Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tay lái số một của người khổng lồ Volkswagen

Từ 1993 tới 2000 dưới sự lãnh đạo của Ferdinand Piech, doanh thu của tập đoàn Volkswagen tăng vọt từ 76 tỉ mác Đức lên tới con số 167 tỉ, dòng sản phẩm này tăng từ 28 lên tới 65 mẫu mã khác nhau.

Trong vòng vài thập kỷ gần đây ông đã kéo được tập đoàn Volkswagen ra khỏi vũng lầy trì trệ, mua lại tất cả các mác ô tô châu Âu mà ông để mắt tới và tập trung vào một tập đoàn lớn.

Ngày nay không ai có thể phủ nhận một điều rằng dưới sự cầm lái của Ferdinand Piech, đã xuất hiện một tập đoàn ô tô kinh doanh theo truyền thống gia đình lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử.

Ông của Piech là Ferdinand Porshe, người sáng lập hai công ty sản xuất ô tô lừng danh là Volkswagen và Porshe, kỹ sư thiết kế xe tăng và pháo tự hành, một vị tổng giám đốc tài ba.

Ferdinand Porshe mất khi cháu nội của ông mới 14 tuổi. Một nửa cơ ngơi được trao lại cho con gái của ông, Luisa Porshe, người thay cha lãnh đạo chi nhánh Porshe Holding tại Áo.

Nhưng một năm sau đó, chồng của bà và bố của Ferdinand Piech cũng qua đời. Piech được cậu ruột, tổng giám đốc công ty Porshe kèm cặp. Chính người cậu đã dần dần tạo cho cháu mình niềm say mê đối với kỹ thuật, kinh doanh và quản lý.

Bắt đầu sự nghiệp của mình tại phòng thiết kế Porshe, chỉ sau vài năm Piech đã tự tin lãnh đạo phòng thiết kế của công ty Audi, là công ty con của Porshe, rồi chẳng lâu sau Piech được giao chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị của công ty.

Chính ở cương vị này Piech bắt đầu thể hiện năng lực lãnh đạo của mình, cũng như đức tính dám phá bỏ cái cũ và đưa ra những quyết định kỹ thuật hoàn toàn mới. Nhưng điều cốt yếu nhất mà Piech học được ở Audi là cách rải các “trung thần” tại mọi vị trí chủ chốt trong công ty.

Về sau này, ông không chỉ một lần dùng Audi như một nguồn nhân lực đã được kiểm nghiệm để thay cán bộ cho những vị trí lỏng lẻo và chưa đủ tin tưởng.

Năm 1993 Piech rời Audi để gánh chức chủ tịch hội đồng quản trị của Volkswagen. Mặc dù trên hình thức đây là một công ty tư nhân, nhưng trên thực tế Volkswagen đã từ lâu biến thành một “két bạc” của nhà nước, với 20% cổ phiếu thuộc về chính phủ vùng Sachsen.

Cơ cấu tổ chức phức tạp, cồng kềnh của công ty không cho phép đưa ra những quyết định một cách linh hoạt, kịp thời, chính sách nhân sự cũng hà hổng nhiều chỗ, dẫn tới việc dư thừa hàng loạt công nhân.

Piech ví những cải cách của ông khi tới công ty như một cuộc “dọn phân” cho cái chuồng toàn đồ mục ruỗng. Chính bởi những quyết định thẳng tay, ông được mệnh danh là “Rottweiler” (một loại chó rất dữ) và “viên quản lý rắn nhất nước Đức”.

Vì không thể sa thải công nhân, Piech nghĩ cách giảm ngày làm việc xuống 4 ngày/tuần và vì thế giảm được chi phí tiền lương. Đồng thời, Volkswagen quyết định giảm giá sản phẩm.

Mặc dù bị các cơ quan thanh tra châu Âu phạt tới vài trăm triệu mác vì bước đi này, song bù lại, doanh thu bán hàng của công ty lại tăng gấp nhiều lần so với khoản tiền phạt đó.

Piech đã làm được những điều tưởng chừng như không thể: Từ năm 1993 tới 2000 dưới sự lãnh đạo của Ferdinand Piech, doanh thu của tập đoàn Volkswagen tăng vọt từ 76 tỉ mác Đức lên tới con số 167 tỉ, dòng sản phẩm tăng từ 28 lên tới 65 mẫu mã khác nhau, từ chỗ phải chịu thua lỗ mỗi năm 2 tỉ mác, công ty thu lại được lợi nhuận 4 tỉ.

Và Piech tiếp tục xây đắp cho đế chế kinh doanh của mình. Vốn là cháu nội của Porshe, từ hồi nhỏ Piech đã mê mẩn loại xe hơi cao cấp. Mua lại những hãng sản xuất xe ô tô đắt tiền là một thú say mê của Piech.

Năm 1998 ông “thôn tính” liền ba công ty: Bugatti, hãng sản xuất xe hơi của Ý, rồi mác ô tô lừng danh Bentley của Anh và cuối cùng là hãng Lamborghini cũng của Ý.

Báo chí nhiều lần chỉ trích Piech là người hoang phí, chi tiền công ty vào những “đồ chơi” vô bổ. Nhưng không phải bao giờ những lời phê bình này cũng khách quan.

Lấy một dự án rất nổi tiếng của Piech làm ví dụ. Ông xây một nhà máy gọi là “xưởng sản xuất trong suốt”. Đây là nhà máy sản xuất ô tô Bentley và Volkswagen Phaeton.

Điểm đặc biệt của nó là các bức tường đều làm bằng thủy tinh và nhà máy nằm giữa trung tâm thành phố Drezden, như một công trình  thiết kế hiện đại xuất chúng.

Tại phòng khách của nhà máy diễn ra những buổi hội nghị kinh tế và chính trị tầm cỡ nhất của Đức. Không chỉ có thế, nhà máy sản xuất ô tô có một không hai này còn là một trong những điểm tham quan du lịch không thể thiếu của thành phố, ngang ngửa với viện bảo tàng tranh của Drezden.

Vị tộc trưởng của một trong những gia đình có ảnh hưởng nhất nước Đức từng bước từng bước tự tin biến Volkswagen thành sở hữu của dòng họ nhà  Porshe Piech.

Chính vào thời Piech lãnh đạo, công ty Porshe mua lại hơn 30% cổ phiếu của Volkswagen và trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn. Lại có nhiều năm liên tục giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị và chủ tịch ban giám sát, Piech có nhiều ưu đãi đặc biệt trong việc mua cổ phiếu.

Piech dần dần nắm kiểm soát tập đoàn và bố trí vây cánh của mình ở khắp các vị trí chủ chốt. Những người dù một chút tỏ ra nghi ngờ về chiến lược phát triển của Piech đều lần lượt được thay thế. Piech nổi tiếng là một người “sắt thép” với các đối thủ của mình.

Tháng 10 năm 2007, Piech đã thắng cuộc tại tòa án châu Âu: Ông kiện lại luật tồn tại hàng nửa thế kỷ nay trong tập đoàn Volkswagen, khi mà không một ai trong tập đoàn có quyền biểu quyết quá 20 phiếu, cho dù cổ phiếu của người đó có là bao nhiêu đi chăng nữa.

Giờ đây, mỗi cổ phiếu trong số hơn 30% tổng số cổ phiếu mà Porshe chiếm giữ trong Volkwagen, đều có quyền biểu quyết. Và Piech  còn đang có kế hoạch mua gom lại 38% cổ phiếu đang được bán tự do.

Chẳng mấy nữa mà Ferdinand Piech sẽ thực hiện được ước mơ thầm kín bao năm - biến cả tập đoàn thành sở hữu của gia đình như ngày nào….

(Theo Mai Hồng // Tienphong Online)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Cuộc đời như một điệu nhảy…
  • Thế nào là lãnh đạo năng động ?
  • Cha đẻ của Beeline là ai?
  • Ăn mày cửa Phật trở thành nữ doanh nhân
  • Chủ tịch FED kiếm tiền từ đâu?
  • Mansory - Từ xe hơi tới kiệt tác công nghiệp
  • Ngôi sao sáng ngành công nghiệp độ xe
  • Tỷ phú Buffett: Đây là thời điểm tốt đầu tư cổ phiếu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com