Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cách thức giảm rủi ro

Một doanh nghiệp dệt may khá có tiếng trên thị trường, có doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận 7 tỷ đồng trong một năm, nhưng tồn kho hàng nội địa lên tới 70 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác, kể từ tháng 11/2008 gặp rất nhiều khó khăn vì không tiêu thụ được hàng hóa, buộc phải áp dụng biện pháp bán hàng trả chậm để giữ khách hàng, nhưng nguyên vật liệu sản xuất lại phải nhập khẩu, không thể trả chậm, nên phải thế chấp nhà xưởng, vay nợ ngân hàng để thanh toán cho đối tác.

ở cả hai doanh nghiệp trên, theo ông Trần Ngọc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Chuyển giao công nghệ quản lý (CTMT, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE), dòng tiền đều “có vấn đề”. Nếu dòng tiền không được quản lý tốt, rất có thể, đến một lúc nào đó, doanh nghiệp thứ nhất phải trả lương công nhân bằng sản phẩm, còn ở doanh nghiệp thứ hai, nguy cơ lớn nhất là không có khả năng trả nợ.

Bối cảnh khó khăn hiện nay càng đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý tốt dòng tiền của mình. Cách đây chưa lâu, khi sang Việt Nam nói chuyện về chiến lược kinh doanh dành cho doanh nghiệp Việt Nam trong và sau suy thoái, GS.

John Behzad, chuyên gia tài chính, quản trị của Trường đại học California State University (Mỹ) đã khẳng định rằng, vấn đề các doanh nghiệp phải đối mặt lúc này chính là quản lý dòng tiền. Bởi lẽ, dù doanh nghiệp có nhiều tài sản, giá trị công ty cũng rất lớn, nhưng hàng không bán được, nợ khách hàng chưa thanh toán…, thì cũng không có tiền mặt để trang trải các chi phí hàng ngày.

Tại Hội thảo về quản lý dòng tiền, được CTMT tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, các diễn giả tham gia Hội thảo cũng đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp phải điều chỉnh các hoạt động sao cho luôn có dòng tiền dương, luôn có khả năng thanh toán. Các biện pháp có thể được áp dụng là thay đổi kế hoạch chi trả cho nhà cung cấp, tăng cường đòi nợ, thậm chí điều chỉnh tiến độ đầu tư các dự án nghiên cứu, xây dựng cơ bản…

Cũng theo các chuyên gia, khi xây dựng kế hoạch dòng tiền, các doanh nghiệp phải tính tới các yếu tố rủi ro, như biến động về tỷ giá, lãi suất; khách hàng, nhà cung cấp gặp khó khăn, buộc doanh nghiệp phải thay đổi phương thức thanh toán; bản thân ngân hàng, nơi doanh nghiệp gửi tiền gặp khó khăn, khách hàng, nhà cung cấp bị phá sản…

“Cần dự báo sát thực tế và các kế hoạch phải luôn được cập nhật”, ông Trung nói và cho rằng, trong khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp càng cần phải tính toán để có và sử dụng tiền hiệu quả.

Các cách thức để gia tăng tiền mặt và tăng nhanh tốc độ thu về, đồng thời gia tăng giá trị hoạt động của doanh nghiệp có thể được tính tới là chia nhỏ lô hàng nhập khẩu, giảm hàng tồn kho cả đầu vào, đầu ra, giảm sản phẩm dở dang trên dây truyền và giảm thời gian từ khi nhận đơn hàng tới khi giao hàng, thu tiền. Cùng với đó là các biện pháp như áp dụng chính sách tín dụng bán hàng hợp lý, lựa chọn ngân hàng tin cậy để hợp tác, tiết kiệm chi phí…

“Doanh nghiệp còn phải tính toán tới việc cân đối giữa hàng hóa xuất khẩu và thị trường nội địa, cắt giảm các hoạt động đầu tư chưa cấp bách và tập trung vào các hoạt động sống còn”, một chuyên gia khẳng định và cho rằng, đồng thời, doanh nghiệp phải tối thiểu hóa các rủi ro do lạm phát, tỷ giá biến động đem lại… Biện pháp cần thiết khác là tái cơ cấu DN.

Năm ngoái, biện pháp cắt giảm các hoạt động đầu tư chưa cấp bách đã được rất nhiều doanh nghiệp, trong có cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thực hiện. Còn vào thời điểm này, việc tái cơ cấu lại doanh nghiệp là điều mà nhiều doanh nghiệp cũng đang tính tới, thậm chí được coi là một trong những biện pháp cơ bản để “vượt bão” và mạnh lên sau “bão”.

Quản lý dòng tiền có thể chỉ là một khía cạnh của quản trị doanh nghiệp, song lại là một biện pháp cực kỳ quan trọng. Một chuyên gia kinh tế đã từng khẳng định, quản trị dòng tiền là để ngăn ngừa "cái chết bất ngờ", hoặc cũng tránh được sự sụt giảm hoặc đánh mất uy tín doanh nghiệp do mất khả năng thanh toán, dẫn đến phải trì hoãn chi trả hoặc khất nợ nhiều lần.
 

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Đau đầu vì M&A
  • Cách thức giảm rủi ro
  • Không phải trả tiền! Vì sao 0 đô la là tương lai của ngành kinh doanh (Phần cuối)
  • Ra quyết định kinh doanh mạo hiểm
  • MBA thế kỷ 21 (Phần đầu)
  • Không phải trả tiền! Vì sao 0 đô la là tương lai của ngành kinh doanh (Phần đầu)
  • Chuyện ngoài lề
  • Hai mặt trong kinh doanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com