Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trùm quảng cáo nhắm vào Việt Nam

WPP, một trong những tập đoàn quảng cáo, truyền thông đa quốc gia lớn nhất thế giới, tiếp tục củng cố vị thế của mình tại thị trường Việt Nam bằng việc mua phần lớn cổ phần của công ty truyền thông T&A thông qua công ty con của mình là Ogilvy & Mather

Thoả thuận này được công bố ngày 15.7 tại TP.HCM, nhân chuyến thăm Việt Nam của Sir Martin Sorrell, tổng giám đốc điều hành và là người sáng lập ra tập đoàn WPP. Ông Sorrell cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường đang lên quan trọng nhất tại khu vực châu Á, và thậm chí trong vòng vài năm tới sẽ lớn hơn cả một số thị trường láng giềng như Thái Lan.

“Việt Nam là một thị trường ngày càng quan trọng hơn, với một dân số đông và trẻ, một nền kinh tế đầy sức sống… Tôi tin rằng các thị trường đang lên trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… sẽ vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay nhanh hơn dự đoán. Đây là những quốc gia có tỷ lệ dự trữ, tiết kiệm cao trong khi những quốc gia phương Tây tiêu xài quá nhiều trong những năm qua”. Ông Sorrell nhận xét, và cho biết thêm: “Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào những thị trường mới như thế này”.

Hơn mười công ty tại Việt Nam

Tính đến nay, WPP đã có mặt tại Việt Nam thông qua hơn mười công ty thành viên. Các công ty quảng cáo JWT, Ogilvy & Mather, Y&R, Grey Group, Bates 141 đều là những công ty con của tập đoàn này. Năm ngoái, WPP mua công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres, và như vậy hiện nay TNS Việt Nam cũng là một phần của WPP. Công ty truyền thông GroupM cũng là thành viên của tập đoàn này. Vụ mua bán T&A Ogilvy biến công ty này thành thành viên mới nhất của WPP. Ngoài ra, tập đoàn WPP đã mua cổ phần tại Đất Việt VAC và SmartMedia, là hai công ty quảng cáo truyền thông Việt Nam. Như vậy có khoảng 1.000 nhân viên đang làm cho tập đoàn này tại Việt Nam. Theo ông Sorrell, doanh số của WPP ở thị trường Việt Nam vào khoảng 100 triệu USD trong năm vừa rồi. Châu Á, thị trường đang phát triển mạnh, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của công ty này.

“Trước đây, người ta coi thông tin là sức mạnh. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác. Sử dụng thông tin như thế nào mới là sức mạnh”

Chiến lược của WPP tại Việt Nam đang đi theo hướng là mua các công ty nội địa để chiếm lĩnh thị trường. Ông Sorrell cho biết mục tiêu của WPP là 80% doanh số phải được thu về từ các công ty của tập đoàn và 20% từ các vụ mua bán, sáp nhập. Ông dự liệu chi tiêu vào quảng cáo ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. “Việt Nam chưa được quảng bá đúng tầm… Chúng tôi cho rằng nếu tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam tăng 5%, thì chúng tôi có thể tăng trưởng ít nhất 10%”.

Sự trỗi dậy của truyền thông mới

Mục tiêu chính của WPP khi mua các công ty, như T&A, là nhắm vào thị trường mới, truyền thông mới (new media) và sự thấu hiểu người tiêu dùng.

Việt Nam đương nhiên là một trong những thị trường mới, có đà tăng trưởng mạnh mà các tập đoàn lớn đều nhắm tới. Về lĩnh vực truyền thông mới, ông Sorrell cho rằng sự trỗi dậy của tiếp thị xã hội (social networking) cùng với sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội, đang thay đổi rất nhiều hoạt động truyền thông, quảng cáo. Nội dung sẽ quan trọng hơn và các nhà cung cấp nội dung, trong đó có báo chí, sẽ phải nghĩ ra cách tính tiền nội dung, chứ không cung cấp miễn phí nữa. “Một bài báo có tác dụng quảng cáo mạnh hơn những trang quảng cáo…”, ông Sorrell nói.

Về cơ bản, sự phổ biến của internet tạo ra sự phong phú của thông tin đến mức độ thay đổi cả cách tiếp cận thông tin. “Trước đây, người ta coi thông tin là sức mạnh. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác. Sử dụng thông tin như thế nào mới là sức mạnh”. Đây cũng là một trong những lý do mà sự hiểu biết về thị trường và người tiêu dùng (consumer insight) của những công ty nội địa như T&A được đánh giá cao, và vì sao những tập đoàn như WPP nhắm mua các công ty nội địa trong lĩnh vực truyền thông.

Với tỷ lệ phổ cập internet khoảng 20%, còn thấp so với nhiều nước phát triển, doanh số từ tiếp thị điện tử của thị trường Việt Nam hiện nay vẫn còn rất thấp, dưới 5% tổng chi tiêu quảng cáo của thị trường (theo TNS, tổng chi tiêu quảng cáo của thị trường hiện khoảng 500 triệu USD/năm). Tuy nhiên, đa số các công ty quảng cáo nhìn đây là một lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần và đang đầu tư nhiều vào tiếp thị điện tử.

Ông Sorrell cho rằng còn khó tiên đoán được các mạng xã hội sẽ kiếm tiền như thế nào. Ngay cả Google, một trong những cổng thông tin điện tử có doanh thu quảng cáo cao, cũng chưa phải kênh quảng cáo chính. Năm vừa rồi, WPP trả 850 triệu USD cho các quảng cáo từ search trên google. Ông Sorrell tiên đoán rằng “Truyền thông xã hội (social media) sẽ không kiếm được nhiều lợi nhuận như truyền thông chính thống trước đây”.

( Theo Lan Anh // SGTT Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Suýt ngất vì gói thuốc lá giá… hơn 23 triệu tỷ USD
  • Mạng xã hội trị giá 6,5 tỉ USD
  • Giá cả ở đâu “cắt cổ” nhất thế giới?
  • Hàng trang sức ế chỏng tại Mỹ
  • “Đại gia” dầu lửa khuynh đảo Top 10 doanh nghiệp thế giới
  • Hàng ngoại... chuyện nội
  • Ngành ôtô và bài học từ Hyundai
  • M&A: cục sắt và viên kim cương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com