Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Diễn đàn Nhân Dân hằng tháng: Chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng cáo

Quảng cáo là một hoạt động mang tính chào hàng mới qua phương tiện truyền thông cần được quản lý theo pháp luật. Cũng như ở một số lĩnh vực còn tồn tại những mặt bất cập; quảng cáo cũng dễ phát sinh tiêu cực và bị biến tướng, như: nói sai sự thật, nói xấu sản phẩm khác, thể hiện thị hiếu thấp kém, không hợp thuần phong mỹ tục và phản giá trị văn hóa truyền thống.

Báo chí từng khuyến cáo về những hiện tượng nói trên và phê phán về hình thức, nội dung những quảng cáo xa rời chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần làm lành mạnh thị trường quảng cáo ở nước ta. Cần có sự đầu tư, chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này để Việt Nam sớm có ngành công nghiệp quảng cáo ngang tầm với sự phát triển của đất nước thời hội nhập.

Trong nhiều thập kỷ qua, hoạt động quảng cáo được nhiều ngành chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.

Trên thế giới, quảng cáo là một chuyên ngành của thông tin truyền thông có vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội như nhiều ngành quan trọng khác. Công nghệ quảng cáo bao gồm nhiều nghiệp vụ tổng hợp: khoa học xã hội, tâm lý cộng đồng, thiết kế, minh họa, sáng tác, biên tập, sản xuất phim, nhiếp ảnh, giao dịch khách hàng, kế hoạch tiếp thị, nghiên cứu, thống kê và quan trọng nhất là ý tưởng sáng tạo. Quảng cáo chính là một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy sức tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và tạo điều kiện cho sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào và bất kỳ thị trường nào.

Thị trường nước ta đã mở cửa và đang đón nhận biết bao chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới. Nhưng làm thế nào để người tiêu dùng có được những thông tin về sản phẩm, dịch vụ và giá trị cùng cách sử dụng? Chắc chắn là phải thông qua quảng cáo. Nếu không có quảng cáo thì giá hàng tiêu dùng sẽ tăng cao. Ðiều này thoạt nghe có thể khó hiểu vì chi phí dành cho quảng cáo rất cao, nhưng thực tế là như vậy. Kinh nghiệm khắp thế giới cho thấy, khi lượng hàng bán ra tăng do kết quả của quảng cáo trên các phương tiện truyền thông sẽ đem đến một hiệu quả là giá bán sản phẩm hạ xuống.

Quảng cáo góp phần tạo điều kiện cho đài truyền hình nâng cao chất lượng. Doanh thu từ quảng cáo sẽ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hoặc để mua lại một số chương trình có nội dung bổ ích từ nhiều hãng truyền hình bạn, như một số phim truyện hay và nhiều chương trình giải trí giáo dục khác.

Trên thế giới và kể cả ở nước ta quảng cáo đang được dùng để thực hiện quảng bá nhiều nội dung giáo dục đại chúng như: nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, vận động thanh thiếu niên xa lánh ma tuý, phòng chống HIV/AIDS kế hoạch hóa gia đình và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Có thể do nhận thức về văn hóa quảng cáo chưa tới tầm mà đôi khi ngành này ở ta chỉ được nhìn nhận như một hoạt động kinh doanh, giải trí... Vì sao ở nước ta việc quảng cáo ít nhiều bị "thành kiến"? Phải chăng đã có một số doanh nghiệp đã lợi dụng quảng cáo để quảng bá quá rầm rộ hoặc quá mức so với thực lực(!). Cùng đó, vì chưa có quy hoạch quảng cáo bài bản và hoạt động này chưa được quản lý tốt nên hiện trạng quảng cáo cộng đồng nhất là ở một số thành phố lớn còn lộn xộn.

Hiện nay có khoảng 40 công ty quảng cáo quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy một cách làm để ngành quảng cáo ở ta phát triển nhanh là thông qua ảnh hưởng của công ty quảng cáo quốc tế có uy tín; để từ đó được cung cấp chương trình đào tạo, công nghệ tổ chức quảng cáo như: nghiên cứu khách hàng, kế hoạch truyền thông, nhiếp ảnh, hội hoạ, sản xuất phim, tiếp thị cộng đồng và nhiều chuyên ngành khác.

Lịch sử phát triển của ngành quảng cáo ở một số nước láng giềng nhiều thập kỷ qua là một thực tế đáng để chúng ta tham khảo. Trung Quốc, Phi-li-pin, Xin-ga-po đều có Ủy ban Quảng cáo (ngang bộ). Trên thế giới, hoạt động kinh doanh quảng cáo đã và đang trở thành là một "nền công nghiệp không khói". Hằng năm, doanh thu của hãng Bates, J.C Decaux, Lintas, Den-su, đạt tới 5 - 6 tỷ USD. Ở Thái-lan, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước nhiều công ty quảng cáo quốc tế đã đến Băng Cốc, họ đã đào tạo và sử dụng nhân viên người Thái-lan và nay hầu hết những công ty quốc tế có tầm cỡ tại Băng Cốc đều do người Thái-lan điều hành. Nhìn sang Hồng Công  (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a cũng thấy trường hợp tương tự. Rõ ràng ngành quảng cáo ở một số nước đang phát triển đang được chuyên nghiệp hóa bởi có sự hợp tác của một số tập đoàn quảng cáo quốc tế lớn.

Ðể phát triển ngành quảng cáo và nâng cao vị thế, chất lượng nghiệp vụ quảng cáo cần khích lệ những tập đoàn, công ty quảng cáo quốc tế liên doanh với một số công ty trong nước. Nhà nước thông qua các cơ quan chức năng quản lý nội dung quảng cáo và lợi tức, tránh thất thoát một khoản thu về thuế.

Vị thế của quảng cáo cần được Nhà nước nhìn nhận ở tầm vĩ mô và có quy hoạch chiến lược để phát triển. Nếu được hỗ trợ và có định hướng phát triển ngành quảng cáo nước nhà sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách.

 

(Theo Văn Sáu/Nhandan)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Tăng 21 tỷ đồng cho quảng bá du lịch trong năm 2010
  • Bất ngờ với những quái chiêu quảng cáo
  • Hiệp sĩ… PR
  • Thị trường ôtô điện thế giới có nhiều triển vọng
  • Nghề môi giới chứng khoán: “Hoa hồng lắm gai”
  • Quảng cáo trực tuyến thấp so tầm vóc internet Việt Nam
  • Chinh phục thị trường nội địa: Câu chuyện của “SAM”
  • Truyền thông xã hội bắt đầu biến đổi kinh doanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com