Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

John Maynard Keynes thực tiễn đi trước lý luận

Keynes được coi là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trường phái chính sách kinh tế mới do ông gây dựng nên từ những năm 30 của thế kỷ trước vẫn được coi là một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong khoa học kinh tế. Thế nhưng, có lẽ rất ít người biết rằng ông đã từng là một nhà đầu cơ thành đạt.

Để có được một nhà kinh tế học lỗi lạc Keynes, rất nhiều bài học kinh nghiệm thu được qua hoạt động đầu cơ được ông phát triển lên thành luận điểm trong học thuyết của mình. Sẽ không ngoa chút nào nếu nói rằng, không có nhà đầu cơ John Maynard Keynes thì không thể có nhà kinh tế học John Maynard Keynes, không có học thuyết kinh tế trọng cầu gắn liền với tên tuổi này.

Keynes sinh năm 1883 trong một gia đình có truyền thống học cao đỗ đạt ở Cambridge. Truyền thống hiếu học ấy của gia đình được ông phát huy, nhưng truyền thống xã hội và đạo đức của tầng lớp trí thức thời ấy ở nước Anh thì lại bị ông sao nhãng.

Ngay khi bước vào đại học, ông đã tham gia ngay Nhóm Bloomsbury - tập hợp các trí thức xung quanh nữ văn sỹ Virginia Woolf theo quan điểm bác bỏ tất cả những truyền thống và chuẩn mực giá trị của xã hội Anh. Những thành viên của nhóm này quan tâm đến nghệ thuật, thẩm mỹ học và triết học nhiều hơn là đến tiền tài và danh vọng, phẩm cách đạo đức trong lao động và tình dục vốn được cả nhà thờ Thiên chúa giáo lẫn Tin lành đề cao. Keynes công khai chuyện mình đồng tính luyến ái, cho dù đến năm 1924 lại kết hôn với nữ vũ công ba-lê Lydia Lopokova mà phù rể cho ông không phải ai khác ngoài chính anh chàng học sỹ Duncan Grant đã từng quan hệ yêu đương đồng tính với ông suốt bao năm trời. Tuy nhiên, khác với đa số thành viên trong nhóm, Keynes vẫn giữ mối liên hệ trực tiếp với cuộc sống bình thường chứ không hoàn toàn trên mây trên gió. Có lẽ chính vì thế mà ông vẫn thành đạt với tư cách là nhà kinh tế, quan chức chính phủ và cả nhà đầu cơ.

Tất cả mọi phi vụ đầu cơ chứng khoán của mình đều được ông ghi chép lại tỷ mỉ cho nên hậu thế biết rằng phi vụ đầu cơ đầu tiên của ông được thực hiện ngày 6-7-1905. Vào ngày đó ông mua 4 cổ phiếu của công ty bảo hiểm hàng hải Marine Insurance Company với giá 160,06 Bảng Anh - tương đương với 9.000 EURO bây giờ. Số tiền này được Keynes tiết kiệm từ những khoản tiền thưởng trong học tập và tiền bố mừng sinh nhật trong những năm học đại học. Ngay từ lần đầu tiên này, ông đã nhận thức được rằng đầu cơ luôn rủi ro nhưng có thể làm giàu nhanh chóng. Suốt sự nghiệp đầu cơ chứng khoán, ông luôn bị giằng xé giữa cảm giác không cưỡng lại được sự cuốn hút của đầu cơ và lo ngại về rủi ro. Có lẽ chính vì thế là ông luôn rất thận trọng khi sử dụng tiền của người khác hoặc đi vay để đầu cơ. Chậm và ít nhưng chắc chắn thắng là phương châm tối thượng của Keynes trong đầu cơ. Đầu cơ là cái mà ông vừa thích vừa sợ, vừa đam mê lại vừa nghi ngại, một lần vướng vào rồi rất khó dứt ra được.

Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ông đã có số tiền 16.431 Bảng Anh, gấp 100 lần số tiền bỏ ra để mua 4 cổ phiếu đầu tiên. Những phi vụ đầu cơ của John không quy mô và tầm cỡ, nhưng cứ đều đều và hiệu quả, đủ để ông kiếm được tiền triệu và không bị sa cơ lỡ vận, trắng tay phơi áo mỗi lần bị thua. Nhìn vào số liệu thống kê thì có thể thấy ông thường thắng đậm ở đầu cơ cổ phiếu trong khi thường thua đậm ở đầu cơ tiền tệ. Mà thua lại là chuyện chẳng có gì lạ trong thế giới đầu cơ.

Sử sách còn ghi lại hai vụ đầu cơ thất bại lớn nhất của ông. Lần thứ nhất vào năm 1924, ông cho rằng Đảng Tự do Anh sẽ thắng cử và Đảng Bảo thủ sẽ thua. Khi đó, vấn đề đặt ra cho nước Anh là có trở lại chế độ bản vị vàng hay không. Nếu Đảng Tự do thắng cử sẽ không thi hành chính sách trở lại chế độ bản vị vàng như ông khuyến nghị, khi đó tỷ giá đồng Bảng Anh sẽ giảm. Nhưng Đảng Bảo thủ lại thắng cử, thực hiện ngay việc trở lại chế độ bản vị vàng và tỷ giá đồng Bảng Anh tăng cao. Về phương diện chính sách kinh tế, quan điểm của Keynes rất đúng, nhưng ông lại không thạo việc đoán biết quyết định của cử tri.

Lần thứ hai vào năm 1937-1938, John Maynard Keynes đã đánh giá sai mức độ và thời gian suy thoái kinh tế ở Mỹ nên đã thua lỗ ở Phố Wall. Không phải lương bổng của quan chức chính phủ Anh mà đầu cơ đã giúp John Maynard Keynes từ có vài đồng trong túi trở thành triệu phú. Khi mất năm 1946, Keynes để lại gia sản cá nhân gần 500.000 Bảng Anh (tương đương hơn 10 triệu EURO bây giờ), một điền trang rộng ở gần London và cả một Nhà hát nhỏ ở Cambridge tặng vợ. Thận trọng và theo mách bảo của bản năng được Keynes coi là bí quyết thành công của mình trong các phi vụ đầu cơ. Ẩn chứa đằng sau đó là một trạng thái tâm lý rất đặc biệt của nhà đầu cơ và đầu tư mà Keynes gọi là “tình yêu tiền bạc”. Theo Keynes, muốn thành công thì nhà đầu cơ phải nhìn nhận mối quan hệ giữa mình với cổ phiếu của mình như mối quan hệ giữa vợ và chồng, có nghĩa là phải có tầm nhìn dài hạn, không vội vàng hấp tấp, tình cảm và lý trí phải hài hòa.

Khác với Adam Smith tin vào khả năng điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường, Keynes nghi ngờ khả năng tự điều chỉnh và tự lành mạnh trở lại của thị trường. Keynes cho rằng, con người thích giữ tiền hơn là đầu tư vì lo ngại rủi ro, nhưng giữ tiền cũng là một dạng đầu cơ vào lãi suất, đầu tư giảm thì thất nghiệp sẽ tăng, thị trường tự nó không giải quyết được vấn đề này, vì thế phải cần đến vai trò của nhà nước. Nhà nước phải kích cầu, chấp nhận vay nợ và thâm hụt ngân sách để kích cầu. Thâm hụt ngân sách (deficit spending) là biệt hiệu học thuyết của Keynes và ngôn từ cửa miệng suốt một thời mà ngày nay lại được thực hiện ở không ít quốc gia. Keynes cho rằng, cá nhân có thể đầu cơ thì tại sao nhà nước lại không. Cá nhân đầu cơ để kiếm tiền, kết quả hoạt động đầu cơ của nhà nước hiện diện dưới những hình thức khác. Keynes cho rằng đầu cơ “vô hại như bong bóng trong dòng chảy kinh doanh liên tục” nhưng sẽ rất tai hại khi “kinh doanh trở thành bong bóng trong vòng xoáy của đầu cơ”.

Tại Hội nghị ở Bretton Woods, Keynes là trưởng đoàn đàm phán của Anh và đã đưa ra một kế hoạch tổng thể về trật tự tài chính và tiền tệ thế giới, kiến nghị sử dụng đồng tiền chủ đạo trên thế giới bao gồm một “rổ nhiều đồng tiền khác nhau” với tên gọi là Bancor, nhưng bị Mỹ lấn lướt và giành giật vai trò ấy cho đồng USD. 65 năm sau, nhân tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc và Nga dẫn đầu một số nước lên tiếng đòi có đồng tiền chủ đạo mới trên thế giới thay thế đồng USD. John Maynard Keynes lại được nhắc tới, lại được trích dẫn và sử dụng như một chiếc “túi khôn” trong thời khốn khó.

Cả khi ấy, việc John Maynard Keynes đã từng là nhà đầu cơ thành đạt cũng không được nhắc tới. Đúng là Keynes nổi tiếng hơn nhờ học thuyết kinh tế của mình, nhưng học thuyết ấy thật ra là kết quả của quá trình đi từ thực tiễn đến lý luận qua các hoạt động đầu cơ của chính ông.

(Theo Bắc Hà/dddn)

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ
  • George Box và hành trình đến khoa học thống kê
  • John Mackey: nhà quản lí vĩ đại?
  • Học hỏi từ mọi người
  • Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com