Nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán ACB (trái) đang tư vấn cho nhà đầu tư ngay tại sàn giao dịch. Ảnh: Lê Toàn. |
Trông anh giống như một đứa trẻ và Wall Street không có chỗ cho những đứa trẻ. Đó là một nơi của những kẻ “giết người”. Một nơi của những kẻ hám lợi” - ngày đầu tiên 1-5-1987 khi Jordan Belfort chàng trai 23 tuổi đến Công ty Môi giới LF Rothschild để xin việc và được nhận vào làm “connector”, tức là người gọi điện đến các khách hàng, một thứ bậc thấp tận cùng ở nơi đó, ông đã được nghe người hướng dẫn trực tiếp của mình nói như vậy.
Và thêm: “Người ta không mua chứng khoán. Chỉ là chứng khoán được bán cho họ. Đừng bao giờ quên điều đó!”.
Rồi cũng trong ngày đầu tiên, ông choáng ngợp khi biết có những tay môi giới kiếm hơn một triệu đô la/năm. Vậy mà chỉ hai năm sau, chàng trai ấy lập nên hãng môi giới lớn nhất nước Mỹ thời đó, Stratton Oakmont và trở thành “con sói” của phố Wall. Những khoản lợi nhuận kếch xù, cuộc sống vương giả, ma túy, gái làng chơi, những mánh khóe, thủ đoạn, nhà tù, sụp đổ, từ đỉnh cao xuống vực sâu... Jordan Belfort trải nghiệm những thăng hoa và những mảnh vỡ của cuộc đời “con sói” phố Wall trên 500 trang cuốn sách cùng tên.
Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Martin Scorsese đã mua bản quyền quyển sách từ khi tác giả của nó còn trong chốn lao tù và ê kíp của ông đang quay những thước phim đầu tiên với ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio trong vai chính. Nó sẽ là tác phẩm thứ hai về phố Wall được chờ đợi trong năm 2010 sau sự thành công của siêu phẩm cũng có tên Wall Street với diễn viên gạo cội “Gordon Gekko” Michael Douglas.
Jordan Belfort là chân dung nhân viên môi giới chứng khoán độc lập chuyên nghiệp từ đời thường bước vào văn học và lên phim. Ông ở tận bên nước Mỹ và thời của ông cách đây đã mười mấy năm.
Còn mẫu hình nhân viên môi giới cổ phiếu độc lập mới chỉ mầm mống ở Việt Nam được vài tháng gần đây. Đang có những nhân viên môi giới của một số công ty chứng khoán với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng, ngang ngửa lương tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần. Chưa nhiều, nhưng đang ngày một phổ biến xu hướng công ty chứng khoán ăn chia tỷ lệ phí môi giới với nhân viên, có thể là 8:2, hay 7:3 hay cao thấp hơn thế tùy nơi, tùy khách hàng, tùy nguồn thu phí nhiều, ít.
Bây giờ các nhân viên môi giới không thụ động đợi lệnh đặt giao dịch của khách hàng. Các nhà đầu tư được chăm sóc, được gọi điện hỏi han, được cập nhật thông tin, tư vấn giá mua bán lúc này lúc kia. Nhà đầu tư nhiều khi có cảm tưởng đang được o bế để có được lợi nhuận tối đa dù trong tay họ đang cầm cổ phiếu hoặc tiền. Song bên trong sâu thẳm của phía nhân viên môi giới, đâu phải chỉ là lợi nhuận khách hàng, mà khách hàng giao dịch càng nhiều càng tốt, bởi chỉ cần có doanh số, họ sẽ có phí và tất nhiên có tỷ lệ ăn chia.
Không ít quy luật bất thành văn trong môi giới chứng khoán đang thay đổi. Trước đây, công ty chứng khoán phân bổ cho mỗi nhân viên môi giới phụ trách một lượng khách hàng nhất định. Nhưng giờ thì khác. Ngoài lượng khách hàng được phân công ấy, nhân viên môi giới tự tìm khách hàng, nhất là những nhà đầu tư dạng VIP, có khả năng giao dịch vài tỉ đồng/ngày trở lên.
Nhằm hỗ trợ nhân viên, các công ty chứng khoán đưa ra nhiều điều khoản ưu đãi cho nhà đầu tư lớn như sử dụng đòn bẩy, cho vay T+, thanh toán chậm khi mua cổ phiếu, repo thậm chí cho vay cổ phiếu để bán nếu công ty đó có nghiệp vụ tự doanh. Sự góp sức của các nhân viên môi giới cùng chính sách cạnh tranh thu hút khách hàng của nhiều công ty đã khiến chỉ trong một thời gian ngắn, tấm bản đồ môi giới chứng khoán được vẽ lại.
Vị trí môi giới hàng đầu cho nhà đầu tư nội - vị trí Stratton Oakmont, nếu có thể gọi như thế - đang thuộc về Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), tiếp sau đó là chứng khoán Sacombank (SCBS). Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tuy vẫn dẫn đầu về thị phần môi giới trái phiếu và cổ phiếu cho nước ngoài, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ ba về môi giới cổ phiếu cho khách hàng trong nước.
Phải thừa nhận sự cạnh tranh để có thứ hạng “Stratton Oakmont môi giới” của TSC là không thể bỏ qua. Suốt một thời gian dài, TSC đã kiên trì tạo dựng đội ngũ khách hàng VIP với những nhân viên môi giới liên tục bám sàn. Phải nói là TSC “đeo bám” nhà đầu tư. Không một khách hàng VIP nào rời bỏ họ. Ngược lại nhân viên môi giới TSC đã tìm được nhiều khách hàng từ những đồng nghiệp khác. Hỗ trợ trực tiếp cho nhân viên môi giới, bộ phận phân tích cổ phiếu đã hoạt động hết công suất có thể.
Hai năm trước, trong các công ty chứng khoán đã từng tồn tại một vài gương mặt nhân viên môi giới như “Jordan Belfort kiểu Việt Nam” (bởi mọi sự so sánh đều là khập khiễng) và không ít nhà đầu tư từng mong muốn được họ phục vụ. Nhưng với cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, phần lớn họ ra đi, chuyển nghề hoặc được cất nhắc lên những vị trí cao hơn trong công ty. Nhân viên môi giới nhàn rỗi suốt những tháng thị trường trầm lắng. Bây giờ đang là những vòng đua giữ chân khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới của họ.
Việt Nam chưa có quy chế hành nghề môi giới chứng khoán độc lập, cũng chưa có chuẩn mực đạo đức cho nhân viên lĩnh vực này. Nhân viên môi giới vẫn cần một cái ô hành nghề trong khuôn khổ một công ty chứng khoán, song họ đang có nhiều tự do nghề nghiệp hơn.
Trong cuốn tự truyện của mình, Jordan Belfort kể đã có thời, đã có những chàng trai tốt nghiệp các trường đại học danh giá của Mỹ mơ được vào làm việc ở Stratton Oakmont ra sao, và họ đã tự hào đến mức nào khi giới thiệu nơi làm việc là hãng môi giới ấy. Đến nỗi đã có những cửa hàng ở New York thời đó biết rằng nếu có khách hàng mua đồ mà không nhìn giá, thì đó là nhân viên Stratton Oakmont!
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá trẻ để có một Stratton Oakmont gầy dựng và suy tàn, để có những “con sói của phố Wall”, nhưng một ngày nào đó rồi sẽ có bởi dấu chân của những nhân viên môi giới đang in hằn ngày một rõ trong giao dịch cổ phiếu hiện nay.
(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com