Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2-2008: Chắp cánh cho thương hiệu bay xa

Vào lúc 19 giờ 45 ngày 10-12, tại Quảng trường TP.Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) sẽ diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 2-2008. Chương trình khai mạc sẽ được tổ chức hoành tráng, với nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật hiện đại kết hợp với nét văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc của vùng đất Tây Nguyên.

Đây là sự kiện văn hoá – du lịch gắn liền với kinh tế mang tầm quốc gia, nhằm mục đích quảng bá, tôn vinh thương hiệu Cà phê Việt Nam nói chung và Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng trong hành trình hội nhập toàn cầu. Đồng thời, góp phần thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, giao lưu văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, thu hút đầu tư, góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Tham dự Lễ hội lần này, ngoài những chủ nhân của vùng đất đỏ ba-zan Cao nguyên, còn có nhiều đoàn khách quốc tế, nhiều doanh nhân và doanh nghiệp lớn trong nước cùng sự hiện diện của hàng chục thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam và Buôn Ma Thuột…

Đến với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, du khách sẽ có cơ hội gặp gỡ giao lưu với những con người nhiều đời gắn bó với hạt cà phê; được thưởng thức, tận hưởng hương vị tuyệt vời của Cà phê Buôn Ma Thuột… Không chỉ mang ý nghĩa quảng bá, tôn vinh, Lễ hội còn là một nhịp cầu đưa thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa, bay cao bằng sự phát triển bền vững…

Để tạo ra tầm vóc của Lễ hội cà phê lần này, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng gần 20 tỷ đồng. Ban tổ chức đã mời hơn 1 nghìn khách với hơn 150 doang nghiệp tham gia. Trong khuôn khổ Lễ hội (từ ngày 10 đến 14-12) cùng lúc tại nhiều địa điểm khác nhau tại TP. Buôn Ma Thuột sẽ đồng thời diễn ra các hoạt động văn hoá - thể thao, kinh tế, thương mại như: hội chợ, triển lãm, giao lưu biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian… dự kiến sẽ thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước quan tâm đến lễ hội đầy ý nghĩa này.

Tôn vinh người trồng cà phê

Ðác Lắc là một tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm bình quân đạt 500 triệu USD (riêng năm 2008 đạt 700 triệu USD). Hiện tại, cuộc sống của khoảng 1/3 dân số tỉnh gắn liền với cây cà phê và trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh cũng từ cây cà phê.

Năm 2005 tỉnh Đác Lắc đã tổ chức thành công Lễ hội cà phê lần thứ nhất với mục đích quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá thì do lần đầu tổ chức nên nhận thức của người dân trồng cà phê cũng như doanh nghiệp còn có những hạn chế nhất định. Đến năm 2007, tỉnh Đác Lắc tiếp tục tổ chức tuần lễ văn hóa cà phê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với mục đích cho người dân hai thành phố lớn trên biết đến cà phê Buôn Ma Thuột từ khâu trồng trọt, chăm sóc cho đến thu hoạch, chế biến, qua đó có thể kích cầu tiêu thụ nội địa.

Cà phê của Việt Nam nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng hiện đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là cà phê Việt Nam chỉ xuất khẩu ở dạng thô và luôn bị trừ lùi so với giá thế giới từ 100-200 USD/tấn. Trên thế giới, đa số những người sử dụng cà phê của Việt Nam nhưng lại chưa hề biết đến xuất xứ… “Với mục đích tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, thúc đẩy sự phát triển xuất khẩu cà phê Việt Nam, góp phần giới thiệu thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới…, tỉnh Đác Lắc tiếp tục tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2-2008. Lễ hội lần này được tổ chức với quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều thương hiệu cà phê nổi tiến trong nước và trên thế giới…” - ông Y Dhăm Enuôl- Phó Chủ tich UBND tỉnh, trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết.

Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Đác Lắc phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển cà phê bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trong Lễ hội cà phê lần này còn có nhiều hoạt động tôn vinh người trồng cà phê như Hội thi “Nhà nông sản xuất cà phê giỏi và hội nhập”. Đây thực sự là cơ hội để người nông dân sản xuất cà phê được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất cà phê bền vững từ khâu chọn giống, chọn đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản  cũng như việc phát triển cà phê gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái…

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Đặc biệt tại Lễ hội cà phê lần này, Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ chính thức khai trương và đi vào hoạt động vào sáng ngày 11-12. Đây là lần đầu tiên người dân và doanh nghiệp tiếp cận phương thức mua bán của thị trường thế giới thông qua một sán giao dịch nông sản. Tại sàn giao dịch này, các phiên mua bán cà phê sẽ được thực hiện theo phương thức đấu giá tập trung công khai, dành cho các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) cho biết: Theo quy định của Trung tâm giao dịch cà phê, khối lượng cà phê tối thiểu khi tham gia sàn giao dịch là 5 tấn. Đối với trường hợp người dân có ít cà phê thì thành lập một nhóm để gom đủ hàng. Theo đó, các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê trong và ngoài nước, chủ các trang trại, các nông trường, hộ gia đình, tổ chức chế biến tiêu thụ cà phê…  đều có thể tham gia mua bán cà phê tại sàn. Tuy nhiên, chỉ có các thành viên của BCEC mới được trực tiếp thực hiện giao dịch, còn các tổ chức, cá nhân không thành viên có thể thực hiện giao dịch thông qua một tổ chức môi giới thành viên. Quy định này nhằm để ngăn chặng các trường hợp thao túng thị trường…

Khi thực hiện giao dịch tại đây khách hàng sẽ được cung cấp thông tin, tư vấn và các dịch vụ tiện ích, các thủ tục cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu… Hơn nữa, với sự công khai, minh bạch về giá trên sàn giao dịch, người sản xuất sẽ nắm được diễn biến và xu hướng của thị trường nên chủ động hơn trong việc đưa ra quyết định, tránh được tình trạng bị ép giá. Ngoài ra, tại đây người dân có thể thế chấp vay vốn đầu tư tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong hệ thống của BCEC, tránh các dịch vụ tín dụng lãi suất cao. Bên cạnh đóù người dân còn được tạo điều kiện thuận lợi để ký gửi hàng, chế biến và các dịch vụ giao nhận hàng, các thủ tục liên quan… Với phương thức giao dịch hiện đại, BCEC đang thu hút sự quan tâm của hàng trăm đơn vị doanh nghiệp cùng hàng ngàn người dân đang trực tiếp sản xuất ra hạt cà phê trên địa bàn Đác Lắc nói riêng và cả nước nói chung. Hy vọng rằng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2-2008, và đặc biệt là việc khai trương BCEC sẽ thực sự là cơ hội để người trồng cà phê và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa, bay cao.

(Theo nhân dân)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Xi măng Hoàng Thạch, biểu tượng của sản xuất bền vững gắn với cải thiện môi trường
  • “Thương hiệu Hàn Quốc” trị giá 1.100 tỉ USD
  • Ly cà phê lớn nhất thế giới - Đằng sau một kỷ lục
  • Khai thác kho tàng “trí tuệ tập thể”
  • Định vị thương hiệu theo cách truyền thống đã không còn phát huy tác dụng
  • Xây dựng và duy trì lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu
  • Liên minh thương hiệu - Vẹn cả đôi đường
  • Bạn đã sẵn sàng mở rộng thương hiệu của mình?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com