Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người giàu nhất thế giới giàu lên như thế nào?

Để có được khối tài sản kếch sù như ngày hôm nay (53,5 tỷ đô la), Carlos Slim đã không ngần ngại đầu tư vào chứng khoán, nhà đất, viễn thông.

Carlos Slim

Slim có máu buôn bán từ nhỏ. Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm lời.

Bán kẹo cho anh trai, bán đồ chơi cho bạn

Các thành viên của gia đình nhớ lại chuyện cậu bé Slim đã bán lại cho các anh trai của mình khi thì cái kẹo, khi thì thỏi sô cô la mà cậu dành dụm chưa ăn. Rồi cậu mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với lũ bạn, trong đó có cả những đứa hơn tuổi Slim. Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Carlos Slim đã có 5.523 peso.

Cậu đã dùng số tiền đó để mua 44 cổ phiếu của Ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có hơn 30.000 peso. Cậu tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và có thể nhớ chúng cực kì chính xác.

Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy là một chàng trai trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người ngẩn người vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán.

Công ty thương mại La Estrella del Oriente của cha con Carlos Slim kinh doanh tổng hợp từ A đến Z, từ sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm đến thuốc lá, rượu. Dần dà, cả một hệ thống cửa hàng thương mại đã hình thành.

Ở tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim. Kế đó là sự ra đời và phát triển chóng mặt chuỗi nhà hàng Sanborns - hệ thống nhà hàng cao cấp lớn nhất Mexico và có mặt tại hầu hết thành phố lớn.

Giàu lên nhờ khủng hoảng

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công chánh tại Trường Đại học tự trị quốc gia Mexico, năm 26 tuổi ông Slim đã có trong tay 40 triệu USD nhờ kinh doanh địa ốc và đầu tư chứng khoán.

Bản lĩnh làm giàu của ông Slim trong thời buổi kinh tế khó khăn đã bắt đầu lộ rõ hồi đầu thập niên 1980 khi nền kinh tế châu Mỹ La tinh rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Ông mua lại một loạt công ty sắp phá sản với giá rất thấp rồi bán lại, lãi gấp nhiều lần. Nhưng thành công lớn nhất là việc ông đứng đầu một nhóm nhà đầu tư trong đó có France Télécom (Pháp) và Southwestern Bell Corporation (Mỹ), mua lại hai công ty điện thoại quốc doanh Telmex và Telnor trong một cuộc đấu thầu công khai dưới thời tổng thống Carlos Salinas. Hiện 90% điện thoại hữu tuyến thuộc về Telmex.

Tới năm 1990, Carlos Slim mới chỉ được biết đến ở trong Mexico. Chỉ đến khi trở thành ông chủ của tập đoàn viễn thông Telmex lớn nhất châu Mỹ Latinh, Carlos Slim mới nổi tiếng toàn cầu.

Chính nhờ Telmex, Carlos mới trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Năm 1990, nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia.

Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật, thậm chí ông còn không biết tiếng Anh và cũng không biết dùng máy tính, nhưng Carlos Slim đã gom hết vốn liếng của mình để lao vào đấu thầu.

Với 1,7 tỷ USD, Carlos Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn này. Cách đây 14 năm, khi mua 1 cổ phiếu của Telmex, Carlos Slim chỉ bỏ ra có 0,8 cent.

Còn giờ, giá cổ phiếu của Telmex trên thị trường chứng khoán là 34 USD. Vào thời điểm hiện tại, giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 cho đến 12 tỷ USD.

Texmex là một trong những tập đoàn viễn thông đầu tiên trên thế giới có ngay dịch vụ Internet ADSL phục vụ khách hàng. Kề ngay sau những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, Carlos Slim tiếp tục làm các đối thủ cạnh tranh giật mình khi ông tuyên bố cung cấp miễn phí Internet cho thanh thiếu niên.

Sớm nhận thấy tiềm năng lớn của viễn thông

Mặc dù Mexico còn xa mới là một nước công nghiệp phát triển nhưng Carlos Slim đã đoán trước được sự giảm sút của mạng điện thoại dây truyền thống, thế vào đó sẽ là thời của điện thoại di động.

Năm 2000, mới chỉ có các công ty nước ngoài từ Mỹ và châu Âu hoạt động tại Mỹ Latinh. Công ty America Movil của Carlos Slim là công ty nội duy nhất có thể cạnh tranh được. Thế rồi, "trùm" về thị phần là Telefonica của Tây Ban Nha đột nhiên bị cạnh tranh dữ dội.

Đến cuối năm 2003, America Movil đã đạt số khách hàng là 40,4 triệu, đã chạm tới tương quan xấp xỉ về số lượng khách hàng 40,6 triệu của nhà cung cấp đến từ Tây Ban Nha này.

Ông tìm cách vươn ra các thị trường quốc tế, thoạt đầu là thị trường Mỹ Latinh dù kiến thức tin học của ông là con số 0. Năm 2003, Carlos Slim mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South tại São Paulocủa Brasil chỉ với 625 triệu USD.

Công ty Điện thoại di động América Móvil của ông cũng mua lại nhiều công ty điện thoại di động ở châu Mỹ La tinh và hiện trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn nhất trong vùng với hơn 100 triệu thuê bao. Vì vậy, người ta thường gọi ông là vua viễn thông ở châu Mỹ La tinh.

Carlos Slim không chỉ thành đạt trong lĩnh vực viễn thông. Trong tay ông hiện có hơn 200 công ty đủ ngành nghề mà công ty nào cũng làm ăn có lãi.

Năm 2009, trong khi những công ty khác khốn đốn vì cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu, các công ty của ông lãi 18,5 tỷ USD giúp ông vượt lên Bill Gates một cách sít sao nhưng ngoạn mục (53,5 tỷ USD so với 53 tỷ USD).  

Giàu nhưng giản dị

Giàu có như vậy, nhưng Carlos Slim sống rất giản dị. Phòng làm việc của ông được bố trí không khác gì của một nhân viên bình thường nhất.

Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, lắm lúc quên cả ăn. Các nhân viên thuật lại rằng đôi lúc, họ có cảm giác Carlos Slim chỉ sống bằng những điếu xì gà luôn đỏ lửa trên môi.

Ông mặc những bộ quần áo rẻ tiền, đeo đồng hồ nhựa. Ông cũng không sắm xe hơi đắt tiền hay máy bay riêng. Ông cũng không dùng laptop đắt tiền mà vẫn chung thành với những cuốn sổ tay truyền thống.

Trong khi thế giới ca ngợi sự giàu có của ông, thì nhiều người dân Mexico chỉ trích làm giàu nhờ vào độc quyền. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Công ty Điện thoại Telmex mà ông và gia đình chiếm giữ 49,1% cổ phần và chiếm 90% thị trường Mexico, bắt khách hàng trả phí cao nhất thế giới.

Chính sự giàu lên của ông đã làm nhiều người dân Mexico lâm vào nghèo đói và buộc phải ra nước ngoài kiếm ăn.

(Theo Hà Thu // Tienphong Online)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Những khuôn mặt Nobel 2007 Al Gore: Thông minh nhưng lận đận
  • Yoshikazu Tanaka, tỷ phú công nghệ trẻ nhất Nhật Bản
  • Nữ chủ nhân của những trang web nổi tiếng
  • 40 Gương Thành Công 17: Enrico Caruso
  • 40 Gương Thành Công 16: Andrew Carnegie
  • 40 Gương Thành Công 13: Đại Tướng George Marshall
  • 40 Gương Thành Công 15: Mark Twain
  • 40 Gương Thành Công 14: Walt Disney
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com