Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

10 CEO kiếm bộn tiền nhờ… mất chức

Với các CEO Mỹ, những gói bồi thường thôi việc "cỡ bự" là chuyện thường.

Mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) Mark Hurd của HP đã gây xôn xao khi bất ngờ bị bãi nhiệm sau vụ bê bối tình cảm với một nữ đối tác. Tuy nhiên, vị CEO mất chức này không hề ra đi trắng tay, vì gói bồi thường thôi việc mà HP dành cho Hurd có trị giá hơn 30 triệu USD.

Đối với các CEO Mỹ, những gói bồi thường thôi việc nhiều triệu USD là chuyện “thường ngày ở huyện”, cho dù cuộc ra đi của họ đôi khi diễn ra trong tình huống chẳng mấy dễ chịu.

Hãng tin CNBC đã phối hợp với hãng tư vấn tiền lương Equilar có trụ sở ở New York, Mỹ, liệt kê 10 vị CEO được hưởng gói bồi thường thôi việc cao nhất từ trước tới nay ở nước này.

1.William McGuire
 


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 1,2 tỷ USD
Công ty: UnitedHealth Group
Nhiệm kỳ CEO: 1991- 2006
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: +5.378%

Có gói bồi thường “khủng nhất”, nhưng sau khi rời ghế CEO của tập đoàn chăm sóc sức khỏe UnitedHealth, McGuire buộc phải xung công lượng quyền chọn cổ phiếu và phúc lợi hưu trí trị giá hơn 400 triệu USD để giải quyết các vụ kiện dân sự và đơn kiện của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) liên quan tới hoạt động quyền chọn cổ phiếu của công ty dưới thời ông. Theo thỏa thuận giữa McGuire và SEC, ông này sẽ không được tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của một công ty đại chúng nào trong suốt 10 năm.

2. Lee Raymond


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 392,5 triệu USD
Công ty: Exxon Mobil
Nhiệm kỳ CEO: 1999 - 2005
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: +63%

Raymond là CEO của hãng dầu lửa Exxon từ năm 1993 cho tới khi tập đoàn này sáp nhập với đối thủ Mobil vào năm 1999. Raymond làm việc trong Exxon suốt từ năm 1963 với vị trí ban đầu là kỹ sư nghiên cứu sản xuất, rồi sau đó dần được thăng chức. Ông nghỉ hưu vào năm 2005 và được kế nhiệm bởi CEO hiện tại của Exxon Mobil là Rex Tillerson.

3. Robert Nardelli


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 212 triệu USD
Công ty: Home Depot
Nhiệm kỳ CEO: 2000 - 2007
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: -4%

Nardelli rời ghế lãnh đạo hãng bán lẻ đồ nội thất Home Depot, sau một năm chịu sự chỉ trích nặng nề về nhiều vấn đề, từ gói thù lao của ông tới lối quản lý doanh nghiệp bị cho là yếu kém giữa lúc hãng làm ăn thất bát.

4. Henry McKinnell


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 195,8 triệu USD
Công ty: Pfizer
Nhiệm kỳ CEO: 2001 - 2006
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: -36%

Vài tháng trước khi “về vườn”, CEO McKinney của hãng dược phẩm Pfizer ngày càng khiến Hội đồng quản trị lo phát sốt vì phong cách lãnh đạo của ông. Trong thời gian đó, Pfizer cũng không tung ra nổi một sản phẩm thuốc mới nào.

5. Stanley O'Neal


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 161,5 triệu USD
Công ty: Merrill Lynch
Nhiệm kỳ CEO: 2002 - 2007
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: +51%

Nhiều nhà phê bình cho rằng, chính O’Neal là thủ phạm đẩy Merrill Lynch vào cuộc chơi nợ dưới chuẩn đầy rủi ro, khiến ngân hàng đầu tư này lỗ 8 tỷ USD mùa hè năm 2009. Ông Jonh Thain, khi đó là CEO của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE Euronext), đã được bổ nhiệm thay thế O’Neal, nhưng rốt cục Merrill Lynch vẫn bị Bank of America thâu tóm.

6. Michael Ovitz


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 81,6 triệu USD
Công ty: Walt Disney
Nhiệm kỳ CEO: 1995 - 1997
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: +23%

Ovitz ngồi ở ghế CEO hãng giải trí Disney trong vòng có 14 tháng trước khi rời công ty này với gói bồi thường béo bở. Các nhà đầu tư đã kiện Disney vì gói bồi thường này, nhưng Disney thắng và Ovitz vẫn có được số tiền trên.

7. Charles Prince


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 41,9 triệu USD
Công ty: Citigroup
Nhiệm kỳ CEO: 2003 - 2007
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: -6%

Price “xách vali” đi khỏi Citigroup, sau khi tập đoàn này hứng chịu khoản lỗ nhiều tỷ USD liên quan tới đầu tư vào chứng khoán nợ dưới chuẩn (MBS) và nghĩa vụ nợ có đảm bảo (CDO) vào quý 3/2007.

8. Mark Hurd


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 33,1 triệu USD
Công ty: Hewlett-Packard
Nhiệm kỳ CEO: 2005 - 2010
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: +123%

Hurd mất chức CEO do bị phát giác đã làm giả nhiều chứng từ, để bưng bít mối quan hệ tình cảm với một nữ đối tác - người viết đơn tố cáo ông có hành vi quấy rối.

9. Rick Wagoner


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 10,8 triệu USD
Công ty: General Motors
Nhiệm kỳ CEO: 2000 - 2009
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: -47%

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Wagoner rời ghế CEO của GM ngay giữa lúc hãng xe này đang được các nhà chức trách ra sức giải cứu khỏi nguy cơ sụp đổ. Sau đó, GM đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản - một động thái mà Wagoner đã kịch liệt phản đối khi còn đương chức.

10. Richard Syron


Trị giá gói bồi thường thôi việc: 3,8 triệu USD
Công ty: Freddie Mac
Nhiệm kỳ CEO: 2003-2008
Mức thay đổi giá cổ phiếu trong nhiệm kỳ: -98%

Syron là CEO của tập đoàn cho vay thế chấp khổng lồ Freddie Mac trong thời kỳ bong bóng bất động sản được thổi căng to nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nội bộ Freddie cho biết, vị cựu CEO này khi còn đương chức đã phủ nhận những cảnh báo từ bên ngoài, mà lẽ ra nếu Syron lắng nghe, Freddie đã tránh được ít nhiều thiệt hại.

(Theo AN HUY - Vneconomy)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Liều có sách
  • 4 bí quyết làm giàu của tỷ phú Hồng Kông
  • Người giàu châu Á ngày càng trẻ
  • 40 người giàu nhất Philippines có 22,8 tỷ USD
  • Cha đẻ đồng hồ Swatch qua đời
  • Chân dung “Warren Buffet” của Hồng Kông
  • Người giàu nhất Philippines có 5 tỷ USD
  • Mohnish Pabrai: "Không cần sáng tạo, chỉ cần bắt chước"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com