Tổng tài sản của 40 người giàu nhất nước này đạt 228 tỷ USD, tăng 89 tỷ USD so với năm ngoái. Trong đó, riêng 3 người giàu nhất nắm trong tay tới 79,5 tỷ USD.
Năm ngoái, Ấn Độ có 27 tỷ phú đôla. Năm nay, bất chấp suy thoái toàn cầu và khủng hoảng kinh tế, con số này tăng lên 52. Bên cạnh nguyên nhân cổ phiếu trên thị trường Ấn Độ tăng giá, số lượng tỷ phú Ấn Độ sinh sôi còn nhờ tỷ giá.
Năm ngoái, mỗi đôla Mỹ đổi được 50,72 rupee Ấn Độ. Tuy nhiên, đến ngày 16/10 vừa rồi, mỗi USD đổi được 46,20 rupee. Điều này có nghĩa là năm ngoái, một người Ấn Độ cần có 5.072 tỷ rupee mới trở thành tỷ phú đôla Mỹ. Tuy nhiên sang năm nay, họ chỉ cần 4.620 tỷ rupee.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ trở thành một trong hai nền kinh tế đáng ngưỡng mộ của năm biến động kinh tế. Những số liệu gần đây cho thấy Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều có sự suy giảm cả về số lượng tỷ phú lẫn giá trị tài sản. 2009 là lần thứ 5 kể từ 1982, nước Mỹ chứng kiến tổng tài sản của 400 người giàu nhất giảm xuống từ 1,57 nghìn tỷ xuống còn 1,27 nghìn tỷ USD. Trong số 40 người giàu nhất Nhật Bản, có tới 28 người hao hụt tiền của trong năm vừa rồi. Còn tại Hàn Quốc, số lượng tỷ phú đôla năm nay chỉ còn 5 người, giảm 7 người so với năm ngoái.
Tỷ phú Mukesh Ambani, người giàu nhất Ấn Độ và cũng là giàu nhất châu Á. Ảnh: hindu.com |
Đứng đầu trong danh sách giàu nhất là tỷ phú Mukesh Ambani. Tài sản của ông trị giá 32 tỷ USD, tăng 54% so với năm ngoái. Cách đây không lâu, ông tình nguyện tự cắt giảm 66% lương để làm gương cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng kinh tế.
Đứng sau ông là tỷ phú thép Lakshmi Mittal, với tài sản trị giá 30 tỷ USD, tăng 40% so với năm ngoái. Người em trai trong gia đình tỷ phú Ambani là Anil Ambani đứng thứ 3 với 17,5 tỷ USD.
(Theo Thanh Bình // Vn Express)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com