Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc chiến giành thị phần và 5 câu hỏi hình thành một "chiến lược Trung Quốc"

Cuộc chiến giành thị phần tại Trung Quốc

Thị trường Trung Quốc đang trở thành chiến trường mà các công ty trong và ngoài nước tranh giành không khoan nhượng. Việc thâm nhập vào thị trường phức tạp như vậy mà không hiểu được nội tình của nước này là hết sức dại dột.

Xung đột với Google, nạn vi phạm bản quyền cùng với những hạn chế về quyền sở hữu tài sản của các tổ chức nước ngoài tại Trung Quốc là bài toán khó cho nhiều CEO, khiến họ phải cân nhắc liệu cơ hội ở thị trường này có đủ bù đắp cho rủi ro mà họ có thể gặp phải hay không.

James McGregor, chuyên gia tư vấn đồng thời là cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, đã nêu lên một số vấn đề làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn làm ăn tại thị trường đông dân nhất thế giới, như: cạnh trạnh với các loại hàng nhái rẻ tiền, kém chất lượng; cạnh tranh với các tập đoàn nhà nước vốn nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt; và những chính sách dường như là dối trá của chính phủ nước này, như việc chỉ áp dụng một số thông lệ quốc tế của WTO mà họ cảm thấy có lợi.

McGregor cho rằng các CEO "băn khoăn trước viễn cảnh những bạn hàng Trung Quốc ngày nào nay đã biến thành đối thủ cạnh tranh hung hãn, và một ngày nào đó, họ gặp lại công nghệ cùng với bí quyết của mình đâu đó trên thế giới này trong những sản phẩm rẻ tiền do các tập đoàn nhà nước được chính phủ Trung Quốc trợ cấp".

Người ta cũng cho rằng Trung Quốc đang giữ lập trường cứng rắn trước thế giới bên ngoài, họ kết tội nước Mỹ vì đã sản sinh ra khủng hoảng tài chính, và dành nhiều ưu đãi cho các công ty trong nước hơn.

Đây là những khó khăn thực sự, nhưng không phải mới xuất hiện, và dĩ nhiên, chúng không đại diện cho toàn cảnh bức tranh. Thâm nhập một thị trường phức tạp như Trung Quốc mà không hiểu được nội tình của nước này là hết sức dại dột.

 Con phố thương mại sầm uất mang tên Nam Kinh ở thành phố Thượng Hải. Ảnh: Khánh Duy
 Con phố thương mại sầm uất mang tên Nam Kinh ở thành phố Thượng Hải. Ảnh: Khánh Duy


Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tự do hóa nền kinh tế từ năm 1978 dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt buộc, đáp ứng đòi hỏi về quyền làm chủ doanh nghiệp, đồng thời duy trì tính ổn định về chính trị và xã hội. Chính phủ nước này vẫn  chưacho phép các công ty nước ngoài tham gia một số lĩnh vực trọng yếu như viễn thông và truyền thông.

Nước này cũng nỗ lực tái cơ cấu và trẻ hóa các doanh nghiệp nhà nước như Baosteel, Industrial and Commercial Bank of China, China National Petroleum, và China Mobile. Ngày nay, được chính phủ chống lưng, những công ty trên đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các công ty nước ngoài.

Còn trong những lĩnh vực mở cửa cho mọi công ty, hiện có vô vàn công ty trong và ngoài nước cạnh tranh khốc liệt. Số lượng công ty tư nhân ở Trung Quốc tăng vọt từ 140.000 năm 1992 lên 6,6 triệu cuối năm 2008, và hiện có hơn 435.000 công ty nước ngoài hoạt động ở quốc gia này. 480 trong tổng số 500 công ty thuộc danh sách Fortune 500 đã có mặt ở Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc giờ trở thành chiến trường mà các công ty trong và ngoài nước tranh giành không khoan nhượng. Nhiều khảo sát cho thấy lợi nhuận từ thị trường này đang tăng một cách chậm rãi, nhưng nhiều công ty đa quốc gia vẫn chưa thể đạt được mức lợi nhuận như ở quê nhà. Quả thật, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng không lâu nữa sẽ là quá trễ để họ có thể gia nhập thị trường Trung Quốc - một thị trường được đánh giá là phức tạp nhất và có tính cạnh tranh cao nhất thế giới - một cách thành công.

Nhưng bỏ qua thị trường này sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Rất ít công ty phương Tây sẵn sàng nắm bắt tốc độ hồi phục kinh tế của Trung Quốc cũng như ít có công ty nào nghĩ nền kinh tế này sẽ đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của thế giới xét trên phương diện sản xuất và tiêu thụ.

Hãy cân nhắc hai thực tế sau: Thứ nhất, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới hồi năm ngoái. Thứ hai, theo một báo cáo công bố tháng 9/2009 của China Enterprise Confederation và China Enterprise Directors Association, tổng lợi nhuận ròng của 500 công ty hàng đầu Trung Quốc đạt 170,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2009, lần đầu tiên qua mặt tổng lợi nhuận ròng của 500 công ty lớn nhất của Mỹ, vốn chỉ đạt 98,9 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Trung Quốc sẽ không chỉ thay thế Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới mà tốc độ tăng trưởng của nước này (cùng với Ấn Độ) sẽ đưa châu Á trở thành điểm thu hút 50% GDP của cả thế giới vào năm 2030.

 Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc Cuộc suy thoái toàn cầu dường như chỉ làm nước này khó khăn tạm thời
Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc
Cuộc suy thoái toàn cầu dường như chỉ làm nước này khó khăn tạm thời


Tình hình kinh doanh ở Trung Quốc nay cũng đã khác. Nhiều công ty tin rằng họ đã tìm ra cách hoạt động tại đây nhưng một chiến lược dù thành công thế nào đi nữa cũng không theo kịp quy mô và cường độ của các thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc. Xây dựng được một công ty đơn độc ở Trung Quốc vẫn chưa đủ. Trung Quốc đang giữ vai trò người cầm trịch gần như ở mọi lĩnh vực, theo đó, hoạt động của các công ty tại thị trường này đang dần thay đổi nền tảng của cạnh tranh trên toàn cầu.

Do đó, các CEO phải phát triển một chiến lược mới dành riêng cho thị trường Trung Quốc chứ không chỉ đơn thuần là bán hàng hay sản xuất. Họ phải tích hợp hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc với hoạt động kinh doanh ở nơi khác và tận dụng lợi thế cạnh tranh toàn cầu mà thị trường Trung Quốc có thể mang lại cho họ. Chiến lược này được biết với tên gọi chiến lược một-thế-giới với Trung Quốc là trung tâm.

Quá trình chuyển đổi này sẽ rất khó khăn cho cả những công ty đã hoạt động tại Trung Quốc suốt hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, những công ty nào không chịu thay đổi sẽ bị chính đối thủ của mình loại khỏi cuộc chơi bởi chúng đã tận dụng được Trung Quốc để thay đổi vị thế cạnh tranh của mình.

Bối cảnh Trung Quốc

Các nhà quản trị thường cân nhắc ba chữ C khi xây dựng chiến lược: Customers (khách hàng), Competitors (đối thủ cạnh tranh), và Company (công ty). Trong tình hình hiện nay, họ phải thêm vào một chữ C khác, đó là Context (bối cảnh). Điều này nói dễ hơn làm bởi ba chữ C đầu đang liên tục biến đối bối cảnh của Trung Quốc.

Một Trung Quốc hành chính

Dù thời gian qua có nhiều tranh cãi xoay quanh thái độ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với những công ty nước ngoài, quá trình tự do hóa kinh tế vẫn tiếp diễn. Tăng trưởng là thành công không thể chối cãi của chính phủ Trung Quốc và nó đảm bảo ổn định xã hội. Tuy nhiên, tốc độ mở cửa kinh tế sẽ tiếp tục do Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định. Vì vậy, các công ty muốn làm ăn tại Trung Quốc phải hiểu những ưu tiên của chính phủ nước này và điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang nằm quyền sở hữu trong các công ty quan trọng như viễn thông, năng lượng, tài chính, khoáng sản và truyền thông, và trái với hy vọng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc không có ý định mở cửa những lĩnh vực này trong tương lai gần.

 Tăng trưởng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc Trong vòng 7 năm, các công ty nước ngoài đã tăng gấp đôi đầu tư của họ vào nước này
 Tăng trưởng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc
Trong vòng 7 năm, các công ty nước ngoài đã tăng gấp đôi đầu tư của họ vào nước này


Như Google, sau cùng sẽ có một số công ty quyết định rằng Trung Quốc không phải là thị trường dành cho họ. Google gia nhập thị trường Trung Quốc đầu năm 2000 bằng việc tạo ra phiên bản tiếng Hoa cho trang chủ của mình. Khi đó, vì toàn bộ cơ sở hạ tầng của Google đặt trên đất Mỹ nên công ty này không buộc phải tuân theo chính sách kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc, cũng như không cần xin giấy phép hoạt động tại quốc gia này.

Năm 2004, Google chợt nhận ra nhiều đối thủ của mình như Yahoo và Microsoft đã đi trước một bước và thiết lập sự hiện diện của họ tại Trung Quốc. Tháng 1/2006, sau một năm chuẩn bị, công ty ra mắt trang Google.cn có trụ sở đặt tại Trung Quốc và tuân thủ chính sách kiểm duyệt thông tin của nước này.

Quyết định đã nhận nhiều lời chỉ trích, và cũng từ thời điểm đó, Google không thôi băn khoăn về quyết định của mình. Công ty buộc phải chọn giữa "đi theo sứ mệnh của mình mà không thể phục vụ khách hàng Trung Quốc" hay "thỏa hiệp với sứ mệnh của mình, tham gia thị trường Trung Quốc và tuân thủ chính sách kiểm duyệt kết quả tìm kiếm".

Và như một vị phát ngôn viên của công ty này phát biểu: "Tự kiểm duyệt, việc chúng tôi buộc phải làm tại Trung Quốc, mâu thuẫn sâu sắc với những nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi... Chúng tôi không thực hiện điều này một cách hào hứng hay cảm thấy tự hào về nó".

Việc Google tuyên phố đóng cửa mọi hoạt động của mình ở Trung Quốc nếu chính phủ nước này không bỏ chính sách kiểm duyệt thông tin hồi tháng Giêng vừa qua không khiến nhiều người bất ngờ. Giống như nhiều công ty Internet lớn khác, Google cảm thấy khó lòng cạnh tranh với những công ty Trung Quốc.

Gia nhập thị trường này khá lâu nhưng thị phần của Yahoo trong thị trường truyền thông trực tuyến rất khiêm tốn khi không thể cạnh tranh với Sohu.com, công ty đang thống trị lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong liên doanh giữa mình và Alibaba.com, một cổng thương mại rất thành công của Trung Quốc, phần sở hữu của Yahoo cũng rất nhỏ. Do thị trường đấu giá trực tuyến của Trung Quốc nằm dưới sự thống trị của Taobao.com nên eBay cũng không để lại dấu ấn gì.

Thị trường internet Trung Quốc mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng hầu hết lại chảy về túi các công ty trong nước do họ biết cách ứng phó với những khía cạnh chính trị phức tạp khi kinh doanh tại thị trường này.

Đến thời điểm này, Google vẫn chưa thực sự rời khỏi Trung Quốc, họ chỉ thông qua các phát ngôn để bày tỏ quan điểm của mình, để công khai những lo ngại về các cuộc tấn công của tin tặc, và để đối thoại với đại diện chính phủ Trung Quốc. Công ty này suy cho cùng vẫn đang cố gắng thiết lập một vị trí trong bối cảnh Trung Quốc bởi họ biết rằng một khi họ có cách kiểm soát các rủi ro thì duy trì hoạt động tại Trung Quốc vẫn là một việc nên làm.

Có thể Google sẽ không thành công bởi công ty này đã đụng chạm đến một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của Trung Quốc: tranh luận liên quan đến chính trị. Nhưng trong những lĩnh vực khác, lợi ích tiềm năng tỏ ra lấn át rủi ro. Chẳng hạn, các công ty sản xuất ôtô không được khuyến khích thành lập các liên doanh, mà nếu có, phần sở hữu của họ trong các liên doanh ấy cũng không quá 50%. Hạn chế này được bù đắp bằng cơ hội bán sản phẩm tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới và tiết kiệm rất nhiều nhờ quy mô sản xuất lớn.

Năm năm trước các công ty ngần ngại đi vào Trung Quốc vì những rủi ro không thể lường trước nhưng hiện nay, môi trường kinh doanh đã minh bạch và mở hơn rất nhiều, vì thế những công ty nào còn do dự sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi gia nhập trong tương lai.

Một Trung Quốc cạnh tranh

Nhiều nhà quản lý thừa nhận Trung Quốc là một thị trường mở. Không giống như nhiều nền kinh tế khác ở châu Á, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài từ thời điểm nước này bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế và tiếp tục mở cửa cho đến nay.

Không nơi nào có nhiều công ty mới thành lập như Trung Quốc. Đây cũng là nơi sản sinh ra các "gã khổng lồ mới nổi" như Lenovo, Haier, Huawei, và ZTE, cũng như thu hút rất nhiều công ty nước ngoài. Điều này khiến quá trình cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt nhưng cũng tạo ra rất nhiều cơ hội, nhất là cơ hội thành lập các liên minh hoặc liên doanh.

Đầu tư lớn và nhân công rẻ vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên cái giá phải trả là một lượng rác thải khổng lồ và môi trường tự nhiên bị hủy hoại. Trong hơn một thập niên qua, chính sách của chính phủ dần chú trọng vào tính hiệu quả và bảo tồn tự nhiên. Các công ty ở Trung Quốc phải cắt giảm tiêu thụ nguyên liệu thô, giảm nhẹ tác động lên môi trường, triệt để nâng cao chất lượng và phát triển kỹ năng quản lý. Điều này sẽ giúp các công ty nâng cao tính cạnh tranh hơn.

Một Trung Quốc tiêu dùng

Đồng tiền thu được từ sự tăng trưởng của quốc gia này làm sản sinh ra một tầng lớp trung lưu đông đảo trong xã hội Trung Quốc. Và từ đó, không một quốc gia nào kể cả Nhật Bản hay Mỹ có nhiều sản phẩm và thương hiệu như Trung Quốc.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với thiếu sự trung thành đối với thương hiệu của người tiêu dùng và sự thay đổi nhanh chóng về thị phần của các công ty. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng ngày càng đa dạng và khó tính không thua kém gì các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thay đổi từ một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp thành chốn đô hội phồn vinh. Hiện nay, 40% dân số của Trung Quốc sống tại thành thị, và con số này sẽ tăng thành 60% vào năm 2020.

Sự di cư từ nông thôn lên thành thị của hơn 200 triệu người này sẽ một lần nữa thay đổi thị trường: Người tiêu dùng thành thị đến từ các vùng nông thôn khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau về sản phẩm và dịch vụ. Trong mười năm tới, thị trường đại trà của Trung Quốc sẽ phát triển thành các phân khúc đa dạng và đa tầng.

Do vậy, những nhà quản lý không thể tiếp tục xem các công ty Trung Quốc là nhà cung ứng mà cần phải nhìn nhận họ là đối thủ tiềm năng. Và những ai đang xem Trung Quốc là một thị trường đại trà cần thay đổi phương pháp tiếp cận bởi như đã trình bày, thị trường này là một tập hợp của nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau. Do quy mô thị trường và cách tiếp cận của các công ty trong đó, mỗi công ty gia nhập thị trường này đều phải sẵn sàng để cạnh tranh.

  Năm câu hỏi hình thành một "chiến lược Trung Quốc"

Để xây dựng một chiến lược Trung Quốc thích hợp, các nhà quản lý cần trả lời được năm câu hỏi quan trọng. Trong đó, ba câu hỏi đầu sẽ giúp xác lập vị trí của công ty trong tương quan với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

1. Độ mở cửa của ngành/lĩnh vực kinh doanh của công ty tại Trung Quốc hiện tại và tương lai?

Chính phủ Trung Quốc có chính sách hạn chế một số loại hình doanh nghiệp cũng như sản phẩm hay dịch vụ mà một công ty có thể cung cấp tại thị trường nước này. Dù họ đang mở cửa một số lĩnh vực nhưng lại không theo một lộ trình cụ thể. Các công ty phải quan sát mức độ cũng như tốc độ mở cửa lĩnh vực kinh doanh mà mình muốn hướng đến. Điều quan trọng là phải có được giấy phép kinh doanh tại thời điểm mà lĩnh vực bạn quan tâm được mở cửa.

Vì vậy, những công ty đang hoạt động trong các lĩnh vực còn đang "đóng cửa" cần phải biết cách xây dựng quan hệ với quan chức địa phương bởi họ chính là lợi thế cạnh tranh to lớn của bạn.

Hầu như không có lĩnh vực nào ở Trung Quốc bị cấm hoàn toàn, tuy nhiên, luật lệ lại rất phức tạp. Chẳng hạn, các công ty ôtô cũng như ngân hàng nước ngoài đều được phép thành lập cơ sở hoạt động tại Trung Quốc nhưng công ty ôtô chỉ có sở hữu tối đa 50% cổ phần một công ty địa phương trong khi một ngân hàng ngoại chỉ có thể kiểm soát 25% tài sản của một ngân hàng Trung Quốc.

Và khi một ngân hàng ngoại muốn tung ra dịch vụ mới, quy trình xét duyệt ở quốc gia này là rất nhiêu khê. Ngay cả trong những lĩnh vực đã mở cửa hoàn toàn, chính phủ Trung Quốc vẫn có quyền can thiệp khi thấy cần thiết. Ví dụ, lĩnh vực nước giải khát của Trung Quốc đã mở cửa từ cách đây vài chục năm, tuy nhiên, năm ngoái, Bộ Thương Mại Trung Quốc không cho phép Coca-Cola mua lại Huiyuan Juice bởi họ cho rằng thương vụ này sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

2. Nên sử dụng mô hình kinh doanh nào?

Mô hình kinh doanh của các công ty nước ngoài thường thuộc hai nhóm: sản xuất làm trọng tâm hoặc bán hàng làm trọng tâm. Những công ty chọn mô hình thứ nhất thường hoạt động trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và truyền thông di động, họ đã thiết lập cơ sở xuất khẩu ở Trung Quốc nhưng năng lực marketing và bán hàng của họ lại rất hạn chế. Trong khi những công ty chọn mô hình thứ hai thường hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và ôtô, tập trung phục vụ thị trường Trung Quốc.

Công ty nào khôn ngoan sẽ kết hợp cả hai mô hình trên khi họ mở rộng hoạt động của mình. Chẳng hạn, họ thiết kế một số dây chuyền sản xuất sản phẩm phục vụ giới thượng lưu Trung Quốc và để xuất khẩu sang các nước phát triển, đồng thời cũng xây dựng các dây chuyền sản xuất khác có khả năng cung cấp những sản phẩm giá cả phải chăng hơn cho nhiều đối tượng khách hàng tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu.

Một số công ty còn sản xuất nhóm sản phẩm thứ ba nhằm phục vụ các đối tượng trung lưu xuất thân từ nông thôn đang thích nghi với đời sống đô thị. Quản lý các mô hình kinh doanh đa cấp bậc không phải là việc dễ dàng nhưng rất cần thiết nếu bạn muốn biến cơ hội thành tiền ở Trung Quốc.

3. Sống chung với những bất ổn tại Trung Quốc?

Thay đổi nhanh, thiếu thông tin và thường xuyên thay đổi nhân sự cao cấp ở Trung Quốc khiến quá trình ra quyết định của các công ty nước ngoài gặp khó khăn. Dẫu biết dự đoán từng thay đổi cụ thể là không khả thi, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp cần luôn trong tư thế sẵn sàng khi thời cơ đến hoặc khi có biến cố mới.

Nhiều vị giám đốc người Trung Quốc từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng nền kinh tế, và họ chính là bài học sống cho bạn. Chẳng hạn, ông Zhang Ruimin của Haier và Ren Zhengfei của Hauwei không phải lúc nào cũng thành công nhưng họ là những người thử nghiệm không mệt mỏi, họ sẵn sàng học hỏi, thử thách, thích nghi và cải thiện chính mình. Thị trường Trung Quốc đòi hỏi người quản lý phải biết nhìn mọi việc một cách lắt léo và dám liều lĩnh khi cần thiết.

Tuy nhiên, các công ty nước ngoài cần tìm cách dung hòa chủ nghĩa cơ hội bằng kinh nghiệm. Lấy ví dụ, Toyota từng là công ty đến sau và phát triển chậm tại Trung Quốc trong khi Volkswagen và GM đã bắt tay với các doanh nghiệp uy tín trong nước và chiếm phần lớn thị phần. Năm 2004, Toyota mới bắt đầu thâm nhập thị trường này thông qua liên doanh với Guangzhou Auto, một công ty nhỏ không mấy tiếng tăm. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà Toyota học hỏi và nắm quyền kiểm soát nhiều hơn trong liên doanh so với các đối thủ. Năm 2008, Toyota là công ty sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc nếu tính theo doanh thu (110 tỷ Nhân Dân Tệ (NDT), so với 96 NDT của Volkswagen) và xếp thứ hai về số lượng xe bán ra (525.000 chiếc so với 760.000 chiếc của Volkswagen).

Hai câu hỏi sau cùng sẽ giúp các công ty xây dựng chiến lược "một thế giới" với Trung Quốc là trung tâm.

4. Làm thế nào tích hợp hoạt động ở Trung Quốc với các hoạt động khác trên thế giới?

Mô hình kinh doanh đơn độc mà các công ty đa quốc gia đã và đang áp dụng tại Trung Quốc đã đứng trước áp lực về chi phí khi giá nhân công và vật liệu thô cũng như giá trị của đồng NDT không ngừng tăng lên trong thời gian qua. Đồng NDT ngừng tăng giá từ quý 3/2008 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên, giá trị của nó sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để giữ chi phí ở mức thấp, các công ty phải tích hợp hoạt động ở Trung Quốc với các hoạt động của họ ở nơi khác, lấy ví dụ, họ có thể phát triển sản phẩm ở Trung Quốc và sau đó sản xuất chúng ở các nước châu Á khác, hoặc ngược lại. Điều này gây khó khăn cho quá trình quản lý nhưng rất cần thiết nếu các doanh nghiệp muốn duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu.

Một số công ty như Coca-Cola và Nokia đã xây dựng cơ sở R&D và các trung tâm phát triển sản phẩm ở Trung Quốc nhằm tận dụng nguồn kỹ sư và chuyên gia khoa học dồi dào và chất lượng cao tại nước này. Các công ty này phát triển sản phẩm theo tiêu chí kết hợp hiểu biết về người tiêu dùng Trung Quốc với các nền tảng toàn cầu, sau đó tìm kiếm thị trường ngoài Trung Quốc cho những sản phẩm mới.

Lấy ví dụ, hơn một nửa các mẫu điện thoại cầm tay mà Nokia phát triển tại Trung Quốc đang được bán tại các nước khác. A.O. Smith, công ty sản xuất máy đun nước, cũng giới thiệu nhiều mẫu sản phẩm thiết kế tại Trung Quốc cho thị trường Mỹ và tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất sản xuất hiện có ở Trung Quốc để phục vụ thị trường Ấn Độ. Kết quả là năm 2008, tốc độ tăng trưởng của A.O. Smith China đạt 33% và xếp thứ hai sau Haier tại thị trường Trung Quốc.

5. Có thể di chuyển một số bộ phận trong chuỗi giá trị sang Trung Quốc không?

Quá trình di chuyển các hoạt động tạo ra giá trị từ nước ngoài vào Trung Quốc phải trải qua một số giai đoạn. Đầu tiên các công ty bắt đầu thiết lập cơ sở sản xuất tại nước này. Thứ hai, họ bắt đầu xem Trung Quốc là một trong những điểm sản xuất chính. Ở giai đoạn thứ ba, tính từ đầu thập niên 2000, các công ty tích hợp hoạt động tại Trung Quốc vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của mình, đồng thời bắt đầu xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng hóa đến các vùng trù phú trong nước.

Ở giai đoạn thứ tư, các công ty xem Trung Quốc là bộ phận chủ chốt trong chuỗi giá trị của mình và chuyển một số hoạt động ở cơ quan đầu não sang Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn mở rộng chuỗi giá trị của mình nhờ Trung Quốc.

Nhờ nâng cao hoạt động R&D và phát triển chuỗi giá trị, các công ty có thể sắp xếp từng hoạt động từ nghiên cứu, sản xuất, đến hoàn thiện, phân phối và marketing vào đúng vị trí thích hợp nhất. Những công ty có chiến lược "một thế giới" này có thể tận dụng các thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cũng như sự thống trị của quốc gia này trong một số thành phần của chuỗi giá trị, bên cạnh đó còn có nguồn nhân tài dồi dào và khả năng tích hợp vào mạng lưới viễn thông và giao thông toàn cầu.

Họ có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bằng việc phát minh ra những thiết kế cực kỳ sáng tạo, bảo vệ nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng một dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng mà đối thủ cạnh tranh không dễ gì bắt chước. Hiện nay mới chỉ có một vài công ty đa quốc gia thay đổi theo chiều hướng này, điển hình là Nokia và Samsung. Nokia xem Trung Quốc đồng thời là cơ sở sản xuất chính, thị trường chính, nguồn cung cấp chính các mẫu mã mới trong khi Samsung cũng đẩy mạnh hoạt động phát triển sản phẩm tại thị trường mang lại cho tập đoàn này 1 tỷ USD trong năm 2009.

Honeywell cũng thế, công ty này đã phát triển một chiến lược đi ngược với cách làm truyền thống là phát triển sản phẩm tại Mỹ và bán chúng cho phần còn lại của thế giới. Năm 2003, công ty này đã chuyển trụ sở từ HongKong về Thượng Hải, và sang năm 2007, công ty mở một trung tâm kỹ thuật quy mô toàn cầu tại Trùng Khánh và chuyển trụ sở của bộ phận vật liệu điện tử về Thượng Hải. Từ năm 2003 đến 2009, số nhân viên làm việc tại Trung Quốc của Honeywell tăng gấp đôi lên 9.000 người, trong đó, một số nhân viên mới sẽ được làm việc tại trung tâm R&D có sức chứa hơn 1.000 người của công ty này tại Thượng Hải.

Honeywell cũng phát triển nhiều sản phẩm mới tại Trung Quốc với những chức năng tương tự, hoặc có khi còn mới hoàn toàn, so với chuỗi sản phẩm của công ty tại Mỹ. Công ty cũng thiết kế ba dòng sản phẩm vừa dành cho người tiêu dùng Trung Quốc, vừa để xuất khẩu. Họ bán sản phẩm với giá thấp hơn tại Mỹ nhưng nhờ chi phí phát triển và sản xuất thấp nên lợi nhuận thu được lại cao hơn. Honeywell bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bằng việc cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao và xây dựng một thương hiệu mạnh. Vì thế, các đối thủ cạnh tranh trong nước không thể cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả với Honeywell. Từ năm 2004 đến 2009, doanh thu của công ty này tại Trung Quốc tăng gấp 5 lần.

Lãnh đạo các công ty chưa có cơ sở hoạt động tại Trung Quốc có thể cảm thấy thiếu sót, tuy nhiên, đừng bao giờ phạm sai lầm khi nghĩ rằng mình đã bị tụt lại quá xa. Quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, quốc gia này vẫn đang thay đổi từng ngày và có vô vàn cơ hội đang chờ đón.

-----------------------------------------------------------------------
* Tác giả Edward Tse hiện là Chủ tịch của Booz & Company, Greater China, đồng thời là tác giả cuốn The China Strategy: Harnessing the Power of the World's Fastest-Growing Economy (Basic Books, 2010).

 

( Dịch giả: Hoàng Trung // Tác giả: EDWARD TSE (HARVARD MAGAZINE) // Theo TuanVietNam)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Chọn cách tiếp thị mới cho sản phẩm mới
  • Diễn đàn Nhân Dân hằng tháng: Chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng cáo
  • Tăng 21 tỷ đồng cho quảng bá du lịch trong năm 2010
  • Bất ngờ với những quái chiêu quảng cáo
  • Hiệp sĩ… PR
  • Thị trường ôtô điện thế giới có nhiều triển vọng
  • Nghề môi giới chứng khoán: “Hoa hồng lắm gai”
  • Quảng cáo trực tuyến thấp so tầm vóc internet Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com