Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ với Tiền Phong như vậy, khi bàn chuyện doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường.
Bà Hạnh kể: Ông Lương Vạn Vinh - Giám đốc Cty Mỹ Hảo tâm sự trước đấy từng bị các đối thủ đánh bật ra khỏi thị trường hai tỉnh Thanh Hóa và Phú Yên. Ông Vinh “đau” lắm và bắt đầu đi tìm hiểu nguyên nhân thất bại của mình.
Đích thân ông Vinh theo xe ba gác chở nước rửa chén Mỹ Hảo đi dạo khắp hang cùng ngõ hẻm, sau đó mới nhận ra mình không hiểu về nhu cầu người tiêu dùng muốn gì, hệ thống phân phối không tốt. Từ những bài học sau bánh xe ba gác, ông Vinh về tổ chức lại việc sản xuất kinh doanh và dần dần phục hồi thị trường đã mất.
Từ câu chuyện trên cho thấy nhiều DN chưa chú trọng nghiên cứu thị trường, thưa bà?
Muốn biết thị trường và người tiêu dùng muốn gì thì phải nghiên cứu thị trường. Việc này mình gần như không làm, cứ tối ngày ăn no rồi đi hội chợ. Cái căn bản nhất của DN là phải hiểu hàng mình làm cho ai. Trong khi mình không biết cứ nhào vô là làm. Nông dân thấy hàng xóm trồng cái gì thì trồng cái nấy, DN thấy cái gì bán chạy thì làm giống y như vậy. Xúm vào làm giống y nhau cuối cùng không ai bán được gì hết.
Tôi cho rằng, việc nghiên cứu thị trường nhà nước phải có sự đầu tư cơ bản, xong rồi DN mới nghiên cứu theo cái riêng của mình. Giống như nhà nước làm toa xe chính cho đoàn tàu, còn DN làm toa xe của mình rồi “móc” vào. Như vậy mới hạn chế được chi phí cho DN và DN mới có thể làm được. Tuy nhiên, cái đó hiện chúng ta không ai làm.
Theo bà, điều khó nhất của DN Việt Nam khi phát triển thị trường trong nước là gì?
Cái khó nhất đối với DN Việt Nam là không biết mình muốn gì. Họ cứ nói tôi muốn nghiên cứu, nhưng lại không biết mình muốn nghiên cứu gì. Anh Trương Công Nghĩa - một chuyên gia chuyên nghiên cứu thị trường - kể anh có nhiều cuộc ngồi nói chuyện với DN rất lâu nhưng DN không biết họ muốn cái gì nên mình cũng không biết làm thế nào để giúp họ.
DN chỉ than thở hàng bán ế quá, không biết làm sao để bán cho nó chạy và nhờ nghiên cứu giùm. Thường thì DN không đưa ra được câu hỏi, yêu cầu một cách rõ ràng. Rồi khi nghiên cứu xong, DN cũng không biết làm gì với kết quả nghiên cứu đó. Phải có một quá trình làm quen với những công cụ khoa học DN mới có thể kinh doanh giỏi được.
Vậy vấn đề hiện nay của nhiều DN không chỉ khan tiền mà còn thiếu cả kiến thức chuyên môn và chưa biết áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn kinh doanh?
Đúng vậy! Cũng giống mấy đứa em nhà tôi mở tiệm may, chúng vừa không may đẹp, lại còn không biết kinh doanh, nên may đi bán bị thiếu nợ riết rồi sập tiệm luôn. Nói rộng ra, cũng giống như nền kinh tế của Việt Nam vậy, mình chỉ sản xuất giỏi thôi, còn tiếp thị kém, phân phối cũng làm chưa đến đâu.
(Báo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com