Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hướng tới một xã hội kết nối

Ứng dụng di động trên băng thông rộng không chỉ hướng đến người có thu nhập cao mà phải hướng đến mọi người trong xã hội thì cơ hội thành công càng cao. Ảnh: Thu Hiền.

Việc phát triển các dịch vụ trên nền mạng 3G đòi hỏi một hệ sinh thái đủ mạnh, từ sự ứng xử thị trường của nhà cung cấp hạ tầng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ nội dung cho đến tính kết nối đa dạng nhằm tận dụng lợi ích của cộng đồng để phát triển băng thông rộng di động.

Chia sẻ tại cuộc hội thảo Vietnam Telecomp 2010, ông Erwann Thomassain, người phụ trách kinh doanh khu vực châu Á- Thái Bình Dương của hãng Amdocs, cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam đã đầu tư lớn vào mạng 3G – công nghệ mới cho phép cung cấp cho khách hàng dịch vụ đa dạng từ video, duyệt web, chơi game..., bên cạnh dịch vụ thoại cơ bản.

Với 117 triệu khách thuê bao di động và 70% dân số ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam là một thị trường lý tưởng để khai thác ưu thế của công nghệ 3G và dịch vụ Internet di động. Như vậy, việc triển khai Internet di động cũng dễ dàng hơn so với các dịch vụ băng thông rộng cố định tại các khu vực nông thôn chiếm đến 70% dân số Việt Nam.

Ứng xử của nhà mạng

Theo hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Frost & Sullivan, sự tăng trưởng doanh thu của các mạng viễn thông tại Đông Nam Á nói chung được quyết định bởi các dịch vụ dữ liệu từ mạng 3G. Các dịch vụ thoại và nhắn tin truyền thống không còn tạo ra được mức độ tăng trưởng doanh thu lớn như trước. Như vậy, thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ là ở mối tương quan giữa việc triển khai các mạng 3G rất đắt đỏ với doanh thu trung bình trên mỗi số thuê bao (ARPU) ở mức thấp. Kinh nghiệm cho thấy, để thành công họ cần cung cấp cho khách hàng khả năng truy cập tốt hơn và sử dụng dung lượng 3G cho các dịch vụ tiện ích hơn. Song song đó là tiếp cận những khu vực xa xôi chưa được thụ hưởng các dịch vụ viễn thông để nâng cao nhận thức, sau đó kích thích sử dụng dữ liệu và khách hàng được hưởng những chương trình linh hoạt mà không phải cam kết dài hạn.

Các chiến lược 3G là cung cấp truy cập tốt hơn ở các phân đoạn thị trường mục tiêu cùng với định hướng tăng trưởng dữ liệu. Quan niệm 3G không phải là tất cả cho những người thích ứng đầu tiên và những khách hàng giá trị cao, vì thế các dịch vụ thế hệ mới phát triển trên phạm vi rộng và có mức phí linh hoạt.

Theo kinh nghiệm của Amdocs khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng, ví dụ mạng XL Axiata tại Indonesia đã nâng cao doanh thu dịch vụ dữ liệu tới 270% trong năm ngoái nhờ những gói cước sáng tạo. Công ty đã giới thiệu các dịch vụ thông minh trên mạng 3G cùng với các gói cước có thể được tiếp cận dễ dàng và khách hàng có thể thay đổi liên tục qua cổng thông tin trên điện thoại của họ.

Ông Thomassain cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông còn tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền 3G như tin tức và giải trí, các môi trường mạng xã hội, hoặc như dịch vụ bảo vệ nhà riêng bằng các webcam chạy trên mạng 3G cho phép các khách thuê bao giám sát nhà riêng của mình từ xa. “Yếu tố mấu chốt để thành công là các nhà cung cấp làm cho nội dung trở nên phù hợp với khách hàng của mình, bảo đảm một trải nghiệm hấp dẫn ở tất cả các kênh tương tác, gắn kết với các môi trường mạng xã hội và hợp tác với các đối tác trong các mô hình kinh doanh mới”.

Hệ sinh thái mới

Đã hơn một năm mạng 3G hoạt động nhưng số lượng ứng dụng di động cho 3G hiện vẫn còn rất nghèo nàn, rất ít dịch vụ đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người sử dụng. Các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone, S-Fone, Viettel đều công bố cung cấp hàng chục dịch vụ nhưng việc hưởng ứng của người tiêu dùng là không dễ. Đa số các dịch vụ vẫn đang chạy trên nền 2G trong khi các dịch vụ cao cấp vốn là lợi thế của mạng 3G cũng khó phát triển doanh thu trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Thiện Bàng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ viễn thông (VinaPhone) khu vực II, điều kiện của Việt Nam chưa phù hợp với việc phát triển một số ứng dụng di động cao cấp khai thác mạng 3G, chẳng hạn dịch vụ thanh toán điện tử chịu hạn chế bởi việc sử dụng tiền mặt còn phổ biến.Theo ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, những năm qua dịch vụ 3G phát triển chậm do thiết bị đầu cuối 3G giá còn cao, trong khi các ứng dụng và dịch vụ nội dung còn nghèo nàn. Các nhà mạng 3G đang nỗ lực khai thác hết năng lực công nghệ và tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế vì rõ ràng năng lực của 3G còn chưa khai thác hết. Theo ông Trí, trong xu hướng này, thời gian qua Qualcomm đã làm việc với một số hãng sản xuất điện thoại, các nhà mạng và ngay trong năm tới trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều dòng điện thoại 3G có mức giá từ 1-2 triệu đồng/chiếc, giá các dòng máy màn hình cảm ứng cũng giảm xuống trên dưới 3 triệu đồng. Thêm nữa, giá USB 3G tiếp tục giảm sẽ thúc đẩy dịch vụ dữ liệu 3G tăng.

Với mức tăng trưởng số thuê bao của năm 2009, cứ 100 khách thuê bao di động mới thì có 40 khách thuê bao 3G, thì đến năm 2014, thế giới có khoảng 2,8 tỷ số thuê bao 3G so với mức 1 tỷ hiện nay. Và cũng theo Qualcomm, giai đoạn 2009-2014 khu vực châu Á có Philippines, Indonesia và Việt Nam là ba quốc gia có mức tăng trưởng số thuê bao 3G nhanh nhất, khoảng 400%. Dự báo từ năm 2011 sẽ có hơn 50% thiết bị 3G trên thị trường được nhập khẩu vào các thị trường mới nổi nhờ dân số đông nên nhu cầu tăng nhanh. Đến cuối năm nay, số thuê bao băng thông rộng không dây được dự báo sẽ vượt số thuê bao băng thông rộng có dây ở Việt Nam cũng như trên thế giới. “Như vậy một hệ sinh thái cho 3G phát triển mạnh sắp diễn ra như một bước phát triển tất yếu của thị trường. Một sự bùng nổ về 3G sẽ diễn ra trong năm 2011”.

Các chuyên gia tại cuộc hội nghị chuyên đề tối ưu hóa mạng lưới và dịch vụ cũng cho rằng băng thông rộng phát triển phải gắn kết với các chương trình cộng đồng. Như vậy quan niệm về băng thông rộng di động hướng đến không chỉ những người có thu nhập cao, mà còn đến mọi người trong xã hội. Ví dụ, lưu lượng băng thông rộng di động tại Indonesia cũng tăng trưởng tới 222% và tại Nam Mỹ hơn 50%. Các cuộc phân tích thị trường cho thấy hệ sinh thái này phát triển nhưng lại đến từ người sử dụng cá nhân, trong đó người dùng điện thoại thông minh chiếm đến 80%. Bên cạnh đó các dịch vụ nội dung từ nhà cung cấp thứ ba góp phần quan trọng như mạng xã hội, mạng chia sẻ video, các kho ứng dụng di động như Apps Store, Android... tạo nên môi trường hữu ích gia tăng số thuê bao 3G cũng như tận dụng lưu lượng băng thông rộng di động.

Đa dạng kết nối

Kinh nghiệm của Facebook cho thấy việc kết nối nhằm tạo ra cộng đồng tiêu dùng dịch vụ nội dung và dữ liệu, phát huy được thế mạnh của băng thông rộng và tạo được các lợi ích xã hội, qua đó tạo ra doanh thu. Theo ông Javier Olivan, Giám đốc quan hệ quốc tế của Facebook, khi tạo ra nhiều dịch vụ để kết nối người sử dụng, hệ thống ứng dụng phát triển nhanh, ví dụ từ vài chục ngàn người kết nối, trong ba năm qua Facebook có 500 triệu người sử dụng hằng tháng trên web và 200 triệu người sử dụng qua điện thoại di động. “Địa phương hóa và cá nhân hóa dịch vụ là bài học thành công khi phát triển ở bất kỳ thị trường nào. Sự thành công đó nhờ vào sự liên kết tất cả mọi người ở mọi lĩnh vực. Đây là một hướng đi mà các nhà cung cấp băng thông rộng nên học hỏi khi phát triển các dịch vụ”.

Hướng tới một xã hội kết nối là phương thức mang lại nhiều lợi ích cho các ngành công nghiệp mũi nhọn. Một khi đầu tư cho các dịch vụ xã hội thì sẽ tạo doanh thu lớn và cả xã hội cũng được hưởng lợi. Ông Deniss Brunetti, Phó giám đốc Ericsson Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm rằng khi Ericsson cung cấp dịch vụ sức khỏe tại nhà ở Hà Lan và Tây Ban Nha thông qua việc dùng băng thông rộng để kết nối giữa bác sĩ và người dân, cung cấp các ứng dụng để tối ưu hóa công việc, bệnh án điện tử, các ứng dụng hướng dẫn bệnh nhân chữa bệnh..., thì số người nhập viện đã giảm 60% và chi phí dịch vụ cũng giảm 40%. Một hệ thống giao thông thông minh kết nối bằng băng thông rộng được thử nghiệm cũng đem lại hiệu quả cao cho xã hội, giảm 25% mức tiêu thụ nhiên liệu, giảm lượng khí thải CO2 và 25% phương tiện đi lại…

Các chuyên gia cũng cho rằng băng thông rộng di động không chỉ hướng đến những người có thu nhập cao, mà phải hướng đến mọi người trong xã hội. Nhiều mạng viễn thông trên thế giới tăng trưởng nhanh về số thuê bao lẫn doanh thu từ băng thông rộng di động nhờ phát triển dịch vụ ứng dụng ở tất cả các lĩnh vực và mở rộng ra toàn xã hội. Ví dụ như việc kích hoạt các dịch vụ y tế ở Trung Quốc hay kích hoạt dịch vụ giáo dục ở Indonesia đều chú trọng vào thị trường nông thôn. Ấn Độ cũng dùng 3G để đưa các dịch vụ đến vùng nông thôn... Với những cách làm này, việc tăng trưởng số thuê bao băng thông rộng di động và doanh thu tăng lên đã chứng minh cho sự thành công của các nhà cung cấp. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Kê toa thuốc thời công nghệ cao
  • 10 mạng xã hội không lo “đụng hàng”
  • Tên miền .vn nguy hiểm nhất thế giới?
  • Mất an toàn thông tin cho doanh nghiệp đang tăng
  • Công thức “bí ẩn” của siêu máy tính Trung Quốc
  • Sôi động thị trường microchip tiết kiệm điện
  • Máy bay Trung Quốc sẽ chặn mưa trong tuần tới
  • DN phần mềm: Chưa thể làm ăn lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com