“Đã là người, hãy sống một cuộc sống mà từng ngày trôi qua đều có ý nghĩa, cứ thế cho tới ngày bạn từ giã thế giới này”. Đó là quan điểm của J.Williard Marriott, ông chủ của hàng ngàn nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát với doanh thu hàng năm tổng cộng hơn 4,5 tỷ đô la.
J.Williard Marriott |
Và đây không phải là những lời nói suông. Cuộc đời của ông đã chứng minh cho những lời nói đó. Từ một quán bia nhỏ năm 1927 cho tới hệ thống nhà hàng năm 1932, Marriott đã vươn mình thành một “người khổng lồ”, nắm trong tay một trong những hệ thống nhà hàng khách sạn lớn nhất trên thế giới.
J.Williard Marriott sinh năm 1900 trong một gia đình nghèo. Bố ông là một người chăn cừu, và từ 8 tuổi cậu bé Williard đã làm việc cho bố mình. Năm 14 tuổi, Williard đã được bố tín nhiệm giao cho việc dẫn bầy cừu từ vùng Utah qua những thành phố lớn như San Francisco.
Sau này Marriott hồi tưởng: “Bố tôi đã trao trách nhiệm cho tôi như một người lớn thực thụ. Ông thường nói mục đích công việc mà chẳng mấy khi giải thích cho tôi cách làm. Tôi phải tự mò ra cách giải quyết, nhưng chính vì thế mà tôi chóng trưởng thành”.
Mặc dù chưa kịp tốt nghiệp phổ thông, nhưng J.Williard Marriott vẫn quyết định nộp đơn thi vào đại học. Để đủ tiền học phí, Marriott dạy thêm môn thần học trong trường. Sau đó anh chuyển tới trường tổng hợp Utah và lại bắt buộc phải làm thêm để kiếm tiền bằng cách bán quần áo lót cho những người thợ xẻ gỗ.
Anh nghĩ cách mở cửa quán bia A&W (một mác cửa hàng bia không cồn, chế tạo ra từ các loại rễ cây khác nhau) ở Salk Late City. Bắt đầu thấy việc bán hàng có vẻ suôn sẻ, Williard tính cách mở rộng kinh doanh. Anh dùng số vốn dành dụm được là 1.500 đô la, cộng với 1.500 đô la đi vay và mở quán bia ở Washington.
Cả mùa hè hàng bán chạy như tôm tươi, nhưng đến mùa đông thì quán vắng ngắt bởi vì trời lạnh, chẳng mấy ai màng tới món bia nữa. Thay vì đầu hàng, Marriot quyết định làm một cú liều: anh cho dỡ bỏ tấm biển “quán bia A&W” và thay vào đó tấm biển còn tươi rói màu sơn “Hot Shoppe” (cửa hàng đồ nóng).
Marriot dùng món chủ lực là đồ ăn Mexico, và rất được khách hàng hoan nghênh. Anh mở thêm hai quán nữa, và thêm vào đó, Marriott quyết định bổ sung một dạng dịch vụ rất mới mẻ ở Mỹ hồi đó: anh cuốn cửa lên và bắt đầu bán hàng cho các tay lái xe ô tô theo kiểu “drive-in” (nghĩa là lái xe không phải xuống xe, mà chỉ kéo cửa xe xuống, đặt và lấy đồ ăn ngay tại chỗ).
Tới năm 1932, Marriott đã có 7 cửa hàng Hot Shoppe như thế và đã sắp thành triệu phú, nhưng thành công vẫn chưa khiến cho doanh nhân trẻ tuổi thỏa mãn.
Năm 1937, Marriot lại thử nghiệm một cách kinh doanh mới tại cửa hàng Hot Shoppe thứ 8 của mình. Cửa hàng nằm cạnh sân bay, và Marriott để ý thấy rất nhiều người tới mua đồ ăn cho bữa trưa trên máy bay. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu ông chủ nhà hàng “tại sao mình lại không bán đồ ăn sẵn cho các hãng hàng không nhỉ?”.
Đó là cú hích đầu tiên cho cả một ngành kinh doanh khổng lồ, chẳng bao lâu sau Marriott đã là nhà cung cấp đồ ăn cho hơn 20 chuyến bay ngược xuôi hàng ngày tại sân bay đó.
Tới năm 1953, Marriott là chủ của cả một hệ thống rộng lớn bao gồm 56 nhà hàng với lượng khách hàng hơn 30 triệu lượt người mỗi năm.
Với 30 năm trong nghề, sự nghiệp và số tiền mà Marriott có trong tay hoàn toàn cho phép ông được lui về sống một cuộc đời an nhàn cho tới hết đời. Nhưng Marriott không phải là con người như vậy.
Ngược lại, ông quyết định đi một bước có thể nói là liều lĩnh nhất từ trước tới giờ: đầu tư 7 triệu đô la để mở một khách sạn với 370 giường tại Twin Bridge, gần sân bay Washington. Marriott để ý tới lời của một số chuyên gia nhận định rằng trong tương lai du lịch hàng không ngày càng trở nên phổ biến.
Năm 1968, công ty Marriott Corp. lần đầu tiên được đưa lên sàn chứng khoán ở New York Stock Exchange. Cũng trong năm này công ty mua lại hệ thống nhà hàng Big Boy. Và bắt đầu từ đây, công ty mở ra Sun Line Cruise Ship và Marriott World Travel.
Với mục tiêu nâng trị giá của công ty lên tới con số 250 triệu đô la, Marriott Corp còn mở liền lúc 3 công viên nước với tên gọi Great America Theme Park.
Năm 1972, Marriott rời khỏi vị trí CEO ở công ty mà ông đã thành lập từ tay trắng bốn thập kỷ trước đó. Đứa con tinh thần của Marriot vẫn đầy phong độ và tiếp tục mở rộng hệ thống khách sạn trên các nước. J.Williard Marriott tiếp tục theo dõi công việc từ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Năm 1983 Marriott mất vì bệnh tim. Cho tới khi ông qua đời, công ty Marriot Corp đã là nhà cung cấp đồ ăn trên máy bay cho hơn 150 hãng hàng không khác nhau.
Năm 1999, Marriott International được vinh dự xếp vị trí thứ 13 trong danh sách những công ty cung cấp được nhiều việc làm nhất ở nước Mỹ, và là tập đoàn khách sạn lớn thứ hai trên thế giới.
Tính tới năm 2006, lượng nhân viên làm việc cho Marriott Corp. là 143.000 người. Doanh thu của tập đoàn năm 2004 là 15,14 tỷ đô la.
Những bài học mà J.Williard Marriott để cho các doanh nghiệp tham khảo - Hãy hết lòng với nhân viên của bạn, và họ sẽ hết lòng với khách hàng của công ty. - Những công ty thành công bao giờ cũng được gây dựng bởi đội ngũ các thành viên không phút giây nào ngừng tìm cách hoàn thiện công việc đang làm. - Nếu chỉ mưu cầu làm việc 40 tiếng mỗi tuần, bạn sẽ khó tiến xa được. - Chỉ khi bạn chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong công việc, dịch vụ của bạn mới đạt ở mức hoàn hảo. - Thành công bao giờ cũng gắn liền với hành động. |
( Theo TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com