Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp cần kiên quyết bảo vệ thương hiệu hợp pháp

- Mới đây, một số phương tiện thông tin truyền thông có đưa tin: “UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp phép cho công ty CP đầu tư tài chính và bất động sản Vincom (Hà Nội) để xây dựng khu du lịch sinh thái tại Chân Mây – Lăng Cô. Theo đó dự án này được xây dựng trên diện tích 8ha, trong đó tổng diện tích xây dựng khoảng 20.000m2, tổng số vốn đầu tư khoảng 18 triệu USD”.

Trước thông tin này, hầu hết dư luận và báo chí đều cho rằng đây là dự án của Công ty Cổ phần Vincom (có địa chỉ tại 191 Bà Triệu, Hà Nội) - một doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư bất động sản (BĐS) tại Việt Nam; chủ đầu tư của các dự án lớn như Vincom City Towes, Vincom Park Place (Hà Nội), Tổ hợp BĐS cao cấp Vincom tại trung tâm Q.1 – TP.HCM; Vincom Plazza (Hải Phòng)... Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cho biết: “Chúng tôi chưa hề có dự án nào tại Chân Mây – Lăng Cô!”.

 Trước câu hỏi: Liệu có hay không một doanh nghiệp khác đã nhái thương hiệu Vincom?  Ông Hiệp cho rằng: “Có thể, đây là dự án của một doanh nghiệp khác có tên na ná Vincom... Riêng với thương hiệu Vincom, chúng tôi, đã tiến hành đăng ký bảo hộ rất chặt chẽ tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Vì vậy, nếu có việc này chúng tôi sẽ kiên quyết đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp về thương hiệu của mình!...”

 Sau khẳng định của ông Lê Khắc Hiệp, chúng tôi đã tìm hiểu về chủ đầu tư của dự án trên và được biết, đó là dự án của công ty CP đầu tư tài chính và bất động sản Vincon (không phải là Vincom). Công ty này được thành lập theo giấy phép đăng ký kinh doanh số 0103017756 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 05/6/2007 và cũng có các lĩnh vực kinh doanh tương tự như của Công ty CP Vincom nhưng với quy mô nhỏ hơn.

 ăn khoăn về việc, Công ty Vincon có cách đặt tên na ná với thương hiệụ lớn là Vincom như trên liệu có vi phạm Luật Sở hữu Trí tuệ và Luật Doanh nghiệp? Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia thương hiệu và luật sư và được biết: Thương hiệu của bất cứ công ty nào cũng được hiểu và biết một cách ngắn gọn, được in lớn trên sản phẩm, dịch vụ  như: Nhà Bè, Việt Tiến, Sony, Samsung hay Vincom... và không thể có một thương hiệu hợp pháp cùng ngành trùng tên những thương hiệu đó, cho dù có thêm chữ phần đầu hay phần sau của thương hiệu, hoặc khác loại hình như: cơ sở sản xuất, TNHH, cổ phần, TNHH một thành viên... Với các trường hợp đặt tên để dễ gây nhầm lẫn như Vincom – Vincon… cũng là không được phép. Vì vậy, nếu có đủ các căn cứ pháp luật như: Doanh nghiệp được thành lập trước, đã đăng ký bảo hộ thương hiệu…Công ty CP Vincom có thể  kiện để bảo vệ thương hiệu của mình, bởi lẽ giữa Vincon với Vincom là cách đặt tên gây nhầm lẫn.

 Theo ông Trần Việt Hùng, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Các sản phẩm đặt tên giống, hoặc nhái hầu hết đều nhằm mục đích "ăn theo" sự nổi tiếng của thương hiệu khác, đánh lừa người tiêu dùng, gây hại cho thương hiệu nổi tiếng Cục sẽ từ chối cấp đăng ký nhãn hiệu cho những công ty có tên giống hoặc na ná tên những công ty đã đăng ký bảo hộ trước và những thương hiệu lớn tầm quốc gia, quốc tế. Đơn cử như mới đây, Cục đã  từ chối đơn xin cấp đăng ký bảo hộ kẹo Honda của một công ty, vì nếu đặt tên trùng sẽ không tránh khỏi gây ra khả năng nhầm lẫn đó là sản phẩm của hãng Honda Nhật Bản.

 “Chưa bao giờ tại Việt Nam, tình trạng đặt trùng tên, nhái tên, na ná tên một cách vô tình hay hữu ý, diễn ra nhiều như hiện nay. Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực, các cam kết WTO đang được thực thi trong đó có nội dung quan trọng là bảo vệ sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nên có ý thức hơn trong việc chủ động đăng ký tác quyền thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng… đồng thời cũng phải tích cực và kiên quyết đấu tranh chống lại tình trạng cố tình đặt tên giống hoặc nhái để “ăn theo” thương hiệu mà mình đã dày công xây dựng.”- ông Hùng cho biết.

 

Điều 78.3 Luật Sở hữu Trí tuệ: Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt, nếu không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

 Điều 32 Luật Doanh Nghiệp: Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký.

 Điều 11.4 Nghị định 88/2006/NĐ- CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh: Không được sử dụng tên thương mại của tổ chức cá nhân khác đã đăng ký bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại đó.

(Theo báo Hà nội mới )

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Xây dựng thương hiệu trong môi trường phong thủy
  • MobiFone được định giá trên 2 tỷ USD
  • Dịch vụ quảng bá thương hiệu
  • Câu chuyện tia nắng và tia laser
  • Đi tìm “gốc” của thương hiệu
  • Thương hiệu của sự "thèm muốn"
  • Tăng cường chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu
  • Gốm Quang với mỹ thuật ứng dụng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com