Nhiều thủ đoạn tinh vi
Chiều 18-4, khi chúng tôi có mặt tại Nhà máy Tung Kuang, việc đào đất để xác định chính xác độ dài của hệ thống ống ngầm bí mật được Công ty cổ phần Tung Kuang sử dụng để xả nước thải ra sông Ghẽ vẫn đang được tiến hành. Các cán bộ phòng 2 (C36) đang chỉ đạo công nhân tiếp tục bóc hai hệ thống dẫn nước xả từ nhà máy ra sông Ghẽ phía ngoài tường rào nhà máy. Hai ống xả thải lớn dần lộ ra dưới mũi khoan điện tay của người công nhân. Mặc dù hai đường ống này nằm sát nhau, ở cùng độ sâu, cả hai đường ống nằm gọn dưới lớp bê-tông. Một cán bộ của phòng 2 (C36) cho biết, bước đầu có thể họ không bóc toàn bộ đường ống mà sẽ bóc thêm điểm thứ hai, điểm gần miệng xả để xác định nguồn nước xả từ hai hệ thống này.
Theo những người dân địa phương, vào thời điểm thi công đường ống, nhà máy Tung Kuang đã dùng bê-tông tươi bơm lên hệ thống này. Trước đó, tại khu vực xử lý chất thải sát chân tường phía trong nhà máy, lực lượng cảnh sát đã cho bóc hệ thống ống ngầm sâu gần 3 mét. Ðó là hệ thống ống nằm ngay phía tủ điều khiển hệ thống được Cảnh sát Môi trường xác định là chứa nước thải chưa qua xử lý bơm trực tiếp ra môi trường; bước đầu xác định hàm lượng hóa chất độc hại Crome6 cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép.
Việc xả trộm nước thải chưa qua xử lý của nhà máy sản xuất khung nhôm định hình, thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang của Ðài Loan (tại Km39+400, quốc lộ 5, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), được các chuyên gia môi trường đánh giá là có tính chất, thủ đoạn tinh vi. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này được lắp đặt cùng thời điểm xây dựng nhà máy vào năm 2002 và là hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại nhất miền bắc. Nước thải sau quá trình sản xuất chứa nhiều chất độc hại phải được xử lý bằng hóa chất và lọc qua than hoạt tính trước khi đưa ra môi trường. Bùn thải sau khi xử lý nước cũng phải được xử lý riêng. Nếu thực hiện vận hành đúng quy trình, nước thải bẩn sẽ phải chảy qua các bể lắng, bể xử lý hóa chất, bể than hoạt tính để bảo đảm nước thải khi chảy ra môi trường không chứa các hóa chất, tạp chất vượt quá mức quy định. Tuy nhiên, cùng với việc xây dựng quy trình, xử lý chất thải, công ty đã lắp đặt thêm đường ống phụ không qua quy trình xử lý hóa chất mà xả thẳng ra môi trường. Hệ thống đường ống này được thiết kế tinh vi nhằm che mắt sự kiểm tra của các ngành chức năng. Ðường ống xả trộm được thiết kế tinh vi nhưng thao tác xả trộm lại rất đơn giản: chỉ cần thay đổi một đầu ống nối và vặn một công tắc trên tủ điều khiển là hệ thống bơm bí mật hoạt động đẩy nước thải trực tiếp ra sông.
Khi lực lượng chức năng bắt quả tang công nhân Nguyễn Quang Chiến đang thực hiện vận hành hai máy bơm tại khu xử lý nước thải với hành vi bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, tại điểm cống xả ra sông Ghẽ, thấp hơn mặt nước sông khoảng 60 cm, nước thải có mầu trắng đục, nổi bọt như bọt xà-phòng. Phía dưới nước, lớp hóa chất lắng đọng trắng đục như vôi. Trong khi đó, bể chứa nước thải để xử lý hầu như không hoạt động nên mực nước cạn thấp. Các bể xử lý hóa chất, bể lắng, bể chứa nước thải tại nhà máy ở trong tình trạng gần như khô kiệt...
Việc nhà máy xây một hệ thống đường ống xả nước thải chưa qua xử lý và đặt một hệ thống nằm gọn dưới lớp bê-tông dày cho thấy họ có ý thức trốn tránh nghĩa vụ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường ngay từ khi xây dựng công trình này. Ðược biết, nhà máy này hoạt động từ năm 2002, sản xuất khung nhôm định hình, trung bình mỗi ngày xả từ 200-300 m3 nước thải. Lượng nước thải không qua xử lý được xả thẳng ra sông Ghẽ, huyện Cẩm Giàng. Ðiều đặc biệt nguy hiểm, miệng cống ngầm xả trộm này chỉ cách Xí nghiệp kinh doanh nước sạch số 1 khoảng 200 m.
Xí nghiệp này trực tiếp lấy nguồn nước mặt của sông Ghẽ, sau đó đưa lên xử lý bằng công nghệ đơn giản là các bể lắng lọc. Mỗi ngày, nhà máy cung cấp khoảng gần 3.000 m3 nước cho hơn 3.000 hộ dân và các cơ quan đóng trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.
Vi phạm có hệ thống
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Chi nhánh Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang vi phạm các quy định về môi trường của Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 15-11-2009, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hải Dương có Công văn yêu cầu Tung Kuang khắc phục các vi phạm đã bị phát hiện trong đợt kiểm tra ngày 17-9-2009. Bao gồm việc họ đã bán xỉ nhôm (chất thải nguy hại mã số 050201) cho Công ty TNHH Dung Thịnh mặc dù biết rõ đơn vị này không có giấy phép hành nghề và xử lý chất thải nguy hại. Cửa xả thải vào sông Tràng Kỹ trên địa bàn xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đặt ở vị trí ngầm không thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát. Tung Kuang còn chưa thống kê lượng nước ngầm khai thác và chưa kê khai nộp thuế tài nguyên nước. Máng lọc bùn thải trong hệ thống xử lý nước thải xây thấp nên khi hoạt động với công suất lớn hoặc khi có mưa, nước chảy tràn ra bên ngoài. Phòng Cảnh sát môi trường Hải Dương yêu cầu công ty khắc phục những vi phạm trên, báo cáo kết quả về phòng trước ngày 11-2-2010.
Tại Quyết định phê duyệt danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hải Dương (ngày 2-7-2009), Chi nhánh Công ty Tung Kuang có trách nhiệm phải hoàn thành việc khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nước thải, chất thải rắn kéo dài, trước ngày 30-6-2010 và "nếu vi phạm xả nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ bị đình chỉ sản xuất".
Trước đó, ngày 26-3-2008, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ký Kết luận Thanh tra về công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Chi nhánh Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang. Trong đó có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính số 46 với mức phạt 109.500.000 đồng, yêu cầu đơn vị khắc phục các vi phạm về môi trường và tài nguyên nước. Ðặc biệt là hành vi xả nước thải với lưu lượng khoảng 250 m3/ngày vào môi trường (có năm chỉ tiêu gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép, trong đó clo dư vượt từ 24 tới 27 lần, phenol vượt hai lần); xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và không xin phép khoan thăm dò đối với giếng khoan GK-TK, không có giấy phép khai thác nước dưới đất đối với một phần hai giếng khoan đang khai thác. Ðồng thời yêu cầu công ty khắc phục các vi phạm trên.
Như vậy, khoảng năm năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã liên tục tiến hành thanh tra, ra các quyết định xử lý và buộc Chi nhánh Công ty Tung Kuang có trách nhiệm khắc phục những vi phạm về bảo vệ môi trường. Ðiều khó hiểu là với những vi phạm như vậy, công ty này chỉ thực hiện một vài yêu cầu như đăng ký chủ nguồn thải, hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom quản lý chất thải nguy hại, làm đơn xin phép khai thác nước dưới đất... nhưng đã bỏ qua trách nhiệm lớn nhất là phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Hiện nay người dân địa phương rất băn khoăn lo lắng chưa biết mức độ độc hại từ nước thải của Công ty Tung Kuang đã tác động ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bà con. Tụ tập trước khu vực 2 cửa họng xả của nhà máy tại sông Ghẽ, những người dân hết sức bất bình cho biết, trước đây sông Ghẽ rất trong lành, song từ ngày Tung Kuang về đây, có những hôm cá chết nổi đầy chân cầu Ghẽ (gần miệng ống xả trộm). Không khí luôn có mùi hăng hăng đặc trưng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã phản ánh tình trạng nước thải trắng xóa từ họng thải của nhà máy song không thấy giải quyết gì. "Chúng tôi còn phải hít mùi hóa chất khét lẹt và phải thau rửa bể xử lọc nước thường xuyên vì mạt nhôm từ nhà máy phát tán", vợ anh Trần Huy Cửu nhà ở sát phía lò nấu nhôm thỏi của nhà máy nói.