“Làm mới thương hiệu là quá trình nghiên cứu lâu dài, đưa ra ý tưởng mới và diễn đạt được ý tưởng đó một cách ấn tượng nhằm giúp thương hiệu khẳng định được vị trí của mình để từ đó ăn sâu vào tâm trí của khách hàng”, ông Thẳng nói.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cho biết, sau 17 năm hoạt động, cái tên “Ngân hàng TMCP Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam” (VP Bank) đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, vì khu vực tư nhân hiện đã chiếm đến 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nên tên đó không còn tạo được sự khác biệt nữa. Bên cạnh đó, mục tiêu hoạt động của ngân hàng này cũng đã không ngừng thay đổi theo từng thời kỳ cho phù hợp. Vì vậy, VP Bank cần có một cái tên phù hợp hơn, đảm bảo kế thừa được những lợi thế của quá khứ, đồng thời thể hiện được mục tiêu chiến lược của giai đoạn mới.
“Ngoài ra, trong vài năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của giá trị vô hình khi thương hiệu được định vị trong tâm trí khách hàng, các ngân hàng đã ráo riết “chạy đua” thay đổi, nâng cấp hình ảnh, diện mạo của mình, bên cạnh việc cạnh tranh nâng cao chất và lượng của sản phẩm, dịch vụ”, đại diện VP Bank giải thích thêm.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, lý do làm mới bộ nhận diện thương hiệu của PNJ là nhằm củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường trang sức, cũng như phù hợp hơn với hướng phát triển đa dạng hóa sản phẩm của mình. Ông Quỳnh cho rằng, sau 20 năm tồn tại, hình ảnh thương hiệu cũ của PNJ đã bị “già hóa”, khó thể hiện trọn vẹn các mảng kinh doanh hiện tại của Công ty (không chỉ kinh doanh trang sức), cũng như hướng đến những mục tiêu phát triển cao hơn.
Trong khi đó, động cơ thay đổi của Công ty Vinamit, theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Lâm Viên, là giúp đưa mức doanh thu từ vài trăm tỷ đồng/năm hiện nay của Vinamit vươn đến con số vài trăm triệu USD/năm. Với tham vọng “thay thế món khoai tây chiên ở các cửa hàng thức ăn nhanh Việt Nam bằng sản phẩm trái cây sấy khô của Vinamit”, ông Viên đã không ngần ngại bỏ ra khoản tiền rất lớn để tiến hành đổi mới bộ nhận diện thương hiệu, ngay trong điều kiện thị trường không mấy thuận lợi trong năm 2009. Sau khi hoàn thành đổi mới “bên trong” về các hoạt động kinh doanh, chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp..., Vinamit bắt đầu thay đổi “bề nổi”, tức là củng cố, làm mới hình ảnh thương hiệu Vinamit bằng việc thuê một công ty chuyên nghiệp thực hiện việc này với chi phí hàng tỷ đồng.
Còn đối với FPT, ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc tập đoàn này cho biết, việc thay đổi logo và chiến lược thương hiệu với thông điệp “Tiếp nguồn sinh khí” là nhằm tạo ra một thương hiệu chung cho các công ty thành viên của Tập đoàn, vì hầu hết người tiêu dùng chỉ biết FPT là một thương hiệu công nghệ thông tin lớn chung chung. Một hình ảnh logo FPT chung sẽ bảo trợ cho tất cả sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, chứng khoán, ngân hàng... Các công ty thành viên sẽ tận dụng sức mạnh của thương hiệu FPT, không mất công sức xây dựng các thương hiệu con riêng lẻ. Cấu trúc thương hiệu mới cũng sẽ giúp hình ảnh FPT mạch lạc hơn, dễ hiểu hơn và nhất quán hơn đối với các nhà đầu tư, khách hàng và công chúng.
“Để làm tốt điều này, FPT sẽ đầu tư truyền thông toàn diện để mọi người nhận biết việc thay đổi thương hiệu, đồng thời triển khai hệ thống nhận diện mới này một cách nhất quán trong toàn Tập đoàn, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ việc triển khai sử dụng hệ thống nhận diện mới giữa các công ty thành viên và Tập đoàn”, ông Thành nói.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com