Ông Ralf Mattheas: “Vấn đề lớn nhất của năm qua là sự giảm sút lòng tin của người tiêu dùng” |
Có rất nhiều chỉ số để phân tích, dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2010, trong đó niềm tin của người tiêu dùng được coi là một chỉ số quan trọng. Ông Ralf Mattheas – Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường TNS đã chia sẻ kinh nghiệmvề vấn đề trên.
- Ông đánh giá như thế nào về Việt Nam trong năm 2009 vừa qua. Đâu là vấn đề nổi cộm?
Năm 2009 là năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Theo tôi, vấn đề lớn nhất của năm qua là sự giảm sút lòng tin của người tiêu dùng. Niềm tin của người tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nền kinh tế, tỷ giá đồng tiền Việt Nam, công ăn việc làm, chi phí sinh hoạt, đầu tư nước ngoài và mức sống cá nhân. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tất cả các chỉ số trên đều suy giảm khiến cho người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn (khoảng 11% trên tổng thu nhập), không dám mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
- Sự sụt giảm niềm tin của người dân đã ảnh hưởng như thế nào tới hành vi tiêu dùng, thưa ông?
Trong thời khủng hoảng, vấn đề thương hiệu sẽ ít được bàn tới. Người tiêu dùng sẽ tìm đến những sản phẩm có giá thấp hơn với chất lượng vừa phải mà không quá chú trọng nguồn gốc nhãn hiệu như trước đây. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy sự ưu tiên cho các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Chính vì vậy nhiều người đã lựa chọn những sản phẩm quần áo may sẵn, nước giải khát đóng chai như Dr. Thanh, trà xanh không độ…
- Vậy trong năm 2010, làm thế nào để củng cố niềm tin của người tiêu dùng?
Trước hết, niềm tin của người dân phải được cải thiện. Khoảng 60% cho rằng kinh tế sẽ tốt đẹp hơn trong năm 2010 (năm 2009 chỉ số này chỉ là 45%). Một nửa số người được khảo sát cho rằng mức sống của họ sẽ được cải thiện trong năm 2010, trong khi trong năm 2009 con số này chỉ là 1/3. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ giá đồng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là mối lo ngại của người dân.
- Như vậy thì người dân có thể trở lại thói quen mua sắm khá rộng rãi như trước đây?
Không hoàn toàn như vậy, tuy nhiên có sự thay đổi lớn so với năm 2009. Theo khảo sát của chúng tôi về 11 ngành hàng và dịch vụ như giáo dục, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ y tế, giao thông, sản phẩm gia dụng … thì có đến 9 lĩnh vực có dấu hiệu tăng trưởng. Giáo dục được dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất, trong khi lĩnh vực y tế không có nhiều biến động. Giải trí và các sản phẩm gia dụng vẫn chưa được để tâm nhiều lắm. Thực phẩm và đồ uống vẫn được ưa chuộng, tuy nhiên người dân bắt đầu thận trọng hơn trong việc lựa chọn đồ uống.
- Những điều này sẽ tạo ra cơ hội và thách thức gì cho thị trường trong năm 2010?
- Nhắc đến truyền thông, quảng cáo, ông có những dự báo gì về sự phát triển của lĩnh vực này trong năm tới. Những nhân tố mới như tiếp thị số, tiếp thị qua các trang mạng xã hội có làm nên những điều kỳ diệu như mong đợi?
Truyền thông có sự thay đổi lớn với sự tăng trưởng mạnh mẽ của internet và sự suy giảm của báo in và các phương tiện đại chúng khác. Ngay cả TV, vốn là phương tiện có sức ảnh hưởng to lớn, cũng trở nên suy yếu. Ngày nay, người dân sẽ có xu hướng đến các khu giải trí như rạp chiếu phim, bar hơn là ở nhà xem TV. Các chương trình truyền hình thì buồn tẻ và sự hấp dẫn của các chương hình truyền hình cáp sẽ khiến cho rating của các nhà đài trở nên khó thuyết phục cho các khách hàng tham gia quảng cáo. Tương lai của Việt Nam sẽ là kỷ nguyên số. Với khoảng 25 triệu người online hàng tuần, cách thức liên lạc, mua sắm, nắm bắt và chia sẻ thông tin đã biến chuyển rõ rệt. Nhưng quảng cáo trên internet vẫn còn là vấn đề cần xem xét bởi không ai biết được hiệu quả thực sự của nó. Cá nhân tôi không tin tưởng lắm vào các hoạt động tiếp thị mới như tiếp thị qua mạng xã hội hay tiếp thị di động. Tuy nhiên, khi con người còn đang bị ngập tràn bởi các quảng cáo ở khắp mọi nơi thì đó cũng là lúc bổ sung thêm một loại hình mới.
Hiện nay đang bùng nổ một kênh thông tin mới dành cho giới trẻ là các chương trình trên đài phát thanh với tên gọi là XONE FM. Đó là chương trình về âm nhạc quốc tế, thu hút sự quan tâm của giới trẻ từ 15 đến 35 tuổi - độ tuổi vốn chiếm tới 56% lượng độc giả phát thanh của Việt Nam.
- Theo ông, trong năm 2010, những ngành nào sẽ phát triển mạnh mẽ:
Thực phẩm đồ uống, viễn thông, máy tính, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thị trường bán lẻ.
- Thị trường bán lẻ sẽ ra sao khi thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi?
Muốn thành công, thị trường bán lẻ không thể bỏ qua những xu hướng mua sắm như tôi đã phân tích ở trên. Ví dụ cần phải lựa chọn các loại kích cỡ, chủng loại phù hợp nhu cầu tiêu dùng thời khủng hoảng. Thêm nữa, có 2 yếu tố cần quan tâm. Thứ nhất, trưng bày sản phẩm, làm sao có thể vừa tầm tay và sắp xếp hợp lý cùng với bao bì bắt mắt. Điều này cũng quan trọng khi ngày nay người tiêu dùng thường mua sắm một cách ngẫu nhiên chứ không theo danh sách liệt kê như trước đây. Thứ hai, cần nghiên cứu và bổ sung những dịch vụ đi kèm như các khu vực vui chơi giải trí, quầy ẩm thực, hệ thống TV.
- Khi khách hàng có xu hướng mua sắm ngẫu nhiên thì lòng trung thành đối với các nhãn hiệu trong nước sẽ như thế nào thưa ông?
Ở Việt Nam thì đó thực sự là thách thức. Lòng trung thành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chất lượng sản phẩm và việc cam kết chất lượng của các thương hiệu Việt Nam chưa thực sự nhất quán và bền bỉ, có nguy cơ làm giảm lòng tin đối với khách hàng. Một điều rất quan trọng nữa là người Việt Nam luôn đề cao vị trí xã hội của mình. Họ sẽ chọn các sản phẩm của các thương hiệu danh tiếng, đặc biệt của nước ngoài, để tương xứng với vị thế của họ, dù các sản phẩm đó chưa chắc đã tốt hoặc khiến họ thoải mái thực sự. Ngoài ra, các vấn đề khác như giá trị thương hiệu, cá tính thương hiệu và khả năng truyền cảm hứng cũng là những yếu tố quyết định đến lòng trung thành của người tiêu dùng đối với một thương hiệu nào đó.
- Xin cam ơn ông!
(Theo Hoài Anh // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com