Có nhiều vấn đề đang kìm hãm sự phát triển của Ấn Độ trong trung và dài hạn, bao gồm hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe tồi tàn, nguồn cung năng lượng không hiệu quả, sự hà khắc của bộ luật lao động cùng quy trình cấp phép kinh doanh nhiêu khê…
Trong khi chính phủ còn đang loay hoay thực hiện cái gọi là "chấn chỉnh" những vấn đề kinh tế xã hội của đất nước theo trình tự từ trên xuống thì một số doanh nhân Ấn Độ cảm thấy không thể chần chừ hơn đã tự làm theo cách riêng và tạo ra một hệ thống an sinh xã hội mới để đưa các dịch vụ và hàng hóa công cộng đến với những nơi chính phủ chưa thể vươn tới.
Một trong số những doanh nhân đó là CEO của SELCO - ông Harish Handle. Harish dành học hàm giáo sư tại Mỹ và thành lập một doanh nghiệp cung cấp năng lượng mặt trời vào năm 1995 - 15 năm sau ngày chính phủ Ấn Độ tuyên bố "Kế hoạch hành động quốc gia về năng lượng mặt trời". Trong khi chính phủ vẫn bàn tới bàn lui về cách thức triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên diện rộng thì SELCO đã đưa dịch vụ tới hàng trăm người Ấn Độ lao động trong những ngành nghề giản đơn nhất - những người lao động cần có điện ở mức giá phải chăng để phục vụ cho cuộc mưu sinh hàng ngày - ở nhiều vùng nông thôn và thành thị Ấn Độ chưa có hệ thống chiếu sáng hoàn chỉnh.
Harish tin rằng chính phủ Ấn Độ và những tập đoàn năng lượng lớn đều không thể hiểu được điều mà 600 triệu người nghèo Ấn Độ thực sự cần là một cơ sở tổt để phát triển kinh tế gia đình. Thứ năng lượng họ kiếm tìm là một phương tiện cho cuộc mưu sinh của mình chứ không phải là năng lượng đơn thuần. Hiểu được điều này, mô hình kinh doanh "cung cấp năng lượng theo giờ" của SELCO đã ra đời trên nhận định rằng những người dân thành thị nghèo khó và người dân ở các vùng hẻo lánh cần nguồn năng lượng thực sự phù hợp và linh hoạt theo hoàn cảnh và khả năng tài chính của họ chứ không phải là giải pháp chung cho mọi người như những gì chính phủ đang theo đuổi.
Trong vòng một thập kỷ qua, SELCO đã tiêu thụ hơn 100.000 hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời vô cùng thân thiện với người sử dụng đến một số khu vực nông thôn Ấn Độ và kỳ vọng sẽ tiêu thụ gấp đôi số lượng đó trong vòng hai năm tới. Thành tích đáng khâm phục này của SELCO là lời phản biện đanh thép với những ai cho rằng mô hình kinh doanh của các doanh nhân hoạt động vì xã hội là không đáng kể. Thậm chí, cách làm đầy sáng tạo này của SELCO còn có thể thành công ở mọi xã hội từ xã hội phát triển cho tới đang phát triển.
Một ví dụ khác là câu chuyện về doanh nhân Brij Kothari. Không chờ đợi lời hứa chưa bao giờ được thực hiện của các chính trị gia Ấn Độ về cái gọi là "hàng nghìn trường học", Brij Kothari đang nỗ lực hết mình để góp phần đẩy lùi nạn mù chữ tại Ấn Độ (hơn 30% dân số Ấn Độ không biết đọc). Ông hiện là giám đốc của tổ chức PlanetRead - một tổ chức phi lợi nhuận do Brij sáng lập và lấy nguồn kinh phí hoạt động từ quỹ Google Foundation.
Nhận thấy rằng có hơn 500 triệu người dân Ấn Độ có thể tiếp cận các chương trình truyền hình nhưng tới 40% khán giả bị mù chữ và đều rất nghèo, PlanetRead đã sáng tạo ra công nghệ Same Language Subtitling (SLS - tạm dịch là công nghệ lồng phụ đề) để cải thiện khả năng đọc của các người lớn và trẻ em. Công nghệ này cho phép các nhà sản xuất chương trình lồng phụ đề vào các bài hát của Bollywood - các bài hát này sau đó sẽ được phát bằng tám thứ ngôn ngữ chính trên mạng lưới truyền hình quốc gia. Nhờ thế, khán giả nông thôn vừa có thể giải trí vừa có thể luyện kỹ năng đọc.
Nghiên cứu của Viện quản lý Ấn Độ - Ahmedabad (nơi Brij trước kia đã là giáo sư trợ giảng) chỉ ra rằng sau khi thường xuyên xem các chương trình sử dụng công nghệ SLS, tỷ lệ trẻ đọc thông thạo tăng lên 56% từ mức 25%. Chính nhờ đóng góp xuất sắc và giàu ý nghĩa này, Brij đã được Diễn đàn kinh tế thế giới trao giải Doanh nhân xã hội năm 2009.
Dù đã có sự đóng góp tích cực của những doanh nhân hết lòng vì xã hội như Harish và Brij nhưng với đội ngũ doanh nhân, Ấn Độ vẫn là một thị trường có cánh cửa hẹp do những quy định ngặt nghèo của chính phủ đã hạn chế nhiều quyền tiếp cận vốn và biến quy trình thành lập doanh nghiệp và tuyển dụng nhân viên thành một cơn ác mộng. Tất cả lý giải tại sao chi phí dành cho thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ lại lên tức mức cao phi lý là 70% tổng sản phẩm quốc dân (trong khi con số này của Trung Quốc chỉ là 8%).
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Ấn Độ 2009 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức, Chủ tịch Genpact - ông Pramod Bhasin - tổ chức hội thảo bàn về cách tái tổ chức môi trường kinh doanh cho doanh nhân để từ đó làm sống dậy trong mỗi doanh nhân Ấn Độ "bản năng sinh tồn" - theo như cách gọi của Thủ tướng Manmohan Singh.
Qua buổi hội thảo, những người tham luận đưa ra một số kiến nghị với chính phủ như thực hiện cơ chế một cửa để giảm bớt thủ tục hành chính khi thành lập doanh nghiêp cũng như thiết lập mạng lưới trí thức quốc gia để tạo môi trường cho những doanh nhân hoạt động vì xã hội như Harish và Brij chia sẻ các bí quyết kinh doanh và công nghệ cho các doanh nhân đầy hoài bão khác trên khắp đất nước.
(Theo Như Nguyệt//Navi Radjou//Tuần Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com