Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển giao quyền lực tại FPT đã thất bại?

Những bất đồng của Trương Đình Anh với HĐQT mà đại diện chính là ông Trương Gia Bình cho thấy cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo kế tiếp tại FPT vẫn còn nhiều rào cản.

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng ông Trương Đình Anh đã từ nhiệm vị trí Tổng Giám Đốc tập đoàn FPT sau gần 20 tháng đảm nhận vị trí này.

Thông báo từ FPT chiều ngày 26/9 cho biết, ông Trương Đình Anh xin từ nhiệm vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và Hội Đồng Quản trị (HĐQT).

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT FPT, một lần nữa quay trở lại vị trí Tổng Giám Đốc tập đoàn này từ ngày 26/9. Việc kiêm nhiệm của ông Bình sẽ phải được ĐHCĐ của FPT phê chuẩn vào đầu năm 2013.

Tin ông Trương Đình Anh từ nhiệm đã dấy lên khi cách đây không lâu vị CEO của FPT “bỗng dưng” nghỉ phép vì lý do cá nhân trong 2 tháng. Đây là 1 điều không bình thường, nhất là ở cương vị CEO.

6 tháng đầu năm nay FPT chỉ đạt 40% kế hoạch lợi nhuận và mới đây đã xin giảm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm xuống 15%.

Quay trở lại 2 năm trước, ông Trương Đình Anh đã được lựa chọn để thay thế ông Nguyễn Thành Nam theo một lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo đã được FPT “quy hoạch”.

Trong một bài trả lời phóng vấn trên An Ninh Thủ Đô khi đó, ông Trương Gia Bình tiết lộ: “Chúng tôi đã có kế hoạch rõ ràng đối với việc chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo thứ hai, thứ ba của FPT. Đối với thế hệ lãnh đạo thứ hai, đó là những nhóm lãnh đạo có cấp level 6-7, sinh năm xung quanh năm 1970. Và chúng tôi mong muốn sẽ chọn ra người ưu tú nhất trong nhóm đó. Hiện Tập đoàn FPT cũng có lộ trình quy hoạch cán bộ cho lãnh đạo thế hệ thứ ba của Tập đoàn, sinh năm từ 1975-1985”. 

Việc chuyển giao quyền lực vị trí CEO từ ông Trương Gia Bình xuống ông Nguyễn Thành Nam trước đó được coi là chuyển giao cho thế hệ 1 rưỡi. Rồi từ ông Nam xuống ông Đình Anh là thế hệ lãnh đạo thứ 2. Mọi việc có vẻ đã diễn ra theo đúng lộ trình chuyển giao quyền lực mà FPT đã "lập trình".

Ông Trương Đình Anh sinh năm 1970, đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ 2 còn trẻ và đầy tham vọng, đã từng nói ước mơ trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và tới năm 40 tuổi trở thành Thủ tướng.

Những tố chất của một lãnh đạo có cá tính mạnh mẽ, thực dụng, tập trung vào tính hiệu quả kinh doanh và thành công vang dội tại FPT Telecom trước đó đã giúp Trương Đình Anh được lựa chọn ngồi vào vị trí điều hành cao nhất của tập đoàn FPT.

Ông Trương Đình Anh được kỳ vọng là người sẽ đưa FPT lọt vào danh sách Top 500 trong Forbes Global 2000 và thực hiện với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 lần trong 4 năm (2011- 2014) của FPT.

Ông Trương Đình Anh đã từ nhiệm vị trí CEO sau gần 20 tháng

Khi nhậm chức, ông Trương Đình Anh tuyên bố sẽ không bao giờ từ chức CEO chỉ khi nào HĐQT yêu cầu. 

Vì thế người ta đoán rằng việc ông Trương Đình Anh xin từ nhiệm hôm nay có thể được xem là ‘một quyết định không thể có lựa chọn khác’.

Như vậy, sau khi nắm giữ chức vụ CEO FPT hơn 20 năm, chuyển giao qua 2 đời CEO, nay ông Trương Gia Bình lại trở lại ngồi chiếc ghế nóng CEO ở tuổi 56. 

Công cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại FPT lại quay lại vị trí xuất phát điểm ! 

Còn với những ai quan tâm đến FPT, đến Trương Đình Anh, có lẽ câu hỏi lớn lúc này là tương lai của vị cựu Tổng Giám Đốc này tiếp theo sẽ ra sao. Mặc dù thông báo của FPT hôm nay cho biết, ông Trương Đình Anh sẽ vẫn đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT, HĐ Sáng Lập của tập đoàn và tại các công ty thành viên.

An Huy

Theo TTVN

  • Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản thoát khỏi phá sản như thế nào?
  • Tại sao David Thái bán Highlands Coffee?
  • 2,5 tỷ USD đã đổ vào Việt Nam qua hoạt động M&A
  • Rao bán doanh nghiệp Việt: Tỷ “đô” có dễ?
  • 10 vụ kiện đáng nhớ nhằm vào Apple
  • Công nghiệp sáng tạo: Vỉa vàng của Anh
  • “Bí mật” 11 tỷ USD của hãng bán lẻ nội thất số 1 thế giới
  • Đại cổ đông Facebook lỗ nặng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com