Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ cuốc xích lô đến... nhà máy ôtô cho VN

Charles Lee Young là doanh nhân Mỹ gốc Hàn đã gắn bó cuộc sống tại VN hơn hai thập kỷ qua. Phải hai lần thuyết phục, doanh nhân này mới đồng ý để tôi ghi lại câu chuyện cuộc đời.
Không những thế, Charles Lee Young còn là người tiên phong bắc cây cầu nối quan hệ Hàn - Việt 15 năm trước và được Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết thư cảm ơn do những đóng góp thiết thực vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ.

Doanh nhân triệu đô đi taxi Matiz

Doanh nhân Charles Lee Young

Cuộc hẹn với Charles Lee Young rơi đúng vào một ngày trời trở rét, mưa lạnh buốt giá. Ông đến muộn. Tôi chờ đợi thương gia này xuất hiện từ một trong những chiếc xe sang trọng liên tục chạy vào sảnh khách sạn.

Thật bất ngờ, ông Lee bước xuống không phải từ một chiếc xe cáu cạnh, mà là một xe taxi hiệu Matiz nhỏ và cũ. "Hôm nay lái xe bận việc, nên tôi đi taxi. Vừa tiện, vừa rẻ" - ông giải thích sau khi liên tục xin lỗi.

Charles Lee Young đến VN lần đầu vào năm 1987, theo gợi ý của một người bạn. Khi đó, ông đang là chủ tịch một liên doanh ôtô rất thành công ở Philippines.

Trong chuyến bay từ Manila sang TP.Hồ Chí Minh, ông là hành khách ngoại quốc duy nhất. Sân bay Tân Sân Nhất khi đó không có ôtô, taxi, thậm chí cả xe ôm.

Nhân viên hàng không đã gọi xíchlô đến tận chân cầu thang máy bay để chở chiếc vali của doanh nhân này về khách sạn Rex - một trong hai khách sạn duy nhất đón khách ngoại quốc tại TP.Hồ Chí Minh vào thời điểm đó. Còn Charles Lee Young cuốc bộ bên cạnh.

"Không thể tưởng tượng nổi chỉ cách Manila chưa đầy 3 giờ bay, mà VN đã là một thế giới khác hẳn. VN khi đó giống như một đất nước đang ngủ" - ông kể.

Nhấp một ngụm trà, vị doanh nhân tư lự: "Dù cuộc sống nghèo khó, nhưng những người VN mà tôi tiếp xúc rất lạc quan và luôn tươi cười. Điều đó làm tôi suy nghĩ. Tôi muốn giúp VN".

Một tháng sau, ông quay lại VN lần thứ hai và may mắn gặp Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Y định đầu tư vào VN của vị thương gia ngoại quốc được ủng hộ mạnh mẽ. Ông tiếp tục trăn trở với ý nguyện giúp đỡ VN, mà không gì khác hơn là kêu gọi các nhà đầu tư vào VN.

"Nhiều bạn bè và đối tác của tôi tại Hàn Quốc muốn sang VN kinh doanh. Nhưng hai nước chưa bình thường hoá quan hệ, nên họ muốn vào cũng rất khó" - ông giải thích.

Trong suốt hai năm 1987, 1988, doanh nhân này đã thực hiện hàng chục chuyến bay giữa Hàn Quốc, VN để bắc những nhịp cầu đầu tiên giữa chính quyền hai nước. Tháng 9/1988, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp dẫn đầu một phái đoàn 15 quan chức VN sang thăm Hàn Quốc.

"Đó là chuyến thăm đầu tiên của một phái đoàn cấp cao VN sang Hàn Quốc. Phó Thủ tướng kinh tế Lee Han Bin cùng hơn 70 doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt trong buổi tiếp đoàn. Mọi khó khăn trong quan hệ hai nước bắt đầu được tháo bỏ" - nụ cười lấp loáng trong mắt ông.

"Tâm huyết, nhiệt tình và hoàn toàn vì VN" - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình - Đại sứ VN đầu tiên tại Hàn Quốc - nhận xét về Charles Lee Young.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình, doanh nhân này là người có công rất lớn trong việc góp phần bình thường hoá quan hệ Việt-Hàn.

"Ông Lee khi đó là doanh nhân giàu có và nổi tiếng, có nhiều mối quan hệ trong Quốc hội Hàn Quốc. Ông ấy đã khéo léo sử dụng các mối liên hệ của mình, thu xếp rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa cán bộ và lãnh đạo VN với đối tác Hàn Quốc.

Các chuyến thăm của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh Võ Trần Chí đến Hàn Quốc trong những năm đầu bình thường hoá quan hệ đều có công đóng góp của ông Lee"
- Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhận xét.

"Ngay cả trong quan hệ với Mỹ, doanh nhân này cũng đã sử dụng các mối quan hệ của mình để giúp hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt" - ông nói thêm.

Vào ngày 15.12.1992, Hàn Quốc và VN chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Báo chí Hàn Quốc khi đó viết rất nhiều về ông Lee, xem ông là một trong những nhịp cầu đầu tiên cho mối quan hệ bang giao Hàn -Việt.

"Chính phủ Hàn Quốc muốn tặng thưởng huân chương cho tôi, nhưng tôi đã từ chối. Tôi giúp đỡ VN vì trái tim, chứ không phải muốn được nhìn nhận công trạng" - ông từ tốn.

Cuốc xích lô và... Mekong Car

Năm 1990, Charles Lee Young bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy ôtô cho VN. "Hình ảnh người đạp xíchlô gày gò, nhễ nhại mồ hôi chở chiếc vali về khách sạn đã ám ảnh tôi" - ông nhớ lại. Giấc mơ chế tạo ôtô cho VN đã được khơi nguồn trong ông từ chính nỗi day dứt về cuốc xíchlô đó.
 
"Vì sao ông đặt ra mục tiêu xa vời đến thế, khi nhiều người VN thời đó thậm chí còn chưa dám nghĩ đến việc mua xe máy?". Câu hỏi đó, nguyên Bộ trưởng Công nghiệp nặng Trần Lum cũng đặt đi đặt lại cho tôi nhiều lần: "Ông có chắc muốn làm điều đó? VN còn quá nghèo, làm gì đã có thị trường cho ôtô?". Tôi biết, ông ấy lo lắng, sợ tôi mạo hiểm gia tài của mình" - ông cười, không trả lời trực tiếp.

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhớ lại: "Doanh nhân này từng tâm sự với tôi rằng sẽ đến lúc các nhà đầu tư phát hiện ra tiềm năng của VN, và ông ấy muốn giúp đặt viên gạch khởi đầu". Tuy nhiên, kinh tế VN còn bị Mỹ cấm vận, nên hầu như không quốc gia nào sẵn lòng chuyển giao công nghệ tự động hoá cho VN.

Để thực hiện mong muốn của mình, Charles Lee Young đã lặn lội tiếp xúc với các hãng ôtô hàng đầu thế giới tại Mỹ, Đức, Nhật... đề nghị liên doanh, nhưng tất cả chỉ là cái lắc đầu. Mãi đến khi Hãng ôtô Iveco - thành viên Tập đoàn Fiat (Italia) - đồng ý hợp tác, doanh nhân này mới thở phào, biết mình đã thực hiện được lời hứa với VN.

Sau hơn 2 năm miệt mài, ngày 20/5/1992, chiếc ôtô đầu tiên của Nhà máy Mekong Auto Corp., trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh, đã xuất xưởng. Hàng loạt các hãng thông tấn lớn thế giới như AP, AFP, Reuters... đều đưa tin về sự kiện đã góp phần đưa VN trở thành quốc gia thứ 36 trên thế giới có ngành công nghiệp ôtô.

"Tôi đã khóc giữa rất nhiều quan khách. Vì xúc động cho mình và cả VN" - ông cười, tay vuốt những sợi tóc bạc.

Ba lần viết thư cho Nhà Trắng

Thành công của liên doanh Mekong Car đã thu hút sự chú ý của "người khổng lồ" ôtô thế giới là Tập đoàn Chrysler của Mỹ. Charles Lee Young nhận được đề nghị làm đối tác của Chrysler tại VN. Một lần nữa, lệnh cấm vận của Mỹ lại là rào cản.

"Tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt nên đã thúc giục Chrysler yêu cầu chính quyền Clinton bỏ cấm vận với VN" - ông kể.

Nhờ mối quan hệ rộng trong giới chính khách Mỹ, Charles Lee Young cùng các lãnh đạo của Chrysler liên tục vận động hành lang, xúc tiến bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt. Ông cùng Chủ tịch Tập đoàn Chrysler ba lần viết thư cho Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Mỹ Al Gore yêu cầu bỏ lệnh cấm vận.

Sau khi quan hệ Việt-Mỹ bình thường hoá, Charles Lee Young đã nhận được thiệp cảm ơn và chúc mừng Giáng sinh từ Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Mong ước nhập quốc tịch VN

"Điều quan trọng là khi VN còn rất khó khăn, doanh nhân này đã đến và giúp thu hút dòng đầu tư cho VN. Đó là điều vô cùng quý" - Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhận xét.

Charles Lee Young có giọng nói nhẹ, từ tốn và tác phong khoan thai "chả mấy doanh nhân" như ông tự nhận xét. Thời thơ ấu của ông đầy khó khăn, vất vả do Hàn Quốc khi đó vừa trải qua chiến tranh.

Ngoài 20 tuổi, Charles Lee Young lên đường đến Mỹ với hoài bão thay đổi cuộc sống. "Giấc mơ Mỹ" đã đưa anh thanh niên nghèo Hàn Quốc trở thành triệu phú đôla khi chưa đầy 40 tuổi.

Sau đó, doanh nhân này dần mở rộng cơ sở kinh doanh đến Trung Đông, Philippines trước khi vào VN.

"Tôi đã sốc khi lần đầu đến VN, gặp lại một một hình ảnh Hàn Quốc nghèo khó, kiệt quệ sau chiến tranh. Tôi tự nhủ phải làm gì đó. Hàn Quốc đã trải qua khó khăn và đi lên từ số không, nhưng giờ đây họ đã có một nền công nghiệp vững mạnh. VN cũng sẽ như vậy" - ông nói.

Trong suốt câu chuyện về VN, ông luôn nhấn mạnh đến niềm tin mạnh mẽ vào định mệnh. "Định mệnh đưa tôi đến VN một cách tình cờ. Và chính định mệnh đã níu giữ tôi với VN. Nếu không có lời gợi ý của người bạn, cuộc đời tôi có lẽ đã khác đi. Chắc chắn, tôi sẽ mất cơ hội đến VN, được sống ở VN".

Charles Lee Young cho rằng cuộc đời ông chia thành hai nửa. Nửa đầu với những năm tháng lưu lạc qua nhiều quốc gia: Hàn Quốc - nơi chôn nhau cắt rốn; Mỹ - nơi đã cho ông của cải vật chất rồi Saudi Arabia, Philippines - những đất nước mở rộng sự thành công của ông. Nửa sau là VN, mảnh đất là nơi ông muốn gắn bó và sống đến hết cuộc đời.

"Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là được nhập quốc tịch VN, để phần đời còn lại mảnh đất này thực sự trở thành quê hương của tôi" - ông nói.

(Theo báo VietNamNet)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Del Vecchio, tỷ phú được mệnh danh “Vua kính Italia”
  • Năm bội thu của các tỷ phú công nghệ
  • Nhà sư doanh nhân và bí mật tài chính
  • Chuyện về “Henry Ford” của Trung Quốc
  • Ông chủ của Fannie Mae và Freddie Mac có thể được nhận tới 6 triệu USD
  • Dilip Shanghvi, tỷ phú quyền lực trong ngành dược phẩm
  • Khám phá tư duy của những doanh nhân "siêu" sáng tạo
  • Lời khuyên của chủ tịch hãng Starbucks
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com