Trên thực tế, việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đòi hỏi bản thân mỗi doanh nghiệp phải chủ động xử lý một số vấn đề. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, việc kết hợp bình ổn giá với Cuộc vận động khiến Vissan gặp nhiều thử thách lớn, bởi trong năm 2010, giá đầu vào tăng 15 - 16%, trong khi đầu ra vẫn phải giữ ổn định. “Thử thách buộc chúng tôi phải đổi mới công nghệ, làm sao sản lượng và chất lượng đều tăng, nhưng giá không tăng. Giải được bài toán này giúp lợi nhuận của Vissan không giảm, mà người tiêu dùng ngày càng có niềm tin với sản phẩm Vissan”, ông Văn Đức Mười nói.
Cũng theo ông Mười, để Cuộc vận động đạt hiệu quả, việc chủ động liên minh liên kết giữa các doanh nghiệp là rất quan trọng. Sớm nhận thức được điều này, Vissan đã kết hợp với hệ thống siêu thị Co.opMart để đưa hàng vào bán, đồng thời cũng nhập thêm hàng của Công ty Ba Huân về bán trong hệ thống cửa hàng của mình, qua đó giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựu chọn.
Bà Bùi Hạnh Thu cho biết, Saigon Co.opMart đã chủ động thực hiện Cuộc vận động bằng cách chuyển “Tháng bán hàng Việt Nam chất lượng cao” thành “Tháng tự hào hàng Việt”. “Khi mới mở siêu thị Co.opMart đầu tiên, tỷ lệ hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập là 20/80. Đến năm 2008, tỷ lệ này là 60/40. Kể từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động trên, tỷ lệ hàng Việt đã tăng đáng kể. Đến nay, trong hệ thống siêu thị Co.opMart, hàng Việt đã chiếm đến 90%”, bà Bùi Hạnh Thu nói.
Vấn đề đặt ra là, làm gì để người tiêu dùng ngày càng tin yêu hàng Việt, bà Bùi Hạnh Thu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nơi sản xuất ra hàng Việt. “Doanh nghiệp Việt Nam nên học theo doanh nghiệp nước ngoài. Hàng năm, họ cho ra đời rất nhiều mẫu mã mới, đáp ứng xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng. Như vậy, để người Việt tin dùng hàng Việt, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần có sự năng động, sáng tạo để cho ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo”, bà Bùi Hạnh Thu nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, trong siêu thị, thương hiệu Việt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa hẳn đã giành lại được ưu thế của mình, bởi hiện hàng ngoại nhập chưa được kiểm soát kỹ về thuế, cũng như về sở hữu trí tuệ… đang tấn công, cạnh tranh không ngang bằng với hàng sản xuất tại Việt Nam.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com