Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

M&A: cục sắt và viên kim cương

Trong kinh doanh, thất bại của người này có khi là cơ hội của người khác. Chính vì thế việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nở rộ trong những năm gần đây cũng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, trong thương trường, mọi việc không hề đơn giản.

Cục sắt và viêm kim cương

Nằm trong vòng xoáy của tình hình lạm phát (năm 2008), suy giảm kinh tế (năm 2009), đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 95% trong tổng số gần 350.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đều bị ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh (theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Vinasme). Công ty cổ phần Sinh học N.N, quận Tân Phú, TPHCM, là một trong số đó.

Từ quí 4-2008, anh N.V.T, giám đốc Công ty N.N, bắt đầu rao bán nhà máy sản xuất chế phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản nằm ở huyện Củ Chi. Phải hơn sáu tháng sau anh T. mới gặp được người mua với giá chỉ bằng khoảng 60% giá trị ban đầu. Anh T. đã dùng gần một nửa số tiền bán nhà máy để trả nợ ngân hàng, số còn lại anh mua một miếng đất khác ở Củ Chi để xây nhà máy sản xuất chế phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản có quy mô chỉ bằng phân nửa so với nhà máy cũ. Anh T. cho biết trong bối cảnh kinh tế suy giảm, thu hẹp quy mô sản xuất là cách tốt nhất để tồn tại và chờ thời cơ.

 

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), năm 2006 cả nước có 38 vụ M&A; năm 2007 có 108 vụ với tổng giá trị 1,7 tỉ đô la Mỹ, gấp đôi tổng giá trị của năm 2006; năm 2008 có 146 vụ, tổng giá trị 1 tỉ đô la Mỹ, với 30 ngành nghề so với 20 ngành của năm 2007.

Khi biết tin một ngân hàng ở tỉnh Gia Lai phát mãi Nhà máy Việt Thành nằm trong khu công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, một trong hai thành viên sáng lập Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai (đơn vị liên kết với Công ty cổ phần Thanh Bình), hoạt động trong lĩnh vực mua bán doanh nghiệp, tức tốc lên đường đi Gia Lai. Đến nơi, bảo vệ nhà máy đi vắng, cửa khóa im ỉm, ông Bình không vào được bên trong để quan sát tận mắt. Thế nhưng, khi được người đại diện ngân hàng cho biết nhà máy có diện tích 2,1 héc ta, khuôn viên đã được xây tường rào bao kín, hệ thống nhà kho rộng 2.000 mét vuông, nhà xưởng 1.500 mét vuông hoàn chỉnh, giá bán 905 triệu đồng, ông Bình nhanh chóng đồng ý. “Từ đó cho đến lúc hoàn tất thủ tục mua lại Nhà máy Việt Thành, tôi không một lần đến xem số tài sản sắp thuộc quyền sở hữu của công ty như thế nào. Mua được nhà máy với giá rẻ, cần gì phải xem tới xem lui nữa”, ông Bình nói.

Từ nhà máy ở khu công nghiệp Trà Đa, Công ty Thanh Bình đã mở rộng diện tích lên thành 4,2 héc ta, nhà xưởng, nhà kho rộng đến 30.000 mét vuông và nâng cấp thành kho nông sản khu vực Tây Nguyên thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao Nguyên Thanh Bình.

Lần khác, ông Bình được tin chủ một trang trại heo ở miền Đông Nam bộ kinh doanh không hiệu quả nên quyết định bán lại trang trại rộng 2,2 héc ta với giá 5 tỉ đồng. Ông cho biết đã đề nghị mức giá 2,5 tỉ đồng, nhưng người chủ trang trại không đồng ý. Ông kể: khoảng bốn tháng sau, người chủ trang trại đã chủ động liên lạc với ông, đồng ý bán giá 2,5 tỉ đồng, kèm theo lời than vãn bốn tháng qua trang trại bị lỗ thêm 500 triệu đồng.

Trong lĩnh vực M&A ở phía Nam, nhắc tới ông Phạm Đức Bình và ông Phạm Bá Dương, dường như trong giới ai cũng từng biết qua thương vụ “mua doanh nghiệp với giá 1 đô la Mỹ” diễn ra gần hai năm trước tại tỉnh Đồng Nai.

Thời đó, phát biểu trên các phương tiện truyền thông, ông Dương cho biết dù Công ty Cheerfield Vina - chuyên sản xuất đế giày dép - được Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ mua bằng “một đồng danh dự”, tuy nhiên bên mua sẽ phải trả các khoản nợ lên tới 34 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ phải đứng ra giải quyết bảo hiểm xã hội của cán bộ công nhân viên, tiền thuế, vay ngân hàng, tiền thuê đất và các khoản mua hàng. Theo kế hoạch, khoảng hai năm sau đó công ty sẽ tiến hành khôi phục Cheerfield Vina bằng cách liên doanh với một vài doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài. Trong trường hợp kế hoạch khôi phục không thành, công ty sẽ tính đến việc bán lại Cheerfield Vina cho một đối tác khác.

Trên thương trường, trong ba năm trở lại đây, việc rao bán doanh nghiệp, hoặc săn lùng thông tin mua nhà xưởng, nhà hàng… tương đối dễ tìm trên Internet hoặc trên mục quảng cáo ở các báo in. Giá mua, bán doanh nghiệp cũng rất đa dạng, phong phú trên mọi lĩnh vực, dễ chọn lựa, từ 50 triệu đồng đến trên 10 triệu đô la Mỹ đều có đủ. Một trong những trang thông tin cập nhật khá phong phú, toàn diện về dịch vụ M&A là trang web www.sanmuabandoanhnghiep.com, thuộc Công ty cổ phần Mua bán doanh nghiệp và Kết nối đầu tư quốc tế (ICE), Hà Nội, hoặc www.sanduan.vn. Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư thì cũng có người đăng thông tin trên mạng sẵn sàng cho vay vốn…

Mười năm trước, tập đoàn Unigroup (U&I), Bình Dương, cũng đã nhanh chân nhảy vào lĩnh vực mua bán doanh nghiệp. Ông Mai Hữu Tín, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn U&I, cho biết thời đó cơ hội là mênh mông. “Bằng cách đầu tư vào những doanh nghiệp như vậy, U&I có thể sử dụng vốn của mình hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển”, ông Tín nói.

Ông Tín cho biết U&I quan tâm nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm bán lẻ, xây dựng, phát triển bất động sản, du lịch, hoạt động giao nhận, sản xuất hàng xuất khẩu với nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam. “Chúng tôi đầu tư dài hạn để cùng các cổ đông khác khai thác tối đa tiềm năng của doanh nghiệp nên không đặt ra giới hạn về thời gian và mức vốn. Trong hầu hết trường hợp, chúng tôi đầu tư bằng tiền”, ông nói. U&I chọn cách chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp sau khi đánh giá tốt về bộ máy điều hành của doanh nghiệp.

Và những rủi ro

Ông Phạm Đức Bình cho biết, khi Công ty Doanh nghiệp trẻ quyết định mua doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó phải thật sự “chết” và “chết càng thối càng tốt”. Ông lý giải: “Doanh nghiệp “chết” do nhiều nguyên nhân, và công ty sẽ định giá doanh nghiệp đó bằng 50% so với giá trị đầu tư ban đầu. Chúng tôi không ép giá người bán nhưng cũng không thể mua với giá họ đưa ra. Thuận mua vừa bán. Cái lợi của người mua lại tài sản của doanh nghiệp khác là thấy được cơ hội làm ăn, rút ngắn thời gian đầu tư. Trong khi người bán được rút khỏi lĩnh vực mà họ đang gặp khó khăn, tìm được lối thoát, thu hồi được một phần vốn đầu tư. Về mặt hiệu quả xã hội, thì những vụ mua bán sáp nhập vẫn duy trì được công ăn việc làm cho người lao động, sản phẩm hàng hóa vẫn được đưa ra thị trường, không bị gián đoạn”.

Ông Bình cho biết sở dĩ dám nhảy vào lĩnh vực mua bán sáp nhập vì trước đó, khoảng năm 2000, ông đã từng đứng bên bờ vực phá sản, công ty của ông nợ đối tác cả 100 tỉ đồng. Từ đó ông rút tỉa được nhiều kỹ năng đàm phán, phân tích, xử lý nợ… Kinh nghiệm là vậy, tuy nhiên trong gần 10 vụ làm ăn trong thời gian qua, công ty của ông cũng gặp phải nhiều chuyện khó lường.

Sau khi mua lại Cheerfield Vina, Công ty Doanh nghiệp trẻ đã đàm phán kéo số nợ phải trả từ 34 tỉ xuống còn 14 tỉ đồng nhưng lại gặp rắc rối khác. “Công ty kinh doanh hạ tầng cho chúng tôi biết chủ thuê đất ban đầu mới chỉ thanh toán được 50% tiền thuê đất, số còn lại Doanh nghiệp trẻ phải thanh toán. Trước đây chủ cũ thuê trong vòng 47 năm, giá 27 đô la Mỹ/mét vuông. Khi tiếp quản Cheerfield Vina, giá đất tăng lên 50 đô la Mỹ/mét vuông, thời gian thuê chỉ còn 42 năm”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, kể từ lúc tiếp quản Cheerfield Vina cho đến gần cuối tháng 6-2009, vì lý do nhiều phía chưa đồng thuận nên đến giờ công ty này vẫn chưa hoạt động.

Sau đó, thông qua Ngân hàng Công thương chi nhánh Sóng Thần, Công ty Doanh nghiệp Trẻ còn mua thêm một nhà máy ở khu công nghiệp Đồng An (Bình Dương). Nhà máy này là tài sản thế chấp của một doanh nghiệp, do nợ quá kỳ hạn thanh toán nên được ngân hàng phát mãi. Thương vụ vừa giao dịch xong chưa bao lâu thì cả Ngân hàng Công thương chi nhánh Sóng Thần và Doanh nghiệp trẻ bị chủ cũ khởi kiện vì mua bán trái luật, không thông báo cho họ biết trước khi phát mãi! “Chúng tôi cứ nghĩ khi mua lại doanh nghiệp từ ngân hàng là chắc ăn nhưng thực tế không phải vậy!”, ông Bình nói.

Ông Mai Hữu Tín cho biết dù đã có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này, đã đầu tư gần 1.000 tỉ đồng vào 30 doanh nghiệp, nhưng U&I vẫn gặp những rủi ro trong quá trình đầu tư. “Chúng tôi rút ra bài học là muốn “hùn” thì phải “hạp”. Yếu tố con người là quan trọng nhất. Nhưng cũng không quên kiểm tra thật kỹ các số liệu trước khi bỏ tiền đầu tư. Dù một doanh nghiệp hiện tại đang làm ăn tốt, với kế hoạch phát triển “đẹp” như thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng sẽ không đầu tư nếu thấy không thể chia sẻ các giá trị mang tính nguyên tắc mà chúng tôi theo đuổi, chẳng hạn tính nhân văn, vì cộng đồng, tôn trọng người lao động, trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm, kiên quyết theo đuổi ngành nghề đã chọn…”, ông Tín nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp từng tham gia những vụ mua bán sáp nhập thì cho rằng hoạt động mua bán các công ty trong nước hầu như chưa dễ dàng. “Hành lang pháp lý ở Việt Nam còn quá nhiều điều gây trở ngại cho doanh nghiệp. Trên thế giới, phá sản là chuyện bình thường của doanh nghiệp, ở Việt Nam giới làm ăn hình như chưa có thói quen tiếp nhận thông tin này. Đối với doanh nghiệp trong nước, trong trường hợp phá sản, theo tôi, cần có lộ trình chế tài trong ba năm để doanh nghiệp còn cơ hội hồi phục, lấy lại số tài sản đã thế chấp”, ông Bình nói.

(Theo Tường Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Những mẫu xe trụ vững trong thời suy thoái
  • Chuyên nghiệp cũng bị phản đối
  • Bữa trưa với nhà đầu tư huyền thoại hạ giá
  • Rút lại kiến nghị tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines
  • Thuốc có được dùng để khuyến mãi ?
  • Giả khan hiếm để giữ danh
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Loay hoay với ngoại ngữ
  • Smartphone & “Smart” Marketing
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com