Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường gia vị: Nhỏ mà không nhỏ

Sản xuất gia vị dường như quá nhỏ bé và ít được nhắc đến trong các lĩnh vực kinh doanh, nhưng ngành này lại đang có nhiều ưu thế phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những mặt hàng gia vị đã có sự phát triển vượt bậc đáng ghi nhận.

Nhu cầu lớn

Có thể nói, gia vị là một trong những dòng sản phẩm gắn liền với đời sống hàng ngày của các gia đình ở Việt Nam. Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, vài năm trở lại đây ngành thực phẩm chế biến, sơ chế trong nước đã phát triển nhanh với tốc độ từ 150-200%/năm.

Theo dự báo, những năm tới xu hướng mua hàng qua kênh siêu thị sẽ tăng khoảng 150%/năm do người tiêu dùng tìm đến các kênh cung cấp sản phẩm đạt vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng nhiều hơn. Sự sôi động của kênh bán hàng này là điều kiện để thị trường gia vị Việt Nam phát triển mạnh.

Hiện nay, thị trường đã đón nhận được sự góp mặt của hàng loạt doanh nghiệp (DN) tham gia vào phân khúc này, từ các đơn vị có thương hiệu lớn như Ajinomoto, Unilever, Masan đến các thương hiệu quen thuộc như Trường Thành, Cholimex... Thậm chí, các nhà bán lẻ như Co.opmart, Big C cũng có những dòng sản phẩm riêng để cạnh tranh giành khách hàng.

Từ năm 2001, hạt nêm từ thịt Knorr vào thị trường Việt Nam, rồi đến Maggi cũng nhảy vào. Trước đó, Ajinomoto và Vifon đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần. Theo một nghiên cứu thực hiện từ năm 2003, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 triệu lít nước tương và khoảng 1.500 tấn hạt nêm mỗi năm.

Từ đó đến nay chưa có thêm một nghiên cứu nào về thị trường này, nhưng với tốc độ phát triển không ngừng của các dòng sản phẩm gia vị, có thể nói mức độ tiêu thụ của thị trường đối với sản phẩm này đang ở mức rất lớn. Nhìn vào số lượng trên 100 nhãn hiệu đang tham gia vào thị trường gia vị, nhiều người cho rằng cung đã đủ cầu. Song, các nhà sản xuất cho rằng hiện nay mức tiêu thụ gia vị của các gia đình tại Việt Nam vẫn còn đạt mức trung bình và còn nhiều dư địa để khai thác.

Cạnh tranh cao

Theo bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc Marketing của siêu thị Co.opmart, mức tăng trưởng của nhóm hàng gia vị trong thời gian qua đạt nhiều kết quả ấn tượng. Chỉ trong nửa đầu năm 2012, doanh thu của các mặt hàng này đã tăng từ 80-150% so với năm 2011.

Các nhà sản xuất cũng đang đẩy mạnh phát triển nhiều dòng sản phẩm gia vị chế biến sẵn dành cho các món ăn quen thuộc như phở, lẩu với đủ hương vị khác nhau để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Theo thăm dò của các siêu thị, mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm cùng loại khác thương hiệu chênh lệch nhau không nhiều. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng vẫn chọn những sản phẩm được quảng cáo nhiều, trưng bày ở những vị trí bắt mắt và có các chương trình khuyến mại.

Do vậy, các nhà sản xuất nhận định, trong cuộc cạnh tranh này, DN nội đang bị lu mờ do chưa quảng bá được thương hiệu. Theo một công ty quảng cáo, khi một thương hiệu mới xuất hiện, chi phí để quảng bá tại các kênh siêu thị, chợ trên truyền thông chiếm không dưới 3 tỷ đồng. Thậm chí, có thương hiệu tiêu tốn đến 7 tỷ đồng cho chi phí quảng bá thương hiệu. Do vậy, các nhà sản xuất trong nước khó lòng đua tranh được với các nhà sản xuất nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam do yếu về vốn.

Tuy nhiên, một điểm sáng đáng ghi nhận là trước đây, những nhà sản xuất trong nước có thương hiệu vượt trội vươn lên khẳng định uy tín toàn quốc chưa nhiều, mà chủ yếu thể hiện ở lợi thế địa phương. Nhưng gần đây, khuynh hướng cạnh tranh giành ưu thế đặc sản đã hình thành và phát triển mạnh trong cộng đồng DN Việt. Nhờ vậy, những thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết giành được thị phần tiêu thụ lớn bên cạnh sản phẩm được quảng cáo rầm rộ khác.

Điều này cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội trên thị trường. Nếu không thể đầu tư cho hoạt động quảng bá thương hiệu, DN nên dựa vào lợi thế riêng sẵn có để cạnh tranh giành thị phần. Một vấn đề gây mất công bằng trong cuộc cạnh tranh này cần giải quyết ngay là hiện nay vẫn chưa có tiêu chí để xác định sản phẩm thuộc hàng cao cấp hay trung bình.

Do vậy, thị trường lẫn người tiêu dùng chỉ đang phân biệt bằng nhà sản xuất, sản phẩm ngoại cho là hàng cao cấp, sản phẩm nội cho là hàng bình dân, trong khi mức giá chênh lệch giữa các loại sản phẩm này không lớn, thậm chí nhiều sản phẩm nội có giá cao hơn sản phẩm ngoại.

Hơn nữa, chất lượng cũng chưa được kiểm chứng, quảng cáo sai sự thật, tôn sản phẩm của mình lên và dùng chiêu "dìm" các sản phẩm khác, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tiêu dùng của toàn thị trường. Chính vì vậy, thị trường đang rất cần một bộ khung quản lý về chất lượng và khâu quảng bá thương hiệu để các DN được cạnh tranh, phát triển trong môi trường công bằng.


Theo SGĐTTC

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com