Bằng một loạt câu hỏi chính xác nhưng hóc búa, thẩm phán liên bang Mỹ Jed Rakoff, vốn nổi tiếng “chí công vô tư”, đã vạch trần lối làm ăn tham lam và vô trách nhiệm của các nhà lãnh đạo ngân hàng lớn cũng như sự thiếu minh bạch của cơ quan kiểm tra các thị trường tài chính Mỹ (Securities & Exchanges Commission, SEC)
Sau khi bị mất đến 28 tỉ USD, vào mùa thu năm 2008 ngân hàng kinh doanh Merrill Lynch đã bị ngân hàng Bank of America (BoA) mua lại. Nhưng các thông tin được cung cấp cho các cổ đông lại hoàn toàn không nhắc đến việc Merrill Lynch vào giờ chót đã trả 3,6 tỉ USD tiền thưởng cho các nhân viên lãnh đạo của mình. Bị SEC kiện ra toà, BoA và chi nhánh Merrill Lynch của nó đã phải thương lượng với SEC một thoả thuận theo đó họ chịu trả 33 triệu USD tiền phạt. Và SEC chấp nhận sẽ không kiện các người lãnh đạo của hai ngân hàng nói trên. Trong phiên toà ngày 10.8 vừa qua, thẩm phán liên bang Jed Rakoff đã đặt câu hỏi cay độc sau đây: các nhà lãnh đạo ngân hàng là “ma hay là người”? Do họ rõ ràng không phải là “ma”, nên thẩm phán Rakoff hỏi tiếp: “Thế thì ai là người chịu trách nhiệm?” Và bởi vì không vị lãnh đạo nào của cả hai ngân hàng chịu trách nhiệm, nên ông Rakoff không châp nhận thoả thuận giữa SEC và BofA-Merrill Lynch!
Trong phiên toà, ông Rakoff thường châm chọc chua cay bằng cách giả đò như ông không mấy hiểu biết về giới ngân hàng để đặt những câu hỏi có vẻ ngây ngô như kiểu: Ở Wall Street, sau khi đã làm mất đến 28 tỉ USD, phải chăng “người ta vẫn chờ được nhận các món tiền thưởng rất lớn”? Tại sao số tiền phạt chỉ bằng chưa đến 1% số tiền thưởng được phân phối (tức 33 triệu USD trên 3,6 tỉ)? Ông Rakoff cũng nói lên sự bối rối của mình trước sự hào phóng của SEC đối với những người mà họ kiện ra toà.
Sau khi nghe luật sư Lewis Liman của BofA cho biết Merrill Lynch đã trả 850 triệu USD cho 696 nhân viên lãnh đạo đúng theo hợp đồng và đã phân phối số tiền còn lại cho 39.000 nhân viên nên mỗi người bình quân “chỉ” được 91.000 USD, thẩm phán Rakoff vặn lại: “Tôi rất mừng khi nghe ông cho rằng 91.000 đôla là một món tiền nhỏ. Phải chi mọi người Mỹ đều kiếm được chừng ấy tiền!” Và ông luật sư đã phải ngượng ngùng công nhận là món tiền đó không nhỏ chút nào cho phần lớn công dân Mỹ.
Và khi các luật sư của hai ngân hàng giải thích rằng, về kế toán, các món tiền thưởng không phải lấy từ số 48 tỉ đôla mà nhà nước Mỹ đã bỏ ra để cứu BoA, thẩm phán Rakoff lại hỏi: “Nếu Merrill Lynch đã không thưởng 3,6 tỉ đôla, phải chăng họ đã không mất đi 3,6 tỉ đôla?”
Sự kiện một thẩm phán từ chối một thoả thuận giữa một cơ quan liên bang và một xí nghiệp là rất hiếm. Điều đó chứng tỏ là, mặc dù vài ngân hàng đã đạt được kết quả tốt trong quý 2 vừa qua, việc lành mạnh hoá các hoạt động tài chính vẫn là mối quan tâm lớn nhất của công luận Mỹ.
Thẩm phán Rakoff đòi BoA phải cung cấp cho ông ta các thông tin bổ sung trong vòng hai tuần, vì ông muốn biết ai là người đã “lừa các cổ đông”, trước khi lấy quyết định.
SEC thường chiều theo Wall Street
Từ hơn một năm qua, SEC đã bị tố cáo là luôn muốn làm vừa lòng Wall Street (như làm ngơ trước lối làm ăn đầy rủi ro của các trader và vụ lừa gạt khổng lồ của Bernard Madoff). Do đó, bà Mary Schapiro đã được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm giám đốc để xây dựng lại hình ảnh xuống cấp của cơ quan này bằng cách tổ chức lại toàn bộ. Bà Schapiro đã tuyển nhiều luật gia chuyên mộn để tăng cường các ê kíp của SEC và để tỏ ra là bà sẽ kiên trì chống lại các lối làm ăn đáng lên án của Wall Street. Không may cho bà là hành động cương quyết của thẩm phán Rakoff đã khiến công luận Mỹ lại quan tâm đến chủ đề tiền lương và tiền thưởng quá lớn của các nhà lãnh đạo xí nghiệp, nhất là chỉ ba ngày sau đó (tức ngày 13.8) bảy công ty lớn của Mỹ đã được nhà nước cứu trợ (Citygroup, BoA, AIG, General Motors, GMAC và Chrysler Financial) phải trình bày chính sách mới của họ về lương bổng với ông Kenneth Feinberg, được Barack Obama bổ nhiệm để lo về vấn đề vô cùng tế nhị này.
Từ khi công luận Mỹ phản ứng ầm ĩ trước việc công ty bảo hiểm AIG (trong năm rồi đã được nhà nước tài trợ đến 170 tỉ đôla) thưởng 165 triệu đôla cho các nhân viên vào tháng 3 vừa qua, Chính quyền Obama bị đặt vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: một mặt họ muốn tái cấu trúc tốt nhất các xí nghiệp đã được cứu trợ để có thể tái tư nhân hoá chúng càng sớm càng tốt; muốn thế họ bị bắt buộc phải để cho các xí nghiệp này giữ lại các nhân viên giỏi nhất bằng cách trả lương cao; mặt khác, họ phải đáp ứng sự chờ đợi của công luận rất phẫn nộ trước các lương bổng khổng lồ mà các công ty phải bảo đảm cho các nhà lãnh đạo ngay cả trong trường hợp làm ăn thua lỗ.
Sứ mệnh không thể hoàn thành
Rõ ràng là ông Feinberg rất khó bắt bảy xí nghiệp nói trên trả lương quá thấp so với thị trường, vì nếu làm như thế thì các nhân viên xuất sắc nhất của họ sẽ đi làm ngay cho các công ty khác. Nhưng nếu không lấy một biện pháp khắt khe nào về lương bổng để giảm bớt trong tương lai việc lấy các quyết định đầy rủi ro, thì công luận sẽ rất bất mãn.
Tình hình ở Anh cũng tương tự: ngày 12.8 vừa qua, ông Hector Sants, tổng giám đốc của Financial Services Authority (FSA), cơ quan kiểm tra các ngân hàng Anh, đã công bố các quy tắc mà báo Le Monde đánh giá là “tối thiểu” (mimimaliste) về tiền thưởng, hoàn toàn không bị giới hạn. Điều đó chứng tỏ là lập luận của hiệp hội Các ngân hàng Anh đã thuyết phục được FSA: theo lập luận này, nếu Anh định mức trần cho tiền thưởng, thì sẽ rất có lợi cho các khu tài chính cạnh tranh với khu City (London) như Wall Street, Paris…
(Theo Nguyên Thanh/SGTT/ Paris)
Bài thuộc chuyên đề: Giám đốc điều hành - CEO ( tổng hợp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com