Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Kỳ 1: Nguồn gốc khủng hoảng

Cơn bão tài chính dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động nghiêm trọng đến đời sống của hầu hết người dân trên thế giới, đe dọa kéo lùi những thành tựu phát triển của một số nước trong nhiều năm qua. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 chỉ vào khoảng 0,5%, mức thấp nhất kể từ Thế chiến thứ hai, trong đó một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật... tăng trưởng âm. Báo Cần Thơ xin điểm lại căn nguyên, diễn tiến và hậu quả của cuộc khủng hoảng này.


Kỳ 1: Nguồn gốc khủng hoảng


Tìm hiểu về nguồn gốc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, một số nhà phân tích cho rằng cần nhìn nhận vấn đề bắt đầu từ giai đoạn bùng nổ và vỡ “bong bóng” thị trường tài chính châu Á cuối thập niên 1990. Khi đó, để đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan đã tìm cách hỗ trợ các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, giúp họ không bị vỡ nợ. Năm 2000, khi thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu giảm mạnh và chìm vào suy thoái, FED giảm mạnh lãi suất. Lãi suất thấp hơn khiến việc hoàn trả các khoản vay thế chấp dễ dàng hơn. Điều này thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tăng lên, khi hàng triệu gia đình ở Mỹ tận dụng lãi suất giảm để vay thêm vốn, thậm chí từ các tài sản thế chấp của họ còn nằm ở ngân hàng, để đầu tư vào thị trường bất động sản. Vô hình trung, lãi suất thấp đã kéo giá bất động sản leo thang. Đến năm 2006, lãi suất cơ bản và nợ quá hạn bắt đầu tăng trở lại, nhưng tốc độ cho vay của các ngân hàng vẫn không chậm lại.


Sau thời gian nới lỏng các tiêu chuẩn để đẩy mạnh cho vay mua nhà đất làm các khoản nợ xấu tăng lên, các ngân hàng và công ty tài chính tìm cách gỡ gạc bằng việc “sáng tạo” ra những “sản phẩm phức tạp”. Họ trộn lẫn các khoản nợ xấu với một số khoản vay thế chấp chất lượng cao, rồi bán trọn gói nợ này cho khách hàng theo cái gọi là cổ phiếu “an toàn hóa”. Vào mùa hè năm 2007, IMF bắt đầu đưa ra hàng loạt cảnh báo khi nhận thấy lượng tiền thông qua các khoản “an toàn hóa” tăng nhanh chóng.


Thực tế là khi giá nhà đất tuột dốc không phanh ở Mỹ, hàng loạt nhà cửa bị tịch biên đã dẫn đến sự sụp đổ của các công ty tài chính. Thừa nhận sai lầm khi nới lỏng việc quản lý các ngân hàng và các định chế tài chính, cựu Chủ tịch FED Greenspan cho rằng ông đã đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do mà không lường hết được sức mạnh tự hủy diệt của mô hình cho vay thế chấp. Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ trích ông Greenspan là người gây ra khủng hoảng khi khuyến khích thị trường nhà đất bùng nổ “bong bóng” vì duy trì lãi suất thấp trong thời gian quá dài, nhưng không kiểm soát nổi rủi ro từ các hình thức cho vay thế chấp.

(Theo Guardian, AP, Washingtonpost)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Bàn về chính sách thắt chặt tiền tệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com