Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp xã hội đang khát vốn

Nhỏ, manh mún và vẫn chưa chính thức được công nhận, vì lẽ đó các doanh nghiệp xã hội đang rất bế tắc trong việc tiếp cận các nguồn vốn. 

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được coi là mô hình doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam. Ở thời điểm khởi nghiệp, các thành viên sáng lập của trường đã góp số vốn trên 300 triệu đồng. Mức cổ tức hàng năm được đại hội cổ đông thông qua và duy trì cho đến nay bằng "trung bình lãi suất huy động của 4 ngân hàng thương mại chính của Việt Nam cộng thêm 2%". Đến nay, sau 16 năm hoạt động, thu nhập hàng năm của trường đều được giữ lại để tái đầu tư mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất của trường. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp xã hội nào cũng có được may mắn được những nhà đầu tư sẵn sàng góp công, góp sức để chung tay phát triển.

Khó trăm bề

Nguyễn Công Hùng được Nhà nước phong tặng là Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Anh đã lập ra Trung tâm Nghị lực sống đào tạo công nghệ thông tin miễn phí cho những người khuyết tật. Ngoài số vốn tự có và vay mượn bạn bè, anh còn nhận được tài trợ từ nhiều tổ chức khác. Tuy nhiên, do mô hình doanh nghiệp xã hội vẫn chưa được chính thức công nhận nên để "danh chính, ngôn thuận", Nguyễn Công Hùng đành phải đăng ký doanh nghiệp của mình dưới hình thức doanh nghiệp bình thường, tức loại hình doanh nghiệp vì lợi nhuận. Điều đó đã khiến cho nguồn tài trợ của trung tâm bị cắt giảm do nhà đầu tư cho rằng, doanh nghiệp của anh không hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận.

Câu chuyện của Nguyễn Công Hùng là ví dụ tiêu biểu mà các doanh nghiệp xã hội đang gặp phải. Trao đổi với Doanh Nhân, nhiều doanh nghiệp xã hội cho biết, họ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì một số lý do như: không có tài sản thế chấp, lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều so với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp xã hội, thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường. Kết quả khảo sát mới đây nhất mà Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Anh công bố cho thấy: hiện cấu trúc tài sản của doanh nghiệp xã hội có 20,3% là vốn tự có, 5,3% là vốn từ nhà tài trợ, 45,5% vốn từ lợi nhuận và 28,8% là vốn vay từ gia đình, bạn bè, ngân hàng.

Ông Lưu Minh Đức, chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện thị trường vốn cho doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam vẫn chưa phát triển, thể hiện ở việc thiếu vốn và các hình thức, kênh cấp vốn phù hợp với doanh nghiệp xã hội phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Hiện mới chỉ có 2 tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và Trung tâm Phát triển doanh nghiệp xã hội Tia Sáng là nơi có chương trình đầu tư vốn với giá trị khoảng 200.000 USD/năm. Nếu so với quy mô và nhu cầu để phát triển các doanh nghiệp xã hội thì đây là hạt cát trong sa mạc. Số vốn này mới chỉ mang tính chất tạo vốn hạt giống nhằm kích hoạt các ý tưởng và nâng cao năng lực, không đủ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Tìm vốn ở đâu?

Theo đánh giá của nhóm khảo sát, hiện đầu tư xã hội (các quỹ đầu tư) đang được coi là nguồn tài chính phù hợp cho doanh nghiệp xã hội. Các quỹ đầu tư quốc tế bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây, nhưng hầu hết các nhà đầu tư này vẫn đang trong giai đoạn thăm dò thị hiếu thị trường hoặc thử nghiệm và chưa có một hoạt động đầu tư đáng kể nào được thực hiện cụ thể và trực tiếp với các doanh nghiệp xã hội. Năm 2010, Quỹ đầu tư thiện doanh LGT Ventures Philanthropies (LGT VP) đã vào Việt Nam khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam với quy mô đầu tư từ 400.000 - 1 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tìm kiếm và khảo sát, tổ chức này không thể tìm được các đơn vị sẵn sàng đáp ứng ngay các khoản đầu tư của họ. Do đó quỹ này đã đưa ra chiến lược hoạt động mới tại 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bằng việc khai thác chương trình "Thúc đẩy doanh nghiệp xã hội" với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội tiềm năng (ở giai đoạn thấp hơn), nâng cao năng lực xây dựng hồ sơ năng lực tổ chức để sẵn sàng cho việc kêu gọi và tiếp nhận các khoản đầu tư lớn hơn từ LGT VP và các nhà đầu tư xã hội khác trong khu vực.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: ngoài vốn từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp có thể tìm vốn từ các cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận (thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội). Tuy nhiên, hiện nay những quy định pháp lý từ phía nhà nước để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư xã hội vẫn chưa có nên các nhà tài trợ thường phải đi qua các đơn vị trung gian. Điều này sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.

Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để các doanh nghiệp xã hội có thể kêu gọi được vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội? Theo ông Cung, ngoài thị trường vốn rộng lớn bên ngoài, nguồn vốn thiện nguyện trong nước vẫn còn đầy tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là năng lực của các doanh nghiệp xã hội trong nước hiện chưa đủ mạnh để tiếp nhận đầu tư từ các nhà đầu tư xã hội chuyên nghiệp. Khi các doanh nghiệp xã hội đã có năng lực và uy tín thực sự, được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, công khai minh bạch và chứng tỏ được hiệu quả xã hội trên thực tế thì họ sẽ có khả năng thu hút được lượng vốn tài trợ dồi dào. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, số tiền tài trợ trung bình hàng tháng trong năm 2011 của Dự án SympaMeals cung cấp phiếu ăn và khám bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở viện K là 130 triệu đồng/tháng. Quỹ từ thiện của Báo điện tử Dân Trí nhận trung bình 467 triệu đồng/tuần (từ tuần 3 tháng 12/2011 đến tuần 3 tháng 3/2012). Như vậy, cách làm, sự sáng tạo, tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp xã hội đó.

Các chuyên gia nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội cho rằng, để có thể xây dựng được uy tín đối với các đối tác nước ngoài, các doanh nhân xã hội cần phải có kỹ năng kết nối chuyên nghiệp, tổ chức quy trình quản lý hiện đại, thể hiện trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch… Điều đáng nói là, nguồn lực từ nước ngoài không chỉ có tài chính mà còn cả hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cấp chứng nhận. Mai Handicrafts được WFO hỗ trợ miễn phí về thiết kế sản phẩm, KOTO nhận các tình nguyện viên nước ngoài dạy nấu ăn trong thời gian đầu thành lập và trở thành đối tác được tổ chức Box Hill cấp chứng chỉ cho các khóa đào tạo. Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có những sự hỗ trợ từ phía nhà nước thì những bước đi trên sẽ giúp các doanh nghiệp xã hội tồn tại và phát triển.

(Theo Nguyễn Ngọc // Doanh Nhân)

  • Thương hiệu và vài suy nghĩ bên lề
  • Thương hiệu thời trang Việt: Nỗ lực 'quẫy đạp' trên sân nhà
  • Kẽ hở của hợp đồng thương mại
  • DN phân phối bán lẻ nước ngoài: “Tọa sơn quan hổ đấu”
  • Goldman Sachs những bê bối và bài học về Văn hóa doanh nghiệp
  • Đưa “dân chủ” vào doanh nghiệp
  • Cuộc chiến “tái sinh” thương hiệu của Omega
  • DNNN tiết kiệm: Mới được phần nổi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com