Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao News Corp. muốn “dứt tình” với Google?

picture
Tỷ phú Rupert Murdoch, ông chủ của tập đoàn báo chí News Corp.
Dù liên minh với Microsoft hùng mạnh, đế chế truyền thông News Corp. của tỷ phú Rupert Murdoch cũng khó thoát được tầm phủ sóng của công cụ tìm kiếm Google.

Với nỗ lực “cứu” nội dung của các tờ báo thuộc sở hữu News Corp., trong đó có tờ Wall Street Journal, khỏi các kết quả tìm kiếm trên Google, tập đoàn này được các nguồn tin thân cận cho biết là đã tổ chức những cuộc đàm phán sơ bộ với Microsoft.

Mục đích của các cuộc đàm phán này là hướng tới một thỏa thuận nhằm chỉ đưa nội dung của các tờ báo này vào các kết quả tìm kiếm trên Bing - công cụ tìm kiếm của Microsoft.

Vụ đàm phán còn chưa được công bố chính thức này diễn ra trong bối cảnh tỷ phú Murdoch cảm thấy “khó chịu” khi chứng kiến Google thỏa sức kiếm lợi nhuận dựa trên các kênh thông tin của News Corp. Mặc dù vậy, các nhà phân tích và chuyên gia về chống độc quyền cho rằng, động thái trên của Murdoch có khả năng sẽ phản tác dụng đối với News Corp., thay vì gây trở ngại cho Google.

Theo Financial Times, tờ báo đi đầu trong việc loan tin về vụ đàm phán trên, Microsoft sẽ trả một khoản phí còn chưa được tiết lộ cho News Corp. để các nội dung của Wall Street Journal chỉ xuất hiện trên các kết quả tìm kiếm trên Bing. Cũng theo Financial Times, Microsoft còn có ý định tiếp cận các tờ báo khác bằng thỏa thuận tương tự.

Mục đích của Microsoft là có được những kết quả tìm kiếm độc quyền là nội dung của những tờ báo có lượng độc giả lớn, theo đó chiếm thêm thị phần trên thị trường quảng cáo trực tuyến béo bở. Theo số liệu thống kê tháng 10 từ công ty nghiên cứu trực tuyến ComScore, thị phần trên thị trường quảng cáo trực tuyến của Bing hiện là 9,9%, con số quá khiêm tốn so với mức 65,4% của Google.

Về phần mình, News Corp. muốn dùng thỏa thuận với Microsoft để tăng vị thế khi đàm phán gia hạn một thỏa thuận với Google vào năm tới. Trong thỏa thuận giữa News Corp. và Google, “đại gia” tìm kiếm được độc quyền đưa các kết quả tìm kiếm và đặt quảng cáo trên MySpace - mạng xã hội ảo thuộc sở hữu của News Corp.

Kể từ khi thỏa thuận có trị giá ban đầu 900 triệu USD này được ký kết vào năm 2006, MySpace đã bị đối thủ Facebook chiếm mất vị trí mạng xã hội ảo có nhiều người sử dụng nhất, khiến Google không còn coi trọng quan hệ đối tác với News Corp.

Theo giới chuyên môn, dù các cuộc đàm phán giữa Microsoft và News Corp. có tác dụng ra sao với thỏa thuận giữa News Corp. và Google, thì vụ đàm phán này cũng sẽ khó có thể làm suy giảm địa vị của Google trên thị trường tìm kiếm trực tuyến. Thậm chí trong trường hợp Microsoft lập được liên minh với Yahoo! - công cụ tìm kiếm với thị phần 18% - thì thị phần của Bing vẫn chưa bằng phân nửa so với của Google.

“Việc News Corp. phụ thuộc vào một tập đoàn lớn như Microsoft để có được một phần lớn doanh thu là một việc làm thiển cận”, ông David Hallerman, nhà phân tích lâu năm thuộc hãng nghiên cứu thị trường eMarketer, nhận xét. Theo công ty nghiên cứu số lượng truy cập các trang web Hitwise, Google đóng góp tới 26,3% lượng truy cập vào Wall Street Journal.

Thêm vào đó, việc ngăn nội dung của Wall Street Journal và các ấn phẩm khác của News Corp. khỏi kết quả tìm kiếm của Google sẽ làm giảm lượng truy cập vào các website của tập đoàn này. Mà như vậy, News Corp. sẽ càng thêm phụ thuộc vào Microsoft để tìm kiếm nguồn thu nhập nhằm bù đắp lại sự suy giảm của doanh thu quảng cáo.

Về mặt lý thuyết, các tờ báo khác có thể “vào hùa” với News Corp. để phá bỏ mối liên kết với Google và quay sang hợp tác độc quyền với Microsoft. Tuy nhiên, trước khi làm điều này, các tờ báo chắc chắn phải chuẩn bị sẵn tư tưởng cho sự suy giảm số lượng người đọc trực tuyến. Theo Hiệp hội Báo chí Mỹ, phần lớn các tờ báo thuộc hiệp hội này có 30% lượng độc giả truy cập qua Google.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách Mỹ cũng có thể sẽ để mắt tới việc các tờ báo liên minh với Microsoft để “tẩy chay” Google - một hành vi bị xem là có thể hạn chế cạnh tranh lành mạnh. “Vụ này có thể dẫn tới kiện chống độc quyền”, ông Sam Bayard, Phó giám đốc Dự án luật truyền thông thuộc Đại học Havard, cho biết.

Từ lâu, Google đã luôn miệng khẳng định họ hoan nghênh bất kỳ trang web nào ngừng cho phép đưa nội dung vào các kết quả tìm kiếm trên Google. “Chúng tôi tôn trọng các ý muốn về bản quyền của người sở hữu. Nếu nhà xuất bản nội dung không muốn trang web của họ xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm của chúng tôi, sẽ có những cách thức dễ dàng để thực hiện việc này”, Google tuyên bố.

Mặc dù vậy, News Corp. và Microsoft cũng đã bắt đầu có những bước đi trong việc cản trở sự phủ rộng của Google. Nhưng dù sao, Google vẫn có thể tìm cách “phản công” lại liên minh này, vì theo các chuyên gia, về mặt pháp luật, Google chẳng có gì ràng buộc với lời hứa mà họ đã đưa ra.

(Theo Mai Phương // Vneconomy // Business Week)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Dịch vụ giữ tên trước cho doanh nghiệp
  • Phong thủy trong kinh doanh bất động sản
  • Hard Rock café chính thức nhượng quyền tại Việt Nam
  • “Trận đấu”: Murdoch – Google: 10?
  • "Xung đột" EU Microsoft sắp chấm dứt
  • Khổng lồ sợ tý hon
  • Kinh doanh hòa vốn - Đúng hay sai?
  • Thị trường “xám” - Nguy cơ mới của sản xuất ĐTDĐ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com