“Anh có biết Paul Krugman là ai?” - ông B, một người bạn và là nhà nghiên cứu hay tò mò, hỏi tôi. “Ai chẳng biết ông ấy là giáo sư kinh tế Mỹ, người mới đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, nổi tiếng vì đã cảnh báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay từ vài năm trước. Ổng vừa mới sang thuyết trình về giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tại TPHCM” - tôi trả lời.
“Đúng, nhưng chưa đủ” - ông B nói - “phải nói thêm rằng ông ấy cũng là một người Do Thái!”.
“Như thế thì có gì là đặc biệt chứ?” - tôi thắc mắc.
Ông B giải thích: “Nếu ông ta là người Do Thái đầu tiên và duy nhất đoạt giải Nobel kinh tế thì đối với nhiều người cũng đã là điều đặc biệt rồi, đằng này ông là người Do Thái thứ 24 đoạt giải Nobel kinh tế, kể từ khi giải tưởng niệm Nobel cho ngành “khoa học thứ sáu” này bắt đầu được trao hàng năm kể từ năm 1969 đến nay.
Trước Krugman, đã có 23 người Do Thái khác, trong đó một người mang quốc tịch Israel và 22 người còn lại mang quốc tịch nước khác, chủ yếu là quốc tịch Mỹ, như Paul Samuelson, Milton Friedman, Joseph Stiglitz... đã được trao giải thưởng cao quý này. Tôi hỏi anh, có dân tộc nào khác trên thế giới đoạt được nhiều giải thưởng Nobel kinh tế như vậy?
Mà không phải chỉ có giải thưởng Nobel kinh tế đâu nhé, người Do Thái còn đoạt được rất nhiều giải thưởng Nobel về các lĩnh vực khác, như vật lý, hóa học, y học, trong đó có những nhà vật lý thiên tài như Albert Einstein, Niels Bohr, Edward Teller... Tổng cộng, số giải thưởng Nobel mà người Do Thái đạt được đến nay là 127, trong tổng số khoảng 700 giải Nobel các loại đã được trao kể từ khi giải này ra đời năm 1902, tức chiếm khoảng 18% tổng số.
Anh thử nghĩ xem dân tộc Do Thái chỉ có 12 triệu người, chiếm 0,2% dân số thế giới, mà họ đã đoạt được xấp xỉ một phần năm tổng số giải thưởng Nobel của cả thế giới thì điều đó chẳng phải là đặc biệt hay sao?”.
“Hơn nữa, trong lĩnh vực kinh tế, ngoài những người đoạt giải Nobel kinh tế kể trên, còn có rất nhiều nhà kinh tế, tài chính và doanh nhân nổi tiếng thế giới khác cũng là người Do Thái. Tôi chỉ xin điểm một vài nhân vật chính, như George Soros, ông trùm đầu cơ tài chính; Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ; Steve Ballmer, Giám đốc tài chính của Microsoft; Michael Dell, ông chủ của hãng Dell Computer... hay Nouriel Roubini, nhà kinh tế đang mới nổi như cồn sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, đều là những người Do Thái hoặc gốc Do Thái đã và đang có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới”.
Tôi vặn lại: “Tôi thừa nhận dân tộc Do Thái đúng là một dân tộc rất thông minh, sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và học thuật, điều đó thì tôi đã nghe người ta nói đến nhiều và đã nghe nói từ lâu, nhưng việc anh nhắc lại việc này là có ý gì?”.
Ông B trả lời: “Tôi muốn dân Việt mình sẽ xuất hiện những người tài kiệt xuất để trong tương lai, trong danh sách những người được giải thưởng Nobel khoa học hoặc kinh tế cũng có người Việt hoặc người gốc Việt, không dám nghĩ đến số lượng đông đảo bằng người Do Thái dù dân số mình gấp bảy lần của họ, và cũng có 3 triệu người Việt đang sống bôn ba khắp nơi trên thế giới chẳng khác người Do Thái. Hy vọng dân mình rồi cũng sẽ có người trở thành nhà khoa học hoặc nhà kinh tế được thế giới nể phục, chẳng lẽ đó là điều không thể có đối với dân Việt, dù là trong thời nay hay mãi mãi về sau?”.
Tôi nói: “Dân mình cũng thông minh, lanh lợi có kém ai đâu? Trong dịp đi thăm một số nước có đông đảo cộng đồng người Việt đang sinh sống, tôi có nghe họ kháo theo kiểu nói quá nhau thế này: Về khoản thông minh, lanh lợi thì “3 người bản xứ mới bằng một người Do Thái, trong khi 3 người Do Thái mới bằng một người Việt!”.
Ông B tiếp lời: “Anh trích dẫn còn thiếu một vế cuối cùng: nhưng 3 người Việt cộng lại không bằng một người Do Thái!”, nghe có vẻ nghịch lý, nhưng ý họ muốn nói về những nhược điểm trong thực tế của người Việt mình như là lười suy nghĩ, thiếu trí tưởng tượng và sự tập trung lâu dài, sĩ diện nhưng hay đổ lỗi cho khách quan, thiếu sự đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau. Ví dụ, trong giới kinh tế, khoa học thì hay thích “ăn mảnh”, chẳng ai chịu ai, khó hợp tác với nhau, khi có thành tích thì ai cũng muốn tranh phần, nhưng khi gặp thất bại thì đổ lỗi cho khách quan (do chiến tranh, do cơ chế, do người khác...) chứ ít khi thực sự thừa nhận lỗi do chính bản thân mình. Chừng nào còn chưa sửa được những nhược điểm này thì dân mình còn khó tiến xa”.
(Theo Vũ Tiến Phúc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com