Suy thoái toàn cầu, vấn đề mỗi nước...
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tình hình tiêu dùng của người Việt Nam vẫn khá khả quan. Ảnh: Lê Toàn |
Tiêu dùng là lẽ sống của hoạt động sản xuất kinh doanh, là yếu tố quyết định cho toàn cục kinh tế tại các nước có thị trường phát triển cao. Nhưng ở Việt Nam, tiêu dùng còn ở mức cơ bản, chưa vượt lên được cái ngưỡng lo ăn, lo mặc, lo học hành...
Âu - Mỹ : người dân phải thay đổi tâm lý tiêu dùng
Ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác, tiêu dùng co cụm trong giai đoạn khủng hoảng như vừa qua và hiện nay đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt hoạt động kinh tế khác, từ ngành bán lẻ đến các lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, ngân hàng...
Giữa thời buổi ảm đạm, chỉ cần động thái tiêu dùng có dấu hiệu tăng là bối cảnh kinh tế như được hửng sáng. Cụ thể như ngày 27-5-2009, ngay sau khi thông tin lạc quan về tâm lý tiêu dùng của dân Mỹ được loan đi thì chỉ số DJIA đã tăng gần 200 điểm.
LTS: Khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đặt ra nhiều vấn đề cần ứng phó và giải quyết, nhưng điều gì là vấn đề của Âu-Mỹ lại không nhất thiết là của Việt Nam. Việc nhìn ra được vấn đề là bước quan trọng, cách ứng phó hay giải pháp cũng bắt đầu từ đó. Loạt bài này của tác giả HUY NAM điểm qua các vấn đề được xem là quan trọng và có sự so sánh với Việt Nam. |
Ở phương Tây, tiêu dùng đã ở mức cao và có độ nhạy cũng cao. Cơ cấu nhu cầu cao và tập quán tiêu dùng là những yếu tố dẫn dắt nhiều hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, yêu cầu về tiện nghi cao làm cho nhiều mặt hàng có thể được xem là xa xỉ đối với các nước đang phát triển thì đối với họ là cần thiết. Họ không lo nhiều cái ăn cái mặc, mà lo cho chiếc xe riêng, lo nghỉ ngơi, mua sắm...
Vào thời buổi khó khăn, việc cắt giảm chi tiêu buộc họ phải tính lại: đi xe chung, không cần xe mạnh, và điều này làm cho những công ty sản xuất xe hơi, đặc biệt là các hãng sản xuất xe công suất lớn, đắt tiền, bị ảnh hưởng ngay. Ngành sản xuất xe hơi ở Mỹ và nhiều nước khác lao đao rất sớm trong cơn khủng hoảng 2008 là do vậy.
Một đặc điểm khác liên quan đến cơ cấu nhu cầu và tập quán tiêu dùng là việc “xài trước trả sau”. Cùng với các cơ chế tài chánh vi mô có tính khuyến khích (đôi khi bị cho là quá dễ dãi), việc xài trước trả sau có ý nghĩa “kích cung”, đã từng giúp cho nhiều ngành kinh tế phát triển. Nhưng khi khủng hoảng, tập quán tiêu dùng này lại có khả năng nhận chìm hay làm khủng hoảng sâu sắc nhiều ngành kinh tế đã được chính nó “kích”, mà trước tiên là ngành ngân hàng.
Điều đáng lưu ý ở đây là tình trạng xài trước trả sau quá đà đến mức được xem là cẩu thả, với sự đáp ứng liều lĩnh không kém của lĩnh vực tín dụng, được tiếp sức hay cổ xúy có hệ thống, đã treo tất cả vào cùng sợi dây rủi ro. Tình trạng vung tay quá trán ở đây ngay lúc bình thường, chỉ cần tiêu dùng sụt giảm vì một lý do nào đó, nền kinh tế cũng có thể lâm vào khó khăn, chứ không đợi đến khủng hoảng.
Những điều vừa nói (cơ cấu nhu cầu và tập quán tiêu dùng) tuy chưa phải là tất cả nhưng là những vấn đề lớn, nổi cộm và có tính đại diện cho một tình trạng kinh tế đã phát triển cao đến mức nhạy cảm.
Việt Nam: tiêu dùng hầu như không giảm
Ta hãy xem vấn đề tiêu dùng ở Việt Nam thế nào. Có thể nói ngay rằng, dù không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cơn bão toàn cầu, trong thời gian qua, kể từ cột mốc bùng nổ suy thoái kinh tế thế giới là tháng 9-2008, tình trạng tiêu dùng ở Việt Nam hầu như không suy giảm, không phải là vấn đề lo ngại như nhiều nước trên thế giới.
Quả thật, hầu hết khách nước ngoài đến Việt Nam, nếu chỉ quan sát sinh hoạt, họ đều nói không thấy có khủng hoảng ở đây. Kể cả Michael E. Porter, ông tổ của học thuyết cạnh tranh toàn cầu, trong chuyến du thuyết tại Việt Nam vào cuối năm 2008 cũng nói vậy.
Ngược lại là khác, trước tháng 10-2008, do lạm phát cao, giá cả leo thang nên ai cũng dè xẻn. Khi thị trường “hạ nhiệt” người dân đã lại nhiệt tình mua sắm. Cũng cần lưu ý, cho dù thị trường địa ốc trong nước cùng thời gian có sự trầm lắng, kéo theo việc tồn đọng một số loại vật tư hàng hóa như xi măng, sắt xây dựng, nhưng điều này không có mối liên hệ nào rõ ràng với tình hình của thế giới, mà chủ yếu là do bị tác động từ các biến động nội tại, do lạm phát, giá vật liệu tăng cao trước đó...
Cơ cấu tiêu dùng của người Việt Nam lại rất đơn giản, có thể nói còn ở mức cơ bản, thậm chí là không được khuyến khích đối với nhiều mặt hàng “chuẩn nhu yếu” như xe hơi, máy điều hòa không khí... Xét về cơ cấu nhu cầu và giai đoạn phát triển, có thể nói tiêu dùng trong nước như người trẻ đang lớn, rất sung sức, thèm ăn và đang có nhu cầu nạp năng lượng cao (sức mua cao - và đây là chỗ được các công ty phân phối hay bán lẻ nước ngoài để mắt). Điều này hoàn toàn khác với tình trạng biếng ăn, kén ăn hay kiêng ăn của những “thể trạng” (nền kinh tế) đã no đủ, béo phì, hay vì khó khăn nay buộc phải tiết giảm các món sơn hào hải vị...
Kích cung hay kích cầu?
Phân tích như vậy để thấy bệnh nào thuốc nấy và việc kê toa bốc thuốc sẽ còn tùy cơ địa. Việc nhận dạng vấn đề thực là bước vô cùng quan trọng. Rất tiếc việc này trong thời gian qua có vẻ còn phân tán, chỉ bàng bạc và dừng lại ở một số bậc thức giả, trên một số diễn đàn... Có thể khẳng định, dù cùng bị ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, ở ta không có vấn đề suy giảm tiêu dùng.
Ở bên Tây tiêu dùng co cụm, hàng loạt các thị trường khê đọng nên người ta kích cầu. Ở ta tiêu dùng đang sung, thị trường đang sức lớn, mà ta cũng kích cầu thì rất dễ nuôi hàng Thái Lan hay Trung Quốc.
Lẽ ra ta kích cung thì sẽ hợp lý hơn. Nhưng không phải và không thể kích cung đơn giản. Chiến lược sản xuất, việc hoạch định và phân bổ nguồn lực hợp lý và tối ưu (vấn đề phân vùng và/hoặc tập trung), là những vấn đề không thuần tài chánh, là thứ vượt tầm doanh nghiệp. Doanh nghiệp không tự làm được nhưng sẽ làm được bằng các phương thức có tác nhân chính phủ.
Lấy ví dụ trong ngành xe hơi, thay vì chỉ đưa ra lộ trình và tỷ lệ nội địa hóa đơn giản, Chính phủ sẽ ngồi lại với doanh nghiệp, chọn ra các chi tiết hay bộ phận cụ thể mà trong nước có điều kiện, khả năng và lợi thế sản xuất cho hoạt động lắp ráp tại chỗ và để xuất khẩu.
Kể cả xuất ngược lại cho các hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam, coi đây như một điều kiện tiêu thụ đối lưu có qua có lại. Công nghiệp phụ trợ (sản xuất linh kiện và bộ phận rời) chỉ có thể hiện thực bằng các bước đi cụ thể như vậy.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều ưu đãi khuyến khích cho chính các doanh nghiệp làm ra các sản phẩm phụ trợ này, chứ không phải cho các hãng xe hơi. Chiến lược sản xuất quốc gia, sự huy động toàn lực sao cho hiệu quả, việc hoạch định và phân bổ nguồn lực hợp lý và tối ưu là một đề tài lớn mà người viết bài này không đủ sức bàn sâu. Chỉ thêm là, cần xác định rõ ở các lĩnh vực nào và trong chừng mực nào thì vai trò kinh tế nhà nước và hoạt động kinh tế nhà nước sẽ tốt và có hiệu lực thuyết phục.
Làm sao để vai trò này tạo ra sự vận động thu hút toàn lực, tăng cường sức mạnh, khuyến khích hay khơi dậy mọi tiềm năng cho nền kinh tế; tránh tạo ra tình trạng cạnh tranh bất cân xứng. Ví dụ chính phủ có nên đứng ra (dưới các hình thức) xây nhà giá thấp hay chỉ nên sắm vai hỗ trợ về tài chính và chính sách để doanh nghiệp tham gia sẽ tốt hơn?
Ta cũng đã nghe nói nhiều đến hoạt động kinh tế theo quy mô cho mục đích dọn đường của Hàn Quốc. Hoặc sự khuyến khích các hoạt động kinh tế “siêu vi mô” theo kiểu gia đình hay hộ dân của Nhật trước đây, và Hồng Kông hay Đài Loan sau này. Việc tham khảo và mô phỏng có thể giảm thiểu chi phí trả cho việc “thử và sai”.
Hoạt động kích cung ở đây không nên chỉ là biện pháp chữa cháy nhất thời, mà nên là chiến lược dài hơi để mở rộng thị trường nội địa. Việc này sẽ cần đến các chính sách rõ ràng, nhất quán. Nếu không, sẽ khó cạnh tranh với các nguồn hàng nhập, không chỉ là của Trung Quốc, mà ngay cả với nhiều mặt hàng (như thực phẩm, thịt) từ các châu lục khác như Mỹ, Phi.
Mặt khác, vì nhiều lý do, cũng không thể đơn giản “bê” các mặt hàng xuất khẩu qua tiêu thụ nội địa mà thành công được, ngoại trừ là việc tạm thời để giải quyết hậu quả hay hàng tồn.Việc quá tập trung cho sản xuất để xuất khẩu, không hoặc ít chú trọng thị trường nội địa, đến một lúc sẽ dẫn đến chỗ nhiều doanh nghiệp có thể bị rơi vào bế tắc kép: xuất thì khó khăn, mà tiêu thụ nội địa lại chưa thể sẵn sàng.
Chính sách kích cầu (bằng hỗ trợ tài chính) lúc này đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có thể không như mong đợi. Tại sao? Vì khác với thời gian trước tháng 9-2008 bị khó khăn về tài chính (lãi suất cao), khó khăn vừa qua của doanh nghiệp là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.
Việc ăn hàng, nhu cầu mua hàng là ở đầu nước ngoài nên không thể “kích” được. Việc mở rộng thị trường nội địa dù có đặt ra thì lại không thể một sớm một chiều.
Kích cầu hay kích thích? Nhân đây, xin bàn một chút về cách gọi “kích cầu”. Cách gọi này có thể gây nhầm lẫn, vì thật ra thế giới họ gọi hoạt động này là stimulus, nghĩa là kích thích kinh tế nói chung. Tùy tình trạng “bệnh lý” mà họ sẽ kích cái gì, bơm ở đâu, có thể là kích cung thay vì đơn giản chỉ kích cầu. Chẳng hạn, muốn phá đóng băng thanh khoản người ta sẽ đổ tiền vào ngân hàng, muốn cứu một ngành nào đó họ sẽ dùng cách tài trợ hay mua lại, khi muốn kích cầu người ta cấp phiếu hay cho tiền... |
(Theo Huy Nam // Báo Saigon Times online)
Bài thuộc chuyên đề: 01/01/2009 Mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com