Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao mô hình thuê Tổng giám đốc của Vinamotor thất bại?

Chỉ sau một năm triển khai, Tổng công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam (Vinamotor) đã phải đề nghị các cấp có thẩm quyền cho dừng thí điểm mô hình "thuê Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước", và trở lại thực hiện mô hình bổ nhiệm Tổng giám đốc điều hành để ổn định sản xuất.

 

Trong xu thế hội nhập, Ðảng và Chính phủ có sự quan tâm đặc biệt về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phù hợp sự phát triển của nền kinh tế, nhất là đổi mới mô hình sử dụng cán bộ trong quản lý kinh tế và điều hành sản xuất, kinh doanh. Với chủ trương muốn tách rời và phân tích rõ vai trò của người đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước (Chủ tịch HÐQT) với người điều hành doanh nghiệp (tổng giám đốc, giám đốc) nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNNN, Chính phủ đã chỉ đạo cho phép một số Tổng công ty Nhà nước, trong đó có Vinamotor thí điểm thực hiện mô hình "HÐQT Tổng công ty thuê Tổng giám đốc điều hành". Thuê Tổng giám đốc cho các Tổng công ty là một yêu cầu khách quan trong việc đổi mới và phát triển DNNN trong nền kinh tế thị trường. Với năng lực của mình, Tổng giám đốc được thuê sẽ tạo nên bước phát triển mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN.

 

Mục đích của việc thí điểm này để thay đổi cơ bản mô hình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ điều hành tại DNNN đã áp dụng từ lâu, qua đó xây dựng một mô hình sử dụng cán bộ phù hợp cơ chế quản lý kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Việc này sẽ tách rời vai trò lãnh đạo của chủ sở hữu và cán bộ điều hành trong DNNN, làm cho DN ngày càng phát triển, tăng trưởng và bảo toàn vốn, đạt lợi nhuận cao. Mặt khác, sẽ tuyển chọn được và sử dụng cán bộ điều hành đúng năng lực, sở trường, chuyên ngành sâu và chuyên nghiệp. Thông qua mô hình này, sẽ giúp DN tìm ra mô hình mới, đổi mới toàn bộ công tác nhân sự trong DNNN, thu hút nhân lực chất lượng cao; đổi mới cơ chế lương, thưởng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Quy chế Hội đồng quản trị thuê Tổng giám đốc đã được Bộ trưởng Giao thông vận tải phê duyệt và công tác tuyển chọn Tổng giám đốc điều hành được Tổng công ty thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự. Ngày 28-7-2008, lễ ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc điều hành được tổ chức khá rầm rộ giữa Hội đồng quản trị Tổng công ty với ông Trần Quang Thành, thạc sĩ quản trị kinh doanh, Giám đốc Công ty liên doanh và sản xuất ô-tô Hòa Bình (VMC), với mức lương rất hấp dẫn: 32 triệu đồng/tháng. Trong quá trình thi tuyển, ông Thành đã vượt qua 10 thí sinh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ do chính các thành viên trong HÐQT Vinamotor lựa chọn. Cũng tại lễ ký hợp đồng, ông Chủ tịch HÐQT Vinamotor còn khẳng định, ông Thành là người hội đủ những phẩm chất để điều hành Vinamotor.

 

Tuy nhiên, sau một năm triển khai thí điểm mô hình này, đánh giá một cách tổng quát về công tác thuê Tổng giám đốc điều hành thì "bức tranh sản xuất, kinh doanh của Vinamotor còn khá mờ nhạt, điều hành của Tổng giám đốc được thuê chưa có nét đặc sắc, nổi bật, phần lớn vẫn dựa vào các cơ chế và quy định đường lối chỉ đạo và mô hình quản lý của Tổng giám đốc cũ, chưa có điểm nhấn nào thể hiện sự khác biệt của Tổng giám đốc thuê". Ðặc biệt, đời sống và việc làm của cán bộ, công nhân, viên chức của Vinamotor còn có dấu hiệu thụt lùi. Nguyên nhân khách quan do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên cũng không thể không nhắc tới trách nhiệm người chèo lái "con thuyền Vinamotor" đã thiếu vững vàng.

 

Ðúng một năm thực hiện mô hình thí điểm này, căn cứ theo Ðiều 16 của quy chế, ông Trần Quang Thành có đơn đề nghị Hội đồng quản trị xin đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sau khi họp bàn, Hội đồng quản trị Vinamotor đồng ý và đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép giao quyền Tổng giám đốc cho ông Ðỗ Nga Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển vận tải, đơn vị thành viên của Vinamotor nhận bàn giao điều hành, quản lý DN cho tới khi có văn bản chính thức về sử dụng cán bộ theo mô hình tiếp tục thuê hoặc đề bạt Tổng giám đốc do Bộ Giao thông vận tải quy định. Theo Ban đổi mới DN của Vinamotor, qua việc thực hiện mô hình này, Tổng giám đốc được thuê không phải là thành viên Hội đồng quản trị, do đó đã tách rời được trách nhiệm, quyền hạn, vai trò của cán bộ quản lý (chủ sở hữu) và cán bộ điều hành trực tiếp trong DN. Có lẽ, mục tiêu tách rời trách nhiệm của chủ sở hữu và cán bộ điều hành đã đạt được như kỳ vọng ban đầu, nhưng nếu đưa lên bàn cân, "một cái được" này không thể khỏa lấp "hai cái mất" là sản xuất, kinh doanh không có gì nổi bật và đời sống cán bộ, công nhân viên có phần sút kém. Như vậy, có thể nói, mô hình thí điểm này của Vinamotor đã thất bại, do chưa lường hết những khó khăn đặt ra. Mô hình đã bộc lộ nhiều bất cập, như thiếu đồng bộ, chưa phù hợp cơ chế quản lý của DNNN, Luật DNNN và giảm hiệu quả trong điều hành doanh nghiệp.

 

Thông thường, Tổng giám đốc có toàn quyền xây dựng bộ máy giúp việc cho mình, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các phó giám đốc, trưởng, phó phòng, ban. Tuy nhiên, ở các DNNN lớn, Tổng giám đốc khó có thể can thiệp, bác bỏ ý kiến cấp phó do liên quan tổ chức đảng, đoàn thể. Tại Vinamotor, Tổng giám đốc thuê chỉ có quyền đề xuất để các cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét, quyết định về bổ nhiệm, miễn nhiệm các phó tổng giám đốc, trưởng, phó phòng, ban. Như vậy, rõ ràng Tổng giám đốc chưa có thực quyền về công tác nhân sự, điều động cán bộ.

 

Việc thí điểm thuê Tổng giám đốc tại DNNN đã thu hút được nhân lực có trình độ chuyên môn và quản lý cao, tuy nhiên còn bất cập về cơ chế và ràng buộc vì mô hình tổ chức, sử dụng cán bộ không đồng bộ. Các phó tổng giám đốc, trưởng, phó các phòng, ban chức năng vẫn theo chế độ bổ nhiệm, cho nên hiệu quả về chỉ đạo, điều hành sản xuất của Tổng giám đốc thuê rất thấp. Phía dưới, cán bộ, công nhân viên còn nặng tính chủ quan, so sánh Tổng giám đốc thuê và Tổng giám đốc bổ nhiệm, khiến điều hành bị giảm sức thuyết phục. Mục tiêu đổi mới công tác nhân sự của DNNN vì thế chưa đạt được yêu cầu. Mục tiêu cải cách cơ chế tiền lương, chế độ thưởng phạt cũng không đạt được, Tổng giám đốc thuê có mức lương riêng, còn các chức danh khác vẫn thực hiện theo thang bảng lương Nhà nước quy định, cho nên gây ra so bì. Một vấn đề nữa là cơ chế ra quyết định tại DNNN nhiều khi chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Những vướng mắc đó cản trở việc phát huy vai trò quyết định của Tổng giám đốc thuê, dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề không giải quyết dứt điểm được.

 

Từ thực tiễn triển khai việc thuê Tổng giám đốc ở Vinamotor, đối với những vướng mắc như nêu ở trên, một mình DNNN thật khó có thể tự giải quyết. Vì vậy, để một chủ trương đúng đắn đi vào cuộc sống, cần nhanh chóng tháo gỡ, thay đổi về cơ chế, xóa bỏ những rào cản đang tồn tại lâu nay.

(Theo QUANG HƯNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Từ chuyện SCIC và JP, nghĩ về việc chọn người
  • Học cách lắng nghe nhân viên
  • Bốn yếu tố thu phục và giữ chân nhân tài
  • “Cơn khát” nhân sự cấp cao
  • Nhân sự cấp cao: Tìm ở đâu?
  • Thắp lửa cho tinh thần làm việc của nhân viên
  • Mỹ: Phóng viên mất việc cao gấp 3 lần ngành khác
  • 5 xu hướng hàng đầu trong Quản trị Nguồn nhân lực
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com