hơn và ngăn chặn tham nhũng hữu hiệu hơn. Kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển Tuy rằng hiện nay có nhiều chuyên gia và tổ chức tư vấn về xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử nhưng việc quyết định lộ trình này tùy thuộc vào doanh nghiệp bao gồm các khâu chọn lựa, điều hành và hiệu chỉnh để thích ứng với những thay đổi của hoạt động và môi trường kinh doanh. Đây có thể là thử thách cuối cùng. Nhưng các sáng kiến trong việc điều hành chiến lược có ý nghĩa rất lớn lên hiệu quả kinh doanh. Chiến lược phát triển ngành này thường được chia làm ba bậc cao dần. Bậc 1 chú tâm đến việc cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Bậc 2 nhắm tới việc củng cố thị trường truyền thống và thâm nhập mở rộng thị trường mới. Bậc 3 mới xét đến lợi ích của việc cạnh tranh bền vững (sustainable competitive advantages) bằng việc đưa thương mại điện tử hội nhập vào với chiến lược kinh doanh của công ty. Thường các công ty lớn bước thẳng lên bậc 3 vì họ đủ sức chịu đựng rủi ro cho đến khi thành công, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dừng lại ở bậc 1 hoặc bậc 2 trước khi đủ kinh nghiệm đi tiếp. Có nhiều mô hình đầu tư thương mại điện tử, đặc biệt cho các chuyên ngành. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa người ta chú ý đến kiểu tiếp nhận bậc thang (adoption ladder) được Bộ Công Thương của Anh giới thiệu cách đây 10 năm gồm năm bước từ thấp đến cao. Một là dùng thư điện tử làm phương tiện liên lạc. Hai là xuất hiện trên mạng để xác định vị trí của doanh nghiệp trên bản đồ thương mại điện tử thế giới và làm nơi liên lạc đối tác. Bước thứ ba là thực hiện các tương tác như đặt hàng hay thanh toán trực tuyến nhằm hạ chi phí và tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Bước thứ tư khó khăn hơn gọi là giao dịch điện tử qua việc tích hợp dây chuyền sản xuất các nhà máy vào hệ thống phân phối nhờ đó tiết kiệm tối đa nguyên - nhiên - vật liệu, thời gian và tiền bạc. Cuối cùng mới hội nhập thương mại điện tử vào toàn bộ chiến lược kinh doanh của công ty. __________________________________________ Tài liệu tham khảo: 1. Các nhân tố tác động đến khả năng phát triển thương mại điện tử: http://www.seiofbluemountain.com/upload/product/200911/2006zxqyhy09a5.pdf 2. Vai trò tiên phong ứng dụng thương mại điện tử của chính phủ: http://learnlink.aed.org/Publications/Concept_Papers/ecommerce_readiness.pdf 3. Xây dựng chiến lược và mô hình phát triển thương mại điện tử: http://epubl.ltu.se/1404-5508/2005/107/LTU-SHU-EX-05107-SE.pdf
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com