Câu chuyện tuy không còn tính thời sự nóng bỏng, nhưng cũng chưa hề cũ. Ðó là ngày 29-6-2009, Tòa án Liên bang Hoa Kỳ tại Man-hat-tan đã tuyên án 150 năm tù giam đối với nhà tỷ phú Bê-na Ma-đop (Bernard Madoff) từng nổi tiếng một thời không riêng gì ở Mỹ mà cả ở các nước phát triển phương Tây.
Ma-đop với công ty đầu tư mang tên ông ta đã nhiều năm là địa chỉ vô cùng hấp dẫn, là niềm tin yêu và hy vọng của vô số nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và cả những tập đoàn tài chính - ngân hàng danh tiếng và rốt cuộc là họ đều trở thành nạn nhân thê thảm của mánh khóe lừa lọc cổ điển: Dùng mồi nhử là lãi suất rất cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư mới để trả cho nhà đầu tư cũ.
Mánh lừa trên đây cũng chẳng xa lạ gì đối với công chúng ở những nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Nói cách khác, tính thời sự của "mánh lừa Ma-đop" còn nóng hổi trong "thị trường huy động vốn ngầm" ở nước ta với hàng loạt vụ đổ bể gần đây ở cả những vùng kinh tế khá sôi động đến những nơi còn nghèo nàn như Tây Nguyên, miền trung, miền núi...
Thường thường quy mô những vụ huy động vốn đó, khi bị đổ bể hoặc bị phát hiện muộn màng cũng cỡ từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy không thể so với những con số hàng tỷ đô-la Mỹ nêu trên, nhưng đối với một nước mà thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì cũng đã gây nên những xáo trộn lớn, những đau thương cho biết bao gia đình nghèo và những người lao động lương thiện đã trót tin tưởng trao những đồng tiền mồ hôi, xương máu tích góp cả đời mình và gia đình mình cho những kẻ lừa đảo. Có những người đi gom vốn với vai trò trung gian ăn chênh lệch, vừa là tội đồ làm khuynh gia bại sản, tan nát gia đình nhiều bà con láng giềng, họ hàng gần xa, vừa là nạn nhân của kẻ chủ mưu nhử mồi hoặc sai khiến. Có không ít trùm lừa đảo, huy động vốn lại là vợ, là chị, là người thân của cán bộ có chức quyền ở ngay tại địa phương, khiến cho người dân càng dễ bị mắc lừa. Có những vụ việc mà khi những người bị hại phản ánh, tố cáo với cơ quan chức năng về dấu hiệu mất khả năng trả nợ hoặc có biểu hiện trốn nợ, lừa đảo, thì đáng tiếc lại nhận được sự thờ ơ, cho rằng đó là quan hệ dân sự, thậm chí còn có hành vi mặc cả đòi "cưa đôi" số tiền đòi được (!) Có nghĩa là các vụ "huy động vốn đen" trước khi trở thành quả bom phá tan sự bình yên ở một số địa phương, thì cũng đã là những sự kiện ồn ào nhiều người biết, phải chăng chỉ có chính quyền không biết?!
Trông người, lại nghĩ đến ta. Hệ thống pháp luật nước nào cũng khá đầy đủ, tuy cấp độ phát triển và hoàn thiện có phần khác nhau, nhưng cũng đều đã bao gồm các quy tắc ứng xử, các chế tài và các quy phạm về trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong xã hội hiện đại. Trong câu chuyện bản án "vua lừa" Ma-đop nêu trên, rõ ràng là không thể nói do hệ thống pháp luật Hoa Kỳ còn lạc hậu và thiếu hoàn thiện để có thể ngăn chặn nó, mà chính do khâu giám sát và tổ chức thực hiện pháp luật để ngăn ngừa tội phạm chưa đạt yêu cầu. Hẳn là đối với những vụ đổ bể tín dụng, "hụi, họ", huy động vốn đã và đang xảy ra tại một số địa phương ở nước ta cũng có nguyên nhân và bài học tương tự.
(Theo ANH LONG // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com