Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trích lập dự phòng tài chính

Trích lập dự phòng tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh giảm.

Phải trích lập

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vừa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tháng 5.2008. Theo đó, tổng doanh thu thuần của công ty này đạt 108,81 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là âm 20,01 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ là do công ty đã tiếp tục lập dự phòng cho hoạt động đầu tư tài chính 50 tỉ đồng.

Theo giải trình của REE, tình hình hoạt động của các lĩnh vực kinh doanh điện máy, bất động sản... của công ty vẫn hoạt động bình thường. Việc trích lập dự phòng cho hoạt động đầu tư tài chính là nhằm đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kế toán - nhất quán trong quản trị hạch toán kế toán. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2008, REE đã thực hiện được tổng doanh thu thuần là 547,41 tỉ đồng, bằng 149,02% so với cùng kỳ năm 2007 và đạt 49,76% kế hoạch năm 2008; lợi nhuận trước thuế là âm 127,48 tỉ đồng. Trước đó trong tháng 4, công ty này cũng đã lập dự phòng cho hoạt động đầu tư tài chính là 22,15 tỉ đồng. Như vậy, cùng với việc trích lập dự phòng tài chính 160,68 tỉ đồng trong quý 1/2008, đến nay REE đã trích lập tổng cộng 232,83 tỉ đồng. Theo báo cáo của REE, tổng vốn đầu tư tài chính đến ngày 31.3.2008 là 1.719 tỉ đồng.

Công ty cổ phần giấy Hải Phòng (HAP) cũng vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5.2008 với doanh thu đạt 39,3 tỉ đồng, lợi nhuận là 1,68 tỉ đồng. Trong tháng 5, HAP cũng trích dự phòng tài chính 4,8 tỉ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, công ty này đạt doanh thu 159,69 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 33,44 tỉ đồng (bằng 42% kế hoạch năm).

Việc các công ty niêm yết trích lập dự phòng tài chính khi giá hàng loạt cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh là điều tất yếu. Tuy nhiên, số lượng công ty niêm yết thực hiện việc này vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã gửi công văn nhắc các công ty niêm yết trích lập dự phòng tổn thất cho các khoản đầu tư tài chính. Theo HOSE, có khá nhiều công ty niêm yết tham gia đầu tư chứng khoán nhưng vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng. Vì vậy, HOSE đề nghị các công ty nghiêm túc thực hiện việc này theo Thông tư số 13/2006 ngày 27.2.2006 của Bộ Tài chính. Việc trích lập dự phòng tài chính là nhằm giúp các doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, việc trích lập dự phòng sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp phản ánh giá trị các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Doanh nghiệp bối rối

Trong tình hình hiện nay, các nhà đầu tư vẫn hiển nhiên hiểu rằng công ty nào có đầu tư tài chính thì đa số đều bị lỗ mặc dù không công bố chính thức. Trong khi đó, giám đốc một công ty niêm yết than thở rằng nếu như trích lập dự phòng tài chính thì rõ ràng lợi nhuận của công ty lúc này sẽ bị "âm". Điều này sẽ càng khiến cho tâm lý các nhà đầu tư thêm bi quan, chán nản. Vì vậy, ông cho rằng nếu được thì công ty sẽ hạch toán vào báo cáo cuối năm một lần.

Nhà phân tích chứng khoán độc lập Lê Đạt Chí cho rằng theo nguyên tắc thì việc đầu tư tài chính dài hạn hay ngắn hạn đều phải trích lập dự phòng tài chính. Thế nhưng hiện nay, nhiều công ty niêm yết vẫn đưa ra lập luận là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gồm đầu tư trái phiếu Chính phủ là an toàn nên không cần thực hiện trích lập dự phòng. "Nếu như công ty mua trái phiếu giao dịch trên thị trường bằng nguồn tiền nhàn rỗi và mới phát sinh thì có thể hạch toán vào tài khoản tiền (kỳ hạn dưới 3 tháng) như là tiền nhàn rỗi đem gửi ngân hàng. Khi đó, nhà đầu tư sẽ không đánh giá xấu khoản đầu tư này. Nhưng nếu công ty đầu tư trái phiếu ngay từ đầu khi Chính phủ phát hành thì khoản đầu tư này luôn trên 3 tháng, phải được hạch toán vào khoản đầu tư tài chính dài hạn thì phải trích lập dự phòng", ông Chí cho biết. "Thật ra, khoản trích lập dự phòng của một số công ty cũng không thể biết chắc có chính xác hay không. Vì vậy, chính thực tế và nhà đầu tư biết phân tích dòng tiền của doanh nghiệp sẽ biết được hơn là chuyện hạch toán trong các báo cáo đó", ông Lê Đạt Chí nói.

( Theo tapchiketoan )

  • Thực trạng công tác lập Báo cáo tài chính hợp nhất tại các tập đòan kinh tế VN
  • Kế toán quản trị trong DN sản xuất: từ kinh nghiệm thế giới đến áp dụng vào Việt Nam
  • Kế toán quản trị trong doanh nghiệp
  • Hướng dẫn sử dụng mẫu chứng từ kế toán
  • Bàn về cơ chế kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại
  • Kiểm toán nội bộ: “Bảo vệ giá trị” doanh nghiệp
  • "Khát" kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp
  • Khác biệt giữa ERP với kế toán truyền thống
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com