Một số khách hàng quay lại với mỹ phẩm Việt Nam. Ảnh: Thu Nguyệt |
Chất lượng, an toàn và giá cả là những vấn đề mà một số doanh nghiệp hóa mỹ phẩm trong nước vừa cam kết với người tiêu dùng để hy vọng cải thiện thị phần vốn đã bị sản phẩm ngoại chiếm lĩnh từ nhiều năm qua.
Việt Nam được xem là một thị trường mỹ phẩm tiềm năng. Doanh số tiêu thụ hàng mỹ phẩm của Việt Nam trong năm 2009 ước đạt 120 triệu đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2004, và hứa hẹn sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới do số người dưới 30 tuổi chiếm hơn 50% dân số.
Tuy nhiên, sau khi vào thị trường Việt Nam từ năm 2000, cho đến nay các sản phẩm nước ngoài đã chiếm đến 90% thị phần các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm TPHCM, hiện ở TPHCM có đến 400 doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ; chỉ có khoảng mười doanh nghiệp đã xây dựng được tên tuổi, uy tín trong lĩnh vực này.
Nỗ lực xây dựng kênh phân phối
Nhằm cải thiện thị phần, 8 doanh nghiệp được xem là có tiếng trong ngành hóa mỹ phẩm trong nước, gồm Mỹ phẩm Sài Gòn, Lana, Mỹ Hảo, Rạng Đông, Thorakao, Đông Á, Hóa mỹ phẩm quốc tế, Lan Hảo đã cam kết với người tiêu dùng sẽ luôn đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý và an toàn cho sức khỏe.
Việc cam kết diễn ra tại hội thảo “Người Việt dùng mỹ phẩm Việt an toàn” ở TPHCM vào giữa tuần này do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM và Hiệp hội Mỹ phẩm TPHCM phối hợp tổ chức.
Để làm được như thế, một số doanh nghiệp cho biết họ đang nỗ lực xây dựng kênh phân phối, điển hình là tăng cường sự hiện diện của sản phẩm ở các siêu thị trên cả nước để tiếp cận khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó giám đốc tiếp thị của Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết đang đưa sản phẩm của công ty đến với khách hàng qua hệ thống siêu thị Co.opMart.
Giám đốc bán hàng của Mỹ Hảo, ông Trần Phú Quốc, cho biết đang tăng cường phân phối hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng ra các tỉnh thành để tiếp cận khách hàng. Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế, cho biết đang tìm cách đưa sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan trở lại thị trường, trước tiên là qua các cuộc hội chợ.
Theo các doanh nghiệp, hiện có dấu hiệu tích cực là số người tiêu dùng sử dụng sản phẩm trong nước có tăng lên so với trước. Tuy nhiên, số khách hàng như thế vẫn không nhiều so với khách hàng chuộng hàng ngoại. Hơn nữa, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, doanh nghiệp trong nước chỉ có thể cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm trung bình và bình dân, chứ chưa thể cạnh tranh với các sản phẩm cao cấp. Theo ông Thoại, hiện sản phẩm của SCC chủ yếu tiêu thụ ở phân khúc trung bình.
Vẫn còn nhiều thua thiệt
Trên thực tế, ngay cả ở phân khúc trung bình và bình dân, mỹ phẩm Việt Nam vẫn bị nhiều sản phẩm nước ngoài cạnh tranh, từ các sản phẩm có thương hiệu như Sunsilk, Dove, cho đến sản phẩm của Trung Quốc và hàng xách tay từ Thái Lan.
Và, thua thiệt của hàng Việt Nam không chỉ nằm ở việc phân phối, mà còn nhiều yếu tố khác. Theo bà Lưu Thị Thiên Hương, chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở chợ Phạm Văn Hai, TPHCM - người đã có 20 năm kinh doanh mỹ phẩm, nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng không kém hàng ngoại nhưng thiếu sự đầu tư, chăm chút cho mẫu mã và quảng cáo nên rất khó cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Theo bà Hương, mặt hàng nào được quảng cáo càng nhiều trên truyền thông thì càng đắt hàng.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nêu ra một số khó khăn chính trong ngành hóa mỹ phẩm Việt Nam. Hiện doanh nghiệp trong nước nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu nước ngoài, nên giá thành tương đương với nhiều thương hiệu lớn. Trong khi đó, các công ty nước ngoài đang đầu tư trồng và sản xuất tinh dầu tại Việt Nam để tạo nguồn nguyên liệu, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được uy tín cho thương hiệu sản phẩm nên dù chất lượng có tốt, sản phẩm cũng không được người tiêu dùng biết đến nhiều.
(Theo Thu Nguyệt // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com