Một thương hiệu hàng điện tử mang cái tên Việt được người tiêu dùng biết đến hoàn toàn không dựa trên công nghệ quảng cáo rầm rộ mà lại âm thầm, len lỏi bắt đầu từ những vùng quê nông thôn, từ sau lũy tre làng, từ những lời truyền miệng. Đó là tivi SAM (lắp ráp tại Tân Uyên), hiện đang lan tỏa và chiếm lĩnh thị trường nông thôn, phục vụ đại đa số người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp.
Công nhân làm việc tại bộ phận máy cắm của dây chuyền sản xuất tivi SAM |
Từ “máu” kinh doanh
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nông thôn nghèo khó nhưng giàu ý chí, nghị lực ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Trần Văn Sâm (SN 1969) đã sớm có “máu” làm kinh tế dù không phải là con nhà “nòi” trong lĩnh vực kinh doanh. 18 tuổi, anh bắt đầu theo con đường đi buôn và cũng buôn đủ thứ rồi cái nghiệp này gắn luôn với cuộc đời anh. Tuy nhiên, đến 24 tuổi thì sự nghiệp buôn bán của anh thất bại và hoàn toàn tay trắng, phải làm lại từ đầu. Từ mấy chỉ vàng vay để cưới vợ sau đó anh cũng bán luôn để thực hiện niềm đam mê và ước mơ kinh doanh của mình. Năm 1999, anh tìm vào đất Sài Gòn tìm cơ hội mới, va chạm với khá nhiều nghề trước khi đến với điện tử. Từ chợ Nhật Tảo, TP.HCM anh đã có cơ duyên kinh doanh mặt hàng tivi và cũng nhờ đó anh nhận ra một điều rằng, nhu cầu tiêu thụ tivi trong xã hội còn rất lớn vì có tháng cao điểm anh tiêu thụ được 70.000 bộ vỏ ti vi. Như vậy, thị trường tivi chưa phải là đã bảo hòa như nhiều người vẫn thường nói. Suy nghĩ này đã dẫn dắt anh đến con đường gầy dựng một doanh nghiệp sản xuất tivi phục vụ giới bình dân. Khác với thành thị và giới thượng lưu, ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu nhiều người đã phải tập trung một nhà để xem tivi vì không phải nhà nào cũng có điều kiện mua sắm, trong khi giá tivi của các thương hiệu nổi tiếng như Sony, Samsung, Panasonic... lại khá cao so với thu nhập của họ.
Biến ý chí thành hành động và hiện thực, năm 2005 anh Sâm quyết định dồn vốn mua đất tại Bình Dương và sau đó 1 năm anh tiến hành khởi công xây dựng Công ty Cổ phần Đông Á, chuyên lắp ráp tivi ở huyện Tân Uyên. Năm 2007, dòng sản phẩm tivi mang thương hiệu SAM ra đời và bắt đầu xâm nhập thị trường. Nói về ý nghĩa của tên thương hiệu, anh Sâm cho biết, anh mong muốn có một cái tên nghe thật là Việt và ngắn để cho người dân dễ nhớ. Suy nghĩ của anh là rất thực tế bởi người nông dân, nơi mà sản phẩm của anh hướng đến hầu như có trình độ thấp. Ý nghĩ đó, anh đã quyết định lấy tên của mình và bỏ dấu để dễ giao dịch làm thương hiệu cho sản phẩm tivi: SÂM = SAM và đó còn là ý nghĩa của người sáng lập.
Đến sản phẩm dành cho người Việt
Anh Trần Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Á cho biết, tivi SAM được sản xuất tự động trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, đồng bộ và được nhập từ Đức, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc..., tổng vốn đầu tư nhà máy khoảng 9 triệu USD. Công suất hiện đạt khoảng trên 90.000 sản phẩm/tháng với các kỹ sư và kỹ thuật viên được đào tạo chính quy trong và ngoài nước. Đặc điểm tivi SAM của Công ty Cổ phần Đông Á là ứng dụng công nghệ điện tử tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm vượt trội. Đặc biệt Đông Á là công ty đầu tiên tại Việt Nam sử dụng dây chuyền sơn bóng chống trầy (UV) để bảo vệ tốt nhất cho bề mặt và làm tăng độ thẩm mỹ cho sản phẩm.
Hiện nay, SAM 21 inch có giá bán trên thị trường thấp nhất là 1.160.000 đồng và cao nhất là 1.235.000 đồng (đã bao gồm VAT) nên rất phù hợp cho mọi tầng lớp lao động, công nhân và nông dân khắp cả nước. Với giá cả này thì hiện nay trên thị trường nội địa nhiều hãng cạnh tranh không nổi, ngay cả hàng Trung Quốc cũng không thể cạnh tranh được về giá. Vì sao lại có giá mềm thế, anh Sâm cho biết, mục đích của chúng tôi là kích cầu, tăng mạnh sản lượng tiêu thụ để thu lợi nhuận chứ không phải là bán giá cao để thu lợi nhuận. Hơn nữa chúng tôi có được những đầu mối, đối tác cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện tận gốc, ổn định, điều đó cũng đã giúp cho giá thành của mỗi chiếc tivi giảm đi đáng kể.
Hiện nay SAM đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, toàn hệ thống hiện có khoảng 100 trạm bảo hành, sản phẩm SAM thậm chí còn cạnh tranh được với sản phẩm cùng chủng loại của Trung Quốc ngay tại một số khu vực giáp ranh Trung Quốc như ở Cao Bằng. Doanh thu năm 2009 của SAM đạt khoảng 500 tỷ đồng. |
Với mức giá nói trên, hiện nay tivi SAM có lẽ không có đối thủ cạnh tranh. Anh Sâm tâm sự, tivi 21 inch màn hình phẳng, lắp ráp thủ công ở chợ Nhật Tảo hiện cũng đã có giá từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/chiếc. Còn ở đây, SAM được lắp ráp trên dây chuyền công nghiệp, có kiểm định chất lượng gắt gao và có bảo hành 24 tháng như tất cả các hãng điện tử nước ngoài. Đặc biệt, với hệ thống trạm bảo hành được xây dựng tại các miền quê, tận các thôn làng, rất thuận lợi cho bà con nghèo khi mua tivi SAM. Không những thế, trong vòng 30 ngày nếu khách hàng mua SAM cũng có thể đổi nếu gặp hỏng hóc...
SAM ra đời cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân lao động với mức lương bình quân khoảng trên 2 triệu đồng/tháng/người . Sau khi tuyển dụng công nhân, công ty phải đào tạo mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Lương thưởng đều được công ty đưa ra đầu năm mà không phải đợi đến cuối năm như nhiều công ty khác. Anh Sâm chia sẻ, việc công bố thưởng ngay từ đầu năm là vì muốn mọi người sau một năm làm việc ai cũng được hưởng, bất kể là kinh doanh lời hay lỗ. Như thế, công nhân mới có tinh thần làm việc và gắn bó lâu dài với mình được.
(Theo Báo Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com