Môi trường pháp lý là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng tới quản trị doanh nghiệp. Đáng tiếc là môi trường pháp lý ở nước ta hiện nay chưa tạo ra động lực để các doanh nghiệp quan tâm đến việc quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Chưa tạo ra động lực
Doanh nghiệp sinh ra là để kinh doanh và săn tìm lợi nhuận. Và để đạt được mục đích đó, các doanh nghiệp có thể thực hiện một trong ba cách sau đây: 1. gian lận thuế, trốn tránh các nghĩa vụ đối với người lao động và bảo vệ môi trường để thu được lợi nhuận nhiều hơn; 2. liên kết và hoạt động dưới sự bảo kê của các nhóm quyền lực để thu được siêu lợi nhuận; 3. nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm… để có lợi nhuận cao hơn.
Trong ba cách trên, cách thứ ba phức tạp và đòi hỏi những điều kiện khắt khe hơn, thời gian dài hơi hơn. Vì vậy, chỉ khi nào môi trường pháp lý không cho phép hoặc bản thân chủ doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng cách thứ nhất và thứ hai, họ mới tìm đến cách thứ ba. Đáng tiếc là môi trường pháp lý ở nước ta hiện nay đã và đang tạo điều kiện cho không ít doanh nghiệp áp dụng cách thứ nhất và thứ hai. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta rất đồ sộ nhưng thiếu thống nhất, rất dễ bị vô hiệu bằng những văn bản dưới luật.
Dấu ấn của cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu, bao cấp trước đây vẫn còn rất nặng nề trong mối quan hệ giữa cơ quan công quyền thuộc bộ máy nhà nước. Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa thực sự là “nhà nước dịch vụ” với nhiệm vụ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp những dịch vụ công thuận tiện nhất.
Ngược lại, các cơ quan công quyền vẫn chủ yếu thực hiện công việc của mình với tư cách của một “nhà nước cai trị”. Điều đó thể hiện ở hệ thống khổng lồ những thủ tục hành chính, giấy phép con vô lý… gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và đời sống của người dân.
Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã cho thấy với 258 thủ tục được ưu tiên cắt giảm trong đợt đầu, người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 30.000 tỉ đồng/năm.
Song, con số đó mới chỉ là “đếm cua trong lỗ”. Hệ thống các thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà và thiếu tính khả thi đã buộc doanh nghiệp phải đối phó bằng nhiều cách để được việc. Và, tất nhiên, những “bài đối phó” đó không bao giờ trở thành chuẩn mực của quản trị doanh nghiệp tiên tiến.
Tham nhũng - một trong những kẻ thù của việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp - vẫn đang là quốc nạn của nước ta. Tham nhũng là vật cản vô cùng lớn đối với việc thiết lập một hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, tham nhũng sẽ thủ tiêu sự công khai, minh bạch; làm rối loạn hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp; tham nhũng cũng “cạnh tranh” với các nhà tư vấn - vốn được coi là “bác sĩ của doanh nghiệp”… Chính vì vậy, việc cải tiến, áp dụng những biện pháp cần thiết để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp là một thách thức lớn.
Cần làm gì?
Trong phạm vi đánh giá tác động của hai yếu tố thể chế kinh tế và môi trường pháp lý đến quản trị doanh nghiệp, xin có một vài kiến nghị. Trước tiên cần nhanh chóng thực hiện chủ trương cổ phần hóa để giảm đến mức thấp nhất số lượng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đây là vấn đề quan trọng nhất để chuyển một phần lớn các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước - vốn không thật sự quan tâm đến quản trị doanh nghiệp - thành những doanh nghiệp quan tâm và đầu tư cho công tác quản trị doanh nghiệp.
Tiếp đến, cần xem lại quan điểm “doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo” của nền kinh tế bởi điều đó đã tạo ra những biệt lệ và sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Khi có sự bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh thì kinh tế tư nhân sẽ thực sự được coi trọng và phát triển. Với một môi trường thông thoáng và minh bạch, quản trị doanh nghiệp sẽ được các doanh nghiệp thực sự quan tâm.
Thứ ba, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi những nội dung không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được “chỉ đích danh” trong kết quả bước đầu của Đề án 30. Vấn đề quan trong hơn cả trong nội dung này là đảm bảo chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành.
Cuối cùng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Đây là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt, lâu dài và gian khó. Việc cần làm trước hết là tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đã có hiệu lực từ năm năm qua. Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Chỉ khi đó, công tác quản trị mới được các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư đúng mức.
_____________________________________________________
(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com