Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá & tham nhũng

Mới nghe thì vấn đề giá cả và tham nhũng có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng từ thực tế ở Việt Nam, xem ra hai vấn đề này tỷ lệ thuận: Tham nhũng càng lớn, thì giá thành sản phẩm dịch vụ, hàng hoá càng cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Lãnh đạo một công ty tư nhân chuyên làm dịch vụ vận tải biển tâm sự, để công việc được thuận buồm xuôi gió, khi ký các hợp đồng dịch vụ vận tải, công ty thường phải tính thêm khoảng 10% dùng cho chi phí “bôi trơn”.

Còn một ông chủ quán nhậu tại Hà Nội, cho biết để công việc kinh doanh không bị làm phiền, hằng tháng ông phải chi ít nhất vài loại gọi là “chi phí không chính thức” như: Chi cho công an phường (để việc để xe lấn chiếm vỉa hè chút cũng được bỏ qua), chi cho cán bộ vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường (để không bị kiểm tra chất lượng thực phẩm, đồ uống...), phòng cháy chữa cháy, thuế...

Nếu không chi hằng tháng, thì cứ dịp lễ, tết, thậm chí đến kỳ nghỉ, đi du lịch các đơn vị này đều chủ động liên hệ xin tiền hỗ trợ.

Tháng 4-2012, tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ tổ chức, đã công bố có tới hơn 50% doanh nghiệp (được khảo sát) coi việc đưa phong bì là “theo thông lệ chung”, 69% doanh nghiệp tự nhận là nạn nhân của tham nhũng và các khoản chi phí “bôi trơn” cho các cơ quan Nhà nước chiếm từ 1% đến 5% tổng chi phí hằng năm của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của VCCI năm 2010 cũng cho thấy, trên 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% doanh nghiệp chi trả “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu hợp đồng mua sắm của chính phủ…

Về nguyên tắc, doanh nghiệp làm ăn phải có lời, họ không thể bỏ tiền túi chi phí “bôi trơn”, mà tất cả đều được tính vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Khi “tiêu cực phí” ngày càng phổ biến, thì chi phí giá thành sản phẩm dịch vụ ngày càng tăng.

Điều này lý giải một phần câu chuyện của thị trường bất động sản, dù đóng băng nhưng mặt bằng giá chung giảm không nhiều. Chỉ một số doanh nghiệp phải bán tháo trả nợ, mới đành giảm giá mạnh, chấp nhận lỗ, còn những doanh nghiệp chưa bị “đẩy vào chân tường” chỉ hạ giá nhỏ giọt, bởi hạ nữa là lỗ vốn.

Không biết, trong những dự án đô thị, “tiêu cực phí” chiếm bao nhiều phần trăm?

Thời buổi kinh tế khó khăn, người dân đành hạn chế chi tiêu. Nên nhiều quán nhậu ở Hà Nội vắng hoe, nhưng hầu như chẳng quán nào chịu giảm giá.

Xi măng, sắt thép... cũng ế hàng, nhưng giảm giá không đáng kể. Dù nhiều ông chủ đứng bên bờ phá sản. Điều này chứng tỏ giá thành dịch vụ, sản phẩm của nền kinh tế ngày càng cao, khó cạnh tranh.

Từ thực tế trên, để thấy việc kéo giảm giá sản phẩm, dịch vụ ở Việt Nam, không chỉ liên quan đến chính sách vĩ mô, cung tiền hay vấn đề kiểm soát giá. Mà còn liên quan cả việc kiểm soát tham nhũng, tiêu cực.

  • Ít tiền, tăng lương hay cắt giảm nhân sự?
  • So găng 2 đại gia bia rượu Habeco - Sabeco
  • Bi kịch của CEO chứng khoán
  • Doanh nghiệp xã hội đang khát vốn
  • Thương hiệu và vài suy nghĩ bên lề
  • Thương hiệu thời trang Việt: Nỗ lực 'quẫy đạp' trên sân nhà
  • Kẽ hở của hợp đồng thương mại
  • DN phân phối bán lẻ nước ngoài: “Tọa sơn quan hổ đấu”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com