Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siết chặt tiêu chuẩn chọn lãnh đạo tập đoàn Nhà nước

Dự thảo quy chế về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, quản lý, điều hành tại tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước vừa được gửi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Văn bản này sẽ được ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ quản lý, điều hành tại tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước.
 
Theo dự thảo, những diện đối tượng không được lựa chọn giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp bao gồm: người đã làm chủ tịch hội đồng quản trị, ủy viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, kế toán trưởng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giám đốc công ty Nhà nước nhưng vi phạm đến mức bị cách chức, miễn nhiệm; hoặc để doanh nghiệp lâm vào tình trạng lỗ hai năm liên tiếp; hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đầu tư hai năm liên tiếp; hoặc ở trong tình trạng lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được…
 
Với những trường trường hợp không trung thực trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty, công ty… cũng không được lựa chọn làm quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Về phần tiêu chuẩn chung đối với cán bộ quản lý, dự thảo quy định rõ: bên cạnh việc có đủ sức khỏe, có kinh nghiệm và trình độ quản lý, cán bộ quản lý phải có đủ trình độ ngoại ngữ và tin học… Riêng với tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng thành viên, dự thảo quy định, người giữ chức vụ này phải có trình độ đại học trở lên, có năng lực, đã kinh qua các chức vụ quản lý điều hành tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty Nhà nước ít nhất 5 năm, với hội đồng thành viên thời gian này là 3 năm. Để được bổ nhiệm làm giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước, người được bổ nhiệm phải đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển vào những chức danh này do cấp có thẩm quyền tổ chức.

Liên quan đến việc lựa chọn lãnh đạo cho các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Theo đó, thời hạn bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp không quá 5 năm, riêng đối với chức danh kiểm soát viên, thời hạn bổ nhiệm không quá 3 năm. Người quản lý doanh nghiệp được bổ nhiệm chức danh mới sẽ không được giữ chức danh đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm do cấp có thẩm quyền quyết định.

Dự thảo nêu rõ, người quản lý doanh nghiệp khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại hoặc không được bổ nhiệm chức vụ mới thì cấp nào có thẩm quyền bổ nhiệm phải có trách nhiệm bố trí công việc mới hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, dự thảo nêu rõ.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Làm sao lượng hóa hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước?
  • Để lỗ hai năm liên tiếp, có thể mất “ghế” lãnh đạo tập đoàn
  • Chu kỳ của sự tăng trưởng
  • Làm việc tại nhà
  • 6 công ty có môi trường làm việc đáng mơ ước nhất
  • Những vị "khách du lịch" trong quản lý
  • “Nhà hòa giải” trong doanh nghiệp: Anh hùng hay nạn nhân?
  • Đổi mới doanh nghiệp: Những sai lầm điển hình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com